Cho đến giờ, khi kể lại với chúng tôi về quãng đời tuổi trẻ hồn nhiên, trong sáng, ông bà vẫn nhìn nhau đầy âu yếm. Ngày ấy cùng sinh hoạt trong chi đoàn thanh niên ở làng Bỉnh Di, xã Đại Sơn, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương, trái tim của chàng trai mới lớn Đoàn Văn Môn đã bắt đầu cảm mến cô thôn nữ đảm đang, dịu hiền Vũ Thị Dung. Hai người càng có điều kiện gần nhau khi cùng tham gia trong đội văn nghệ. Nếu ông thường được giao vai nam chính thì bà cũng đảm nhiệm vai nữ chính trong các vở kịch. Bà kể, nhớ nhất là lần tham gia vở “Nổi gió”, ông đóng vai Phương-trung úy ngụy, còn bà đóng vai Vân-“chị gái” của Phương, hoạt động ở Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam. Đôi trai tài, gái sắc đã tung hứng trong những phân đoạn tâm lý sâu sắc và giành được những tràng pháo tay cổ vũ nhiệt liệt của khán giả.
|
|
Đại gia đình hạnh phúc của vợ chồng Đại tá Đoàn Văn Môn-Vũ Thị Dung. Ảnh do nhân vật cung cấp
|
Nhưng rồi, thời gian hoạt động thanh niên sôi nổi ấy trôi qua rất nhanh. Tháng 12-1971, ông nhập ngũ vào Bộ tư lệnh Thiết giáp (nay là Binh chủng TTG). Sau 3 tháng huấn luyện, ông được điều về Trung đoàn Xe tăng 203, đóng quân ở Quảng Trị. Là chiến sĩ trinh sát, từ mờ sáng, ông đã cùng đồng đội đi nắm tình hình địch bên bờ sông Thạch Hãn, xác định mũi hướng tấn công của xe tăng địch để báo cáo cấp trên. Những tháng ngày ông vượt qua làn pháo kích của địch ở chiến trường Quảng Trị ác liệt để thực hiện nhiệm vụ thì nơi quê nhà, bà cũng đang “đấu tranh” với bố mẹ để được nhập ngũ.
Nhớ lại những ngày tháng ấy, bà Vũ Thị Dung ôn tồn kể: “Nhà có 8 anh chị em thì chỉ có tôi là nữ. Hai anh trai đầu cũng đang chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Bố mẹ phản đối kịch liệt trước ý định tình nguyện nhập ngũ của tôi, muốn tôi như bao thôn nữ khác, sớm yên bề gia thất để các cụ yên lòng. Nhưng trong tôi luôn nung nấu một suy nghĩ, đất nước chưa im tiếng súng, dù mình là phận nữ nhi thì vẫn có thể góp sức bảo vệ quê hương”.
Tháng 5-1972, mong ước vào bộ đội được thỏa nguyện, bà trở thành chiến sĩ của Tiểu đoàn 2 Thông tin (nay là Lữ đoàn Thông tin 602 Hải quân). Những tháng ngày bà làm quen với công việc nhận điện ở tiểu đội thông tin thì nơi chiến trường Quảng Trị, ông cũng mấy lần thoát chết trước bom, đạn địch. Sau thời gian huấn luyện tân binh, cũng là thời điểm không quân Mỹ điên cuồng đánh phá Hà Nội, Hải Phòng..., đơn vị bà rút vào hoạt động bí mật ở hang Vua thuộc xã Minh Tân, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng). Bà kể, tiểu đội thông tin của bà làm việc trong một hang đá nhỏ, kê được hai chiếc giường cùng hai chiếc máy thông tin. Ngoài ca trực thì bà và đồng đội về vị trí đóng quân của đơn vị ở chân núi. Cuộc sống, sinh hoạt rất khó khăn, vất vả, ăn cơm nhiều bữa độn khoai, sắn nhưng lúc nào các cô gái trẻ cũng lạc quan. Và những lá thư của ông trở thành nguồn động viên để bà hoàn thành nhiệm vụ. Bà cũng viết cho ông những dòng thơ lãng mạn cùng quyết tâm chiến đấu: Anh có thấy không trong đội ngũ chan hòa/ Cũng có em nhập đoàn quân ra trận/ Em vẫn đứng bên anh như cây xanh khỏe đẹp/ Như bài ca hát mãi khúc quân hành/ Ta xa nhau không hề rơi nước mắt/ Nước mắt chỉ để dành cho ngày gặp mặt...
Đất nước thống nhất, tháng 9-1975, bà Vũ Thị Dung được xuất ngũ. Khi ấy, ông Đoàn Văn Môn đang là giáo viên Khoa Vũ khí, Trường Sĩ quan Thiết giáp (nay là Trường Sĩ quan TTG). Hơn một năm sau, tháng 12-1976, ông bà tổ chức lễ thành hôn. Đơn vị ông đóng quân ở Vĩnh Phúc, còn bà công tác ở Xí nghiệp Gỗ Hải Dương. Cuối tuần, ông mới về thăm người vợ trẻ. Cuộc sống trong xa cách như vậy diễn ra trong 4 năm, rồi ông thuyết phục bà “về chung một mối”. Năm 1980, bà theo chồng về công tác tại Trường. Bà bảo, tưởng về cùng đơn vị thì được gần nhau nhưng chỉ được một thời gian, ông lại nhận nhiệm vụ đi làm chuyên gia quân sự ở Campuchia. Ở nước bạn, ông dành hết tâm huyết truyền thụ kiến thức, kinh nghiệm cho bạn; nơi quê hương, bà vất vả vừa nuôi dạy 3 con nhỏ vừa làm tốt công việc hậu cần ở trường. Nhưng như ngày trẻ, có một niềm động viên to lớn với bà, đó chính là những lá thư đều đặn của ông.
Bà Vũ Thị Dung chia sẻ: “Sau khi hoàn thành nhiệm vụ giúp bạn, trải qua nhiều cương vị công tác, mãi đến năm 2002, ông ấy mới trở lại Trường Sĩ quan TTG với cương vị Chủ nhiệm Chính trị rồi Phó hiệu trưởng, Chính ủy Nhà trường. Đến lúc ấy chúng tôi mới thực sự được gần nhau. Là vợ người lính, tôi thấm thía những phút giây xa cách, nhưng trong lòng luôn đầy ắp niềm tin và quyết tâm chờ đợi...”.
Bây giờ khi đã nghỉ hưu, con cái trưởng thành, ông bà mới có điều kiện quan tâm, chăm sóc cho nhau. Ông động viên bà tích cực sinh hoạt tại các câu lạc bộ đàn hát dân ca, nghệ thuật sân khấu của địa phương, ở hội cựu chiến binh, hội phụ nữ xã... Cùng tham gia hoạt động văn hóa-nghệ thuật quần chúng ở địa phương, ông là người dàn dựng các chương trình văn nghệ, chủ trì những tiết mục ca khúc cách mạng, còn bà biểu diễn các làn điệu dân ca, quan họ. “Chung câu quân hành” khi còn trẻ, giờ đây, ông bà lại cùng đem lời ca quân hành phục vụ bà con lối xóm và cộng đồng.
THU THỦY