Từ nhân dân mà ra

Một buổi tối tháng 9-1944, trong căn lán nhỏ bên bờ suối ở Pác Bó (Hà Quảng, Cao Bằng), đồng chí Võ Nguyên Giáp đã gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Kể lại trong hồi ký, ông viết: “Đêm hôm ấy, chúng tôi nằm nghe Bác nói chuyện rất khuya. Trong căn lều lạnh giá, không đèn đóm, Bác và chúng tôi, mỗi người gối đầu trên một khúc gỗ cứng. Bác phác ra những nét chính về Đội Việt Nam Giải phóng quân, từ tổ chức đến phương châm hành động và vấn đề cung cấp lương thực, đạn dược. Bác hướng dẫn cho tôi làm một bản kế hoạch. Bác dặn đi dặn lại nhiều lần: “Phải dựa vào dân, dựa chắc vào dân thì kẻ địch không thể nào tiêu diệt được. Tổ chức của đội phải lấy chi bộ đảng làm hạt nhân lãnh đạo”.

Trên thực tế, sau cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930-1931), với sự ra đời của các đội Tự vệ đỏ, đã có hàng loạt tổ chức vũ trang được thành lập như: Đội du kích Bắc Sơn, các đội du kích ở Nam Kỳ, Cứu quốc quân... Tuy nhiên, LLVT của ta vẫn còn ít và hoạt động phân tán. Việc “lập đội quân giải phóng”, tập hợp những cán bộ, chiến sĩ anh dũng, những vũ khí tốt nhất, tổ chức thành đội vũ trang tập trung để hoạt động gây ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng, từ đó mở rộng cơ sở, phát triển LLVT là yêu cầu quan trọng đặt ra với cách mạng Việt Nam.

Được Bác Hồ tin tưởng chỉ định đảm nhiệm công tác tổ chức thành lập Đội, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã nghĩ đến sức mạnh vô cùng to lớn của đồng bào, đến lòng yêu nước tha thiết, có thể hy sinh tất cả vì Tổ quốc của những người dân đã được Đảng giác ngộ. Ông tin tưởng vào tương lai tươi sáng của đội quân mới này. Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được thành lập tại khu rừng Trần Hưng Đạo, nằm giữa tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình (nay là huyện Nguyên Bình), tỉnh Cao Bằng. Đây là đội quân đàn anh, tuy lúc đầu quy mô còn nhỏ nhưng tiền đồ rất vẻ vang. “Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam”.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh tụ Hồ Chí Minh: “Trong vòng một tháng phải có hoạt động. Trận đầu nhất định phải thắng lợi”, 17 giờ ngày 25-12-1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân đã mưu trí, táo bạo, bất ngờ đột nhập vào đồn Phai Khắt và 7 giờ sáng hôm sau (26-12) đột nhập tiếp đồn Nà Ngần (đều đóng tại châu Nguyên Bình), tiêu diệt hai tên đồn trưởng, bắt sống toàn bộ binh lính địch, thu vũ khí, quân trang, quân dụng. Chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần đã mở đầu cho truyền thống quyết chiến quyết thắng của Quân đội ta.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh lễ chào cờ đầu tiên trong ngày Hà Nội giải phóng 10-10-1954. Ảnh tư liệu

Tháng 4-1945, Thường vụ Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc Kỳ tại Hiệp Hòa, Bắc Giang, quyết định hợp nhất các tổ chức vũ trang cách mạng trên cả nước thành Việt Nam Giải phóng quân. Từ sự thống nhất đó, Quân đội ta được chỉnh đốn chính quy hơn về các mặt như tổ chức biên chế, huấn luyện, kỷ luật...

Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Việt Nam Giải phóng quân đã cùng LLVT các địa phương và nhân dân tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên toàn quốc. Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời chưa lâu đã phải đối mặt với dã tâm trở lại xâm chiếm nước ta lần thứ hai của thực dân Pháp khi chúng ngang nhiên đưa lực lượng chiếm đóng Hải Phòng, Lạng Sơn và một số tỉnh, thành phố khác trong cả nước. Trước âm mưu, hành động xâm lược của kẻ thù, đêm 19-12-1946, thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, quân và dân ta đã đánh hàng trăm trận, loại khỏi vòng chiến đấu hàng nghìn tên địch, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của địch. Đặc biệt, tại Hà Nội, với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, qua 60 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, quân và dân Thủ đô đã đánh gần 200 trận. Tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giam chân quân Pháp trong lòng thành phố vượt thời gian dự kiến, tạo điều kiện thuận lợi để chuyển cả nước vào chiến tranh.

