Hai chữ “văn hóa” hiện thế giới đang dùng được bắt nguồn từ chữ Latin “cultus” có nghĩa gốc là “gieo trồng”. “Cultus agri” là “gieo trồng ruộng đất”, “cultus animi” là “gieo trồng tinh thần”. Bác Hồ rất truyền thống, dân tộc nhưng cũng rất hiện đại, quốc tế khi viết: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”, không chỉ là nguyên lý, chân lý mà còn là đạo lý.
Thế giới hôm nay cũng ví con người như một cây xanh có bộ rễ khỏe khoắn cắm sâu vào các mảnh đất văn hóa của cuộc sống đương đại, truyền thống dân tộc và văn hóa nhân loại để hút dưỡng chất tinh hoa rồi vươn cành lá vào bầu trời thời đại mà quang hợp ánh sáng lý tưởng mới mẻ. Lại ví con người như cấu trúc một tòa nhà có nền móng là vốn văn hóa dân tộc; các bức tường là trí tuệ, tinh thần, tư tưởng; có nhiều cửa sổ ngôn ngữ; lại có nhiều cửa chính để đón bạn bè ghé thăm, học tập, trao đổi... Nhà có nền móng yếu sẽ sớm bị nghiêng đổ. Như vậy, mọi vấn đề đều xoay quanh hai khâu cơ bản là nền (mảnh đất) văn hóa và con người văn hóa. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định “văn hóa còn thì dân tộc còn” là rất đúng với tinh thần của triết học liên văn hóa. Như vậy, về quan điểm chung là phải xây dựng cho được một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc như Đảng đã chỉ ra và kiến tạo mẫu người văn hóa tốt đẹp. Đó là cách tốt nhất để tạo ra sức đề kháng chống lại mọi sự xâm lăng văn hóa. Một cơ thể khỏe mạnh thì các vi khuẩn độc hại sẽ khó xâm nhập. Cái đẹp nhiều lên, mạnh lên, cái xấu ắt lùi xa!
1. Vun đắp cái gốc truyền thống
Xin được nhắc lại lời Bác Hồ: “Những người cộng sản chúng ta phải rất quý trọng cổ điển. Có nhiều dòng suối tiến bộ chảy từ ngọn núi cổ điển đó. Càng thấm nhuần Chủ nghĩa Mác-Lênin, càng phải coi trọng những truyền thống tốt đẹp của cha ông”. Càng ở thời giao lưu, tiếp biến văn hóa mạnh mẽ này, văn hóa truyền thống dân tộc càng phải được coi trọng, nhấn mạnh. Vì chỉ có văn hóa dân tộc mới làm nên bản sắc, mới tạo ra được “căn cước văn hóa” để bước ra thế giới. Mà văn học-nghệ thuật là thành tố cơ bản của văn hóa nên bên cạnh việc tiếp thu thành tựu văn nghệ nước ngoài, cơ bản hơn cần có chiến lược nghiên cứu học tập, kế thừa, phát triển văn nghệ của cha ông. Có cả một nền mỹ học, theo con đường liên văn hóa cha ông ta đã dày công kiến tạo vẫn còn đang nằm trong nhiều trước tác nhưng chưa được khai thác đúng mức. Các trò chơi có trong truyền thống hàng nghìn năm phù hợp với thể chất, tính cách người Việt chưa được phục dựng, triển khai một cách thích hợp. Công cuộc chấn hưng văn hóa phải được thực hiện một cách triệt để, thực tế hơn để làm sống lại những giá trị văn hóa cổ truyền. Đang có tình trạng quá chú ý tới hình thức hơn là tới nội dung của văn hóa. Ví như việc tổ chức lễ hội tràn lan, thiếu chọn lọc nên hội đông mà chưa vui, tiền thu có thể nhiều nhưng giá trị ý nghĩa thì còn ít ỏi...
2. Coi trọng văn hóa gia đình, nhà trường
Trồng cây vào đất tốt cây mới có thể trưởng thành. Cũng vậy, phải trồng người vào mảnh đất văn hóa (tức môi trường giáo dục) là gia đình, nhà trường và xã hội. Phải tạo ra được môi trường giáo dục lành mạnh, lấy việc xây dựng văn hóa gia đình làm căn bản. Vì mỗi cá nhân từ ấu thơ đến lúc trưởng thành đều thấm nhuần các chuẩn mực giá trị văn hóa truyền thống từ gia đình. Hầu hết các nhân cách lớn đều sinh ra từ nếp nhà tốt đẹp. Cách giáo dục tốt nhất là nêu gương. Nhân cách đứa con chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng, tiêm nhiễm thói xấu nếu có bố mẹ tham nhũng, ăn của đút lót, lười biếng... Hạt nhân hợp lý của câu tục ngữ “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” chính là nhắc nhở người lớn phải là tấm gương cho trẻ. Ở nhà ông bà, cha mẹ, anh chị làm gương. Đến trường thầy cô làm gương. Ngoài xã hội người lớn làm gương thì trẻ em nhất định sẽ phát triển nhân cách tốt. Nhà trường cần chú ý giáo dục đạo đức công dân vì đạo đức là gốc của nhân cách. Đạo đức cũng là gốc của pháp luật. Một người có đạo đức tốt có thể thiếu kiến thức luật pháp nhưng sẽ có nhận thức đúng về cái thiện, cái ác và sẽ ứng xử theo các chuẩn mực đạo đức. Do vậy nâng cao kiến thức pháp luật cũng là cách bồi dưỡng, giáo dục đạo đức. Trong thời toàn cầu hóa, đạo đức và pháp luật được coi là những nhánh rễ chính của cây nhân cách người!
