Dương Thị Xuân Quý sinh ngày 19-4-1941, tại phố Hàng Bông, Hà Nội; quê quán ở thôn Phú Thị (Mễ Sở, Văn Giang, Hưng Yên); trong một gia đình trí thức yêu nước. Ông nội (cụ Dương Trọng Phổ) hoạt động trong phong trào Đông Kinh nghĩa thục, bị thực dân Pháp đày ra Côn Đảo. Phụ thân (ông Dương Tụ Quán), bác ruột (ông Dương Bá Trạc) làm báo, viết văn tuyên truyền, kêu gọi canh tân ái quốc.

Tuổi thơ, Xuân Quý đi kháng chiến cùng gia đình tại Chiến khu Việt Bắc, sau năm 1954 về Hà Nội học phổ thông. Với cá tính mạnh mẽ, tốt nghiệp cấp 3, Xuân Quý đi học nghề trắc địa mỏ ở Quảng Ninh. Năm 1961, bà về Báo Phụ nữ Việt Nam, trở thành phóng viên năng nổ, tâm huyết, với quan niệm phải bám sát thực tế đời sống để viết. Dù đã mang thai tháng thứ sáu, Xuân Quý vẫn về thực tế tại Thái Bình, lam lũ ruộng đồng cùng bà con nông dân. Nhiều đồng nghiệp ở Báo Phụ nữ Việt Nam hồi tưởng cảm động và trân trọng tấm gương phóng viên Xuân Quý cứng cỏi, xông xáo, đã quyết là làm, lăn xả vào cuộc sống để lao động và viết. Những ngày đầu Mỹ ném bom miền Bắc, Xuân Quý đã có mặt tại các vùng trọng điểm Nghệ An, Hà Tĩnh...

leftcenterrightdel
 Nhà văn Dương Thị Xuân Quý tại chiến trường Quảng Đà năm 1969.  Ảnh tư liệu

Một năm sau ngày chồng vào Nam, tháng 4-1968, Xuân Quý gửi con (bé Ly) mới 16 tháng tuổi cho mẹ ruột rồi lên đường đi chiến trường. Nhà văn Phạm Việt Long, một đồng đội của Xuân Quý nhớ lại: “Chúng tôi cùng tập trung tại Hòa Bình để bồi dưỡng và tập luyện. Chị Quý người nhỏ bé, chỉ nặng chừng 40kg nhưng vẫn đeo ba lô gạch nặng vài ba chục cân để tập hành quân. Cùng đồng đội, chị đã đi bộ vượt Trường Sơn cả trăm ngày, với ba lô nặng trên lưng, thêm chiếc máy ảnh, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, vào đến chiến trường-Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu 5. Có khi kiệt sức, nhưng chị dứt khoát không nhờ ai mang hộ, lúc mệt quá, đau vai, đau chân quá lại lén ra bờ suối khóc một mình”. Xuân Quý được phân công nơi công tác chính là Tạp chí Văn nghệ Giải phóng Trung Trung Bộ. Chỉ trong thời gian ngắn, sống giữa những trận bom B-52 và những công việc phát rẫy làm nương, gùi gạo, muối; nếm trải những trận đói quay quắt, những cơn sốt rét bầm giập, Xuân Quý đã có thành quả văn chương đầu tiên giữa chiến trường với truyện ngắn “Hoa rừng” và các bút ký: “Tiếng hát trong hang đá”, “Gương mặt thách thức”, “Niềm vui thầm lặng”... được đồng nghiệp đánh giá cao.

Một người phụ nữ mảnh mai, con nhà dòng dõi, có tài năng, đang công tác ở Thủ đô; một người vợ đã có chồng vừa vào Nam; một người mẹ đang nuôi con thơ nhưng Xuân Quý lại xung phong vào nơi khó khăn, ác liệt nhất. Đó là một sự hy sinh cực kỳ lớn lao, một bản lĩnh phi thường, trên hết là một tình yêu nước cao cả. Ai từng ở chiến trường đều biết, giữa nơi khốc liệt thì người phụ nữ chịu khổ gấp nhiều lần đàn ông, do vậy cũng phải bản lĩnh hơn đàn ông nhiều lần. Ai đã làm cha mẹ đều hiểu đứa con bé bỏng của mình là vô giá, thiêng liêng vô cùng. Thế mà người mẹ ấy đã nén lòng rời xa con để đi chiến đấu. Tất yếu phải trải qua cuộc đấu tranh nội tâm dữ dội để rồi người mẹ ấy lên đường, có lẽ bởi nhờ có lời giải: Ra đi để những người như con mình tự do, sung sướng hơn...