Trưởng thành trong chiến đấu

Mùa xuân năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Chính phủ lên Việt Bắc. Nơi đây trở thành trung tâm chỉ đạo kháng chiến của cả nước. Vì thế, nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến và bộ đội chủ lực của ta, thu-đông năm 1947, thực dân Pháp huy động hơn 1 vạn quân tinh nhuệ có máy bay, tàu chiến hỗ trợ, bất ngờ tiến công lên Việt Bắc. Sau hơn hai tháng mở chiến dịch, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 7.000 tên địch. Thắng lợi của chiến dịch phản công quy mô đầu tiên có ý nghĩa chiến lược quan trọng: Đánh bại cuộc tiến công quy mô lớn và làm phá sản chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp, bảo toàn và phát triển bộ đội chủ lực, bảo vệ cơ quan đầu não và căn cứ địa kháng chiến của cả nước. Sau chiến dịch này, Quân đội ta đã có bước trưởng thành, tuy nhiên vẫn chưa có khả năng mở những chiến dịch lớn.

Để đánh bại âm mưu bình định của địch, ta chủ trương phát động chiến tranh du kích rộng khắp và thực hiện “đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung”, vừa đẩy mạnh chiến tranh du kích vừa học tập tác chiến tập trung vận động chiến. Từ đầu năm 1948 đến giữa năm 1950, bộ đội ta liên tiếp mở hơn 20 chiến dịch nhỏ trên các chiến trường. Mức độ tập trung cho mỗi chiến dịch từ 3 đến 5 tiểu đoàn, sau nâng dần lên 2 đến 3 trung đoàn, có chiến dịch sử dụng cả sơn pháo và trọng liên. Trong nhiều trận đánh, quân ta đã tiêu diệt từng đại đội đến tiểu đoàn địch ở ngoài công sự và tiêu diệt cứ điểm có trên dưới một đại đội địch đóng giữ. Đến giữa năm 1949, Bộ Tổng Tư lệnh chủ trương rút các đại đội độc lập về xây dựng các trung đoàn, đại đoàn chủ lực. Ngày 28-8-1949, Đại đoàn 308 ra đời; ngày 10-3-1950 là Đại đoàn 304.

Ngày 25-7-1950, Trung ương Đảng quyết định thành lập Đảng ủy Mặt trận Biên giới và Bộ chỉ huy Chiến dịch Biên giới do Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Bí thư Đảng ủy, Chỉ huy trưởng kiêm Chính ủy chiến dịch. Sau gần một tháng (từ ngày 16-9 đến 14-10-1950) chủ động tấn công, ta loại khỏi vòng chiến đấu hơn 8.000 tên địch, giải phóng khu vực biên giới phía Bắc, phá vỡ thế bao vây, khai thông liên lạc với Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa. Chiến dịch đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về nghệ thuật chiến dịch và sự trưởng thành lớn mạnh của Quân đội ta. Từ đây, ta bước sang giai đoạn phản công và tiến công, quân Pháp chuyển dần sang chiến lược phòng ngự. Các đại đoàn chủ lực theo đó tiếp tục được thành lập: Đại đoàn 312 (tháng 12-1950), Đại đoàn 320 (tháng 1-1951), Đại đoàn Công pháo 351 (tháng 3-1951), Đại đoàn 316 (tháng 5-1951).

Từ tháng 12-1950 đến tháng 6-1951, ta liên tiếp mở 3 chiến dịch: Trần Hưng Đạo, Hoàng Hoa Thám, Quang Trung. Đây là những chiến dịch quy mô lớn, đánh vào phòng tuyến kiên cố của địch ở trung du và Đồng bằng Bắc Bộ. Ta đã diệt hơn 1 vạn tên địch, trong đó gần một nửa là quân cơ động. Tháng 11-1951, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Hòa Bình, vừa tập trung chủ lực trên mặt trận chính vừa đưa một bộ phận chủ lực vào hoạt động trong vùng địch hậu, đẩy mạnh chiến tranh du kích trong vùng địch tạm chiếm. Kết thúc chiến dịch, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 6.000 tên địch ở Mặt trận Hòa Bình và hơn 15.000 tên ở mặt trận địch hậu. Bộ đội ta có tiến bộ mới về trình độ chiến thuật, kỹ thuật, về khả năng chiến đấu liên tục dài ngày và về sự phối hợp tác chiến giữa 3 thứ quân. Tiếp đến, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Tây Bắc (1952), Chiến dịch Thượng Lào (1953), giải phóng một vùng rộng lớn ở địa bàn chiến lược quan trọng, nối thông vùng giải phóng Tây Bắc với căn cứ địa Việt Bắc và Thượng Lào, giữ vững thế chủ động tiến công.