Thế giới đang hướng theo khẩu hiệu “Học để biết, học để sống, học để chung sống, học để làm, học để sáng tạo”, tức là sự cụ thể hóa triết lý học để làm người. Thực ra triết lý này đi sau triết lý của Bác Hồ: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ...”. Nói thế để thấy triết lý giáo dục hôm nay phải được triển khai theo tư tưởng về giáo dục của Hồ Chí Minh!
3. Đề cao vai trò người nghệ sĩ - chủ thể sáng tạo văn hóa
Sứ mệnh cao cả nhất của các nhà văn hóa là kiến tạo những nhân cách văn hóa. Cụ Nguyễn Du viết: “Ngổn ngang trăm mối bên lòng/ Nên câu tuyệt diệu ngụ trong tính tình”. Không “ngổn ngang trăm mối”, không thể có “câu tuyệt diệu”. Người nghệ sĩ phải “đau đớn lòng” (rung động) trước “những điều trông thấy” (trải nghiệm) mới có thể làm người khác “đau đớn” được! Chàng Trương Chi phải “thậm xấu”, tức phải sống trong bi kịch mới có thể có tiếng sáo hay. Gặp bi kịch tiếng sáo càng có hồn hơn... Thế nên, bên cạnh sự tôn trọng tự do sáng tạo, cần đặc biệt quan tâm việc bồi dưỡng tư tưởng chính trị, quan điểm, lập trường cho văn nghệ sĩ. Văn học-nghệ thuật là vấn đề tư tưởng. Lá cành của cây xanh nhà văn phải luôn quang hợp ánh sáng lý tưởng cách mạng, nếu không cây sẽ bị héo và quả sẽ sài đẹn. Tình cảm đúng đắn nhất, chân lý nhất là tự do sáng tạo với mục đích vì nước, vì dân, vì chủ nghĩa xã hội, độc lập dân tộc, dân chủ, giàu mạnh. Tư tưởng sẽ chuyển hóa để rồi trở thành máu thịt tác phẩm. Để có tư tưởng phải là quá trình lâu dài từ thấu hiểu (nhận thức) sâu sắc cuộc sống đến thấu cảm (đồng điệu, hòa nhập) vào hình tượng, cộng cảm (tiếp nhận, chia sẻ, lan tỏa) với cõi nhân sinh để có một mẫu số văn hóa chung mới có thể truyền cảm một cách sâu xa (nghệ thuật) tới đối tượng tiếp nhận.
4. Kiên quyết loại trừ văn hóa phẩm độc hại
Ngoài việc luật hóa xuất bản, thể chế hóa dưới luật một cách cụ thể về trách nhiệm để tránh đăng tải những văn hóa phẩm kém chất lượng, việc quan trọng trước mắt là hạn chế các văn hóa phẩm độc hại trên các nền tảng số như mạng xã hội, rõ nhất là TikTok. Vì mục đích lợi nhuận (có cả mục đích chính trị), TikTok đã tán phát nhiều nội dung phản cảm, lệch chuẩn, nhiều tin xấu độc, tạo môi trường thuận lợi cho tin giả gây thiệt hại về kinh tế và bất ổn xã hội... Ngày 5-10-2023, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, điều đáng ngại là sự vi phạm lại do một “thực thể thứ ba” đặt tại nước ngoài (TikTok Singapore) vận hành cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới vào. Hiện nước ta có hàng chục triệu người, đa phần là trẻ em thường xuyên dùng TikTok.
Như vậy, việc đấu tranh này mang tính quốc tế, đòi hỏi sự nỗ lực cao nhất của cơ quan quản lý, cơ bản hơn vẫn là sự giáo dục thanh, thiếu niên phải được đặt ra một cách khẩn thiết, thời sự. Theo kinh nghiệm của một số nước, ngoài biện pháp chặn dòng tiền chảy về các “nền tảng” xấu (các trang mạng này tồn tại chủ yếu nhờ tiền quảng cáo), cơ bản hơn là bằng các hình thức tuyên truyền (văn bản, nói chuyện, truyền thông...) tới các cơ sở giáo dục, phân tích làm rõ các tác hại nguy hiểm (về kinh tế, chính trị, văn hóa) kết hợp với biện pháp hành chính xử lý những trường hợp vi phạm. Không gian mạng đang bị vẩn đục nghiêm trọng mà nạn nhân chính là trẻ em, do vậy cần thiết phát động phong trào bảo vệ trẻ em trên mạng xã hội để toàn hệ thống chính trị hưởng ứng tham gia.
PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