Tôi được biết ông tham gia cách mạng từ năm 17 tuổi (1946) làm công tác Đoàn Thanh niên Cứu quốc, dạy bổ túc văn hóa. Mùa hè năm 1950, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Pháp đi vào giai đoạn quyết liệt, Nguyễn Trọng Oánh nhập ngũ, phục vụ ở Đại đoàn 304. Ông vốn biết tiếng Pháp, chữ Hán, lại thông minh, chăm chỉ nên được cấp trên phân công làm tờ tin trung đoàn rồi đại đoàn.
Nguyễn Trọng Oánh có điều kiện thâm nhập thực tế chiến đấu của các chiến sĩ và bắt đầu làm báo, viết văn. Tuy vậy, mãi sau hòa bình ở miền Bắc (1954) được điều về trại viết về đề tài những anh hùng do Tổng cục Chính trị mở, ông mới được đông đảo bạn đọc biết đến. Nhưng người ta biết đến thơ chứ không phải những trang truyện ký ông viết trong trại. Thơ Nguyễn Trọng Oánh chân chất, giản dị, thấm đẫm chất ca dao, tục ngữ xứ Nghệ:
Đêm ba mươi không ngủ
Mẹ ngồi kể chuyện cũ
Thuở ấy Đảng chưa về
Áo cơm lấm xương máu
(Chuyện cũ dân Lèn)
Vào năm 1961, ông gom những bài thơ viết lẻ tẻ vào tập “Thơm hương bốn mùa”. Từ đó người đọc chú ý tới ông với tư cách nhà thơ. Người ta nhớ tới thơ Nguyễn Trọng Oánh trước tiên là chất Nghệ, điều đó lý giải vì sao không phải ngẫu nhiên mà có lúc ông lấy bút danh là Đồ Nghệ (ký dưới các câu đối). Chất Nghệ trong thơ ông không chỉ ở trong âm hưởng của câu ví, câu giặm mà ngay cả những sản vật, những đặc sản của quê hương Nghệ An cũng ùa vào thơ.
Tôi có một kỷ niệm nhỏ về thơ ông. Ấy là vào năm 1964, khi cả nước còn bời bời khói lửa chiến tranh, một người anh của tôi từ trong tuyến lửa Khu 4 ra nghỉ phép mấy ngày có đem về làm quà cho thầy bu tôi một giỏ cam và ngâm nga đọc câu thơ mà chính anh ấy khi đó cũng không biết là của ai làm:
Thuyền xuôi xuôi mãi dòng sông
Dòng sông quê Bác nước trong đôi bờ
Xôn xao sóng đục con đò
Đã nghe âm ấm câu hò Nghệ An:
“Quê ta ngọt mía Nam Đàn
“Ngon khoai chợ Rộ, thơm cam Xã Đoài...
Mãi những năm sau lớn lên tôi mới biết cam Xã Đoài được coi là trái cây “tiến vua” nức tiếng ở xứ Nghệ. Xã Đoài thuộc xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, Nghệ An. Còn khoai chợ Rộ là thứ khoai lang ăn cũng rất ngon có ở vùng chợ Rộ. Chợ nằm trên mảnh đất xưa kia vốn thuộc tổng Võ Liệt, một địa danh đã được ghi dấu ấn quan trọng trong lịch sử, nay thuộc xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương. Từ ngày xưa người ta đã chọn mảnh đất này làm nơi trao đổi mua bán các mặt hàng truyền thống bởi nơi đây thuận lợi về mặt giao thông cả đường sông lẫn đường bộ. Rồi cũng mãi những năm sau đó tôi mới biết được những câu thơ đó là của nhà thơ Nguyễn Trọng Oánh trong bài thơ “Quê Bác” ông viết từ năm 1959:
Đường sang quê Bác đây rồi
Con nông giang nhỏ chạy dài đầu thôn
Nhà xưa Bác ở vẫn còn
Mái tranh nho nhỏ, nếp vườn thân yêu
    |
 |
Nhà văn Nguyễn Trọng Oánh. Ảnh tư liệu |
Có một ngôi làng mà những hình ảnh thân thương gần gũi đã in sâu vào tâm thức người dân nước Việt. Nơi ấy có những mái nhà tranh dưới những lũy tre xanh, có nhịp võng trưa hè cùng tiếng ru ầu ơ của mẹ, có câu dân ca mênh mang cùng đồng ruộng, núi sông… Ngôi làng mang tên làng Sen vì luôn ngát hương sen; là quê hương của Bác Hồ kính yêu, người con ưu tú của dân tộc, lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam, danh nhân văn hóa kiệt xuất! Nơi ấy là làng Sen thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Từ thành phố Vinh đi theo Quốc lộ 46 khoảng 15km là tới làng Sen, quê Bác. Dẫu đã qua cả thế kỷ, vạn vật đổi thay nhưng những hình ảnh xưa cũ của làng Sen gắn liền với tuổi thơ Bác vẫn được lưu giữ đến bây giờ như một miền ký ức đẹp và là tấm gương sáng cho mọi thế hệ. Đó là giếng Cốc, cây đa, đền làng Sen, nhà thờ họ Nguyễn Sinh… và đặc biệt là ngôi nhà tranh của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc-thân phụ Bác, nơi gắn bó với tuổi thơ của Bác Hồ, cũng là khởi nguồn cho một tinh thần yêu nước và ý chí lớn lao của Người sau này.
Nhà xưa Bác ở vẫn còn
Mái tranh nho nhỏ, nếp vườn thân yêu
Bác ơi, nhà Bác cũng nghèo
Quê hương Bác cũng như nhiều quê hương
Chỉ vì Bác rộng tình thương
Cho nên nắng đẹp mười phương tràn về.
Để người cuộn chỉ ngừng xe
Khăn vuông yếm trắng lên đê giữ làng
Để người tắm nước quê hương
Thấy sông thêm rộng thấy đường thêm xinh
Nguyễn Trọng Oánh sinh năm 1929, bài thơ viết năm 1959-năm ông 30 tuổi là cán bộ trong quân đội, vậy mà trước ngôi nhà xưa của Bác, ông vẫn cảm thấy vô cùng nhỏ bé:
Tôi như chim nhỏ giữa rừng
Bác như nắng đẹp sưởi hồng ban mai
Lời đâu mà nói hết lời
Mái tranh còn mãi dấu Người thân yêu
Ra về bãi mía nhìn theo
Thuyền ai lên Rộ nước triều dâng dâng
Đất vui đất có anh hùng
Ta vui ta sống giữa lòng quê hương.
Về thăm quê Bác, từ quê Bác ra đi, trải mấy mùa chiến dịch, lăn lộn suốt chiều dài đất nước, chiều dài hai cuộc chiến tranh chống Pháp rồi chống Mỹ, nhà văn Nguyễn Trọng Oánh đã để lại cho đời, cho văn học nhiều tác phẩm có giá trị như: Con tốt sang sông, Đất trắng, Mây cuối chân trời, Người thắng cuộc…
NGÔ VĨNH BÌNH