leftcenterrightdel

Nhà văn Dương Thị Xuân Quý (1941-1969). Ảnh tư liệu 

Xin được đọc những dòng nhật ký này để hiểu thêm: “Mẹ đã thầm hứa với con: Từ nay phải bắt đầu những trang viết. Phải có thật nhanh những sáng tác từ chuyến đi kỳ diệu này... Mẹ sẽ vượt qua tất cả, sự vất vả, nỗi gian khổ và những khó khăn... Mẹ sẽ hết sức tranh thủ để có thể viết được ngay con nhé”. Cũng người mẹ ấy viết: “Lạ thế, biết nguy hiểm nhưng vẫn sẵn sàng lao vào, dù có hy sinh”. Mà ở nơi sống - chết, viết nhật ký cho riêng mình thì trung thực. Hai chữ “lạ thế” này nói rất đúng về thời đại ấy: Hạnh phúc là được hy sinh cho đất nước. Thế nên câu thơ “Đường ra trận mùa này đẹp lắm” của Phạm Tiến Duật là rất thật. Còn đây là lời thư của Xuân Quý gửi cho nhà văn Chu Cẩm Phong (đề ngày 2-3-1969) tại Quảng Đà-chiến trường ác liệt nhất của Khu 5 hồi đó: “May mắn tôi được có mặt, Xuyên Hòa kiên cường lắm; tôi bắt gặp nhiều điều rất xúc động, gặp nhiều nguy hiểm, nhưng vui kỳ lạ...”.

Ba chữ “vui kỳ lạ” cho thấy thế thắng của một dân tộc dù đang ở trong hoàn cảnh khó khăn nhất, cũng đồng thời cho thấy tư cách và tư thế một người anh hùng. Nhưng tại sao lại “may mắn”? Có ai coi mình ở giữa nơi sống - chết, một mất - một còn là may mắn đâu? Xin đọc lại truyện “Hoa rừng” của nhà văn để hiểu thêm về điều này:

Phước-cô gái giao liên dẫn đoàn quân bí mật đi trong rừng. Anh em ai cũng mệt mỏi. Đoàn trưởng Thăng khẩn khoản xin cô cho nghỉ. Phước nhẹ nhàng nhưng kiên quyết đi tiếp vì nghỉ lúc này rất dễ gặp bom giặc. Thực tế diễn ra đúng như vậy. Anh em ai cũng phục. Chưa hết, đi đến nơi, bỗng một chiến sĩ binh trạm kêu toáng lên: “Ô kìa, cô Phước giao quân cho trạm trưởng xong lại quay về luôn các cậu ạ. Khiếp chưa?”. Nghĩa là chuyến dẫn đoàn quân của Thăng là chuyến “về”. Còn trước đó là chuyến “đi”. Anh em trong đoàn quân của Thăng càng cảm phục bội phần. Với Thăng, “Phước giống hệt những bông hoa rừng” và “trên đường hành quân ngàn dặm của chúng ta-Thăng nghĩ-có biết bao bông hoa rừng đẹp kín đáo như thế. Những bông hoa thường mọc xuyên lên từ khe đá khắc khổ, lẩn khuất thầm lặng dưới những gốc cây rễ nổi xù xì. Những bông hoa nom rất đỗi mảnh mai nhưng chẳng có bão mưa nào vùi giập nổi”.

leftcenterrightdel

Bìa cuốn nhật ký chiến trường của nhà văn Dương Thị Xuân Quý.

Thiên chức của văn chương là khám phá và phát hiện những điều mới mẻ về đời sống. Muốn vậy, nhà văn phải thâm nhập, phải lăn xả, phải ngụp lặn xuống tận đáy dòng chảy cuộc đời, nếu không trang viết sẽ vô vị, nhạt nhẽo vì thiếu chất muối mặn mòi cần có. Đó là nguyên lý sáng tạo, cũng là chân lý của nghệ thuật. Thì ra hai chữ “may mắn” ngắn ngủi của nhà văn Xuân Quý lại nói rất nhiều về lý luận quan hệ giữa đời sống và tác phẩm. “May mắn tôi được có mặt” rất đúng, rất thật. Với riêng Xuân Quý, nhờ “may mắn” ấy mà nhà văn phát hiện thêm một vẻ đẹp rất đỗi nữ tính, rất đỗi anh hùng của những “bông hoa rừng” như thách thức đạn bom!

Chưa kịp viết tiếp về “những bông hoa” khác đang nở rất đẹp giữa chiến trường tỏa hương vị đậm đà tình yêu Tổ quốc thì Xuân Quý anh dũng hy sinh vào đêm 8-3-1969, trong một trận chống càn tại xã Xuyên Tân (nay là Duy Thành, Duy Xuyên, Quảng Nam). Dừng lại ở tuổi 28, nhưng cuộc đời và tác phẩm của nhà văn sống mãi. Nhà văn được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật năm 2007.  

NGUYÊN THANH