Trong khi ấy, tại Nam Bộ, sau một thời gian củng cố, bộ đội ta đã đứng vững trên các địa bàn. Khắp nơi, bộ đội địa phương kết hợp cùng du kích và đồng bào đánh địch càn quét, mở rộng nhiều vùng căn cứ, đánh bại âm mưu bình định của địch. Các tiểu đoàn tập trung tìm những nơi hiểm yếu tiến công, buộc địch phải đối phó. Tiêu biểu như: Ngày 17-10-1952, trong khi các lực lượng vũ trang tại chiến khu Đ đang tập trung đánh địch càn quét, Tiểu đoàn 303 kết hợp với đại đội bộ đội địa phương Lái Thiêu, tiến công đồn Bến Sắn, tiêu diệt hoàn toàn 1 đại đội ngụy. Ta thu được hàng chục súng các loại, hàng tấn đạn dược và hơn 1 tấn gạo đưa về chiến khu. Các Tiểu đoàn 300, 306, 307 phối hợp với bộ đội địa phương đánh căn cứ Trảng Bàng, Bà Chợ, diệt hàng loạt đồn bốt ở Thủ Biên. Tiểu đoàn 311 đánh vào vùng Hòa An, Cao Lãnh. Tiểu đoàn 303 tiến vào vùng Lộc Ninh, tiêu diệt các bốt Thuận Lợi, Bù Na. Quân và dân Đồng Tháp Mười đánh bại cuộc càn quét lớn, buộc địch phải rút lui nửa chừng. Một bộ phận Tiểu đoàn chủ lực 302 của Phân khu miền Đông Nam Bộ cơ động sang hoạt động trên chiến trường Campuchia, giúp bạn bảo vệ căn cứ, xây dựng cơ sở, phát động phong trào chiến tranh du kích.

Trên chiến trường miền Trung, bộ đội chủ lực cũng có những tiến bộ lớn. Cùng với Đại đoàn 325 (thành lập tháng 12-1952), các đơn vị bộ đội chủ lực Liên khu 5 đã phá vỡ nhiều hệ thống phòng ngự của địch, hàng loạt vị trí bị san phẳng, buộc chúng phải rút quân từ miền Bắc và miền Nam tăng cường cho Bình Trị Thiên, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ. Thu-đông năm 1952, Liên khu 5 mở một đợt hoạt động mạnh trên khắp chiến trường. Quân và dân đồng bằng, ven biển Liên khu 5, Tây Nguyên đánh địch đều khắp: Phục kích trên đèo Hải Vân, đánh các đoàn xe vận chuyển, diệt hàng trăm quân địch ở các đoạn Túy Loan-Ái Nghĩa, Tùng Sơn-Ái Nghĩa, Vĩnh Điện-Bình Long... Chiến dịch An Khê kéo dài đến hết tháng 1-1953, bộ đội ta đã tiến công các cứ điểm Kon Lia, Tú Thủy, Cửa An, Thượng An, buộc địch phải tăng viện trực tiếp cho An Khê tới 6 tiểu đoàn và đổ bộ lên Quy Nhơn 5 tiểu đoàn để giải vây cho An Khê. Ta đã diệt 1.600 quân địch, giải phóng 18.000 dân, vũ khí thu được đủ trang bị cho 4 tiểu đoàn...

leftcenterrightdel

Một góc Khu di tích quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo nhìn từ trên cao. Ảnh: TUẤN HUY 

Trên cơ sở đánh giá đúng tương quan lực lượng giữa ta-địch và trước những thay đổi của cục diện chiến tranh ở Đông Dương, tháng 9-1953, Bộ Chính trị quyết định mở cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954. Bộ Tổng Tư lệnh ra lệnh cho các đơn vị chủ lực phối hợp mở đợt tiến công mạnh mẽ trên các chiến trường, hình thành 5 đòn tiến công chiến lược tại Lai Châu, Trung Lào, Hạ Lào-Đông Bắc Campuchia, Tây Nguyên và Thượng Lào. Ta tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng nhiều vùng đất đai rộng lớn, buộc quân Pháp và tay sai phải căng ra đối phó ở khắp nơi.

Sau khi thực dân Pháp cho quân nhảy dù chiếm Điện Biên Phủ, trước thời cơ thuận lợi, ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị họp quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau 56 ngày đêm liên tục chiến đấu, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, loại khỏi vòng chiến đấu 16.200 tên địch, bắn rơi và phá hủy 62 máy bay; thu toàn bộ vũ khí, kho tàng, cơ sở vật chất kỹ thuật của địch ở Điện Biên Phủ, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam.

Cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp kết thúc với Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7-5-1954 - một điển hình xuất sắc, đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam. Chiến thắng minh chứng cho sự phát triển vượt bậc của Quân đội ta sau 10 năm xây dựng, chiến đấu và chiến thắng vẻ vang. Từ những đội Tự vệ đỏ trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh, những tổ chức vũ trang và nửa vũ trang nhỏ bé năm xưa, nay đã trở thành một đội quân hùng mạnh, gang thép của nhân dân Việt Nam. Đội quân sẵn sàng đánh bại mọi hành động khiêu khích, phá hoại và hành động, âm mưu xâm lược của kẻ thù. Như khẳng định của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong phát biểu nhân dịp kỷ niệm 10 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tháng 5-1964: Nhìn lại chặng đường mà nhân dân và các LLVT của ta đã trải qua, chúng ta tin tưởng sắt đá: Sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta nhất định thành công. Sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của nhân dân ta nhất định thắng lợi. Tương lai thuộc về chúng ta. Thắng lợi cuối cùng nhất định sẽ về tay chúng ta!

Bích Trang