Sau ít phút trò chuyện, ông vào trong nhà cầm cuốn sổ nhật ký và bản sao lý lịch cán bộ để cho chúng tôi thực mục sở thị “tài sản” của mình. Ông cho hay, ngày 1-5-1966, ông được kết nạp Đảng khi đang làm Bí thư Chi đoàn xã Lãng Ngâm, huyện Gia Lương, tỉnh Hà Bắc (nay là huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh). Tháng 9-1966, ông tình nguyện viết đơn nhập ngũ, huấn luyện chiến sĩ mới tại Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 36, Sư đoàn 308. Sau đó, ông cùng Tiểu đoàn vào miền Nam, tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Nam-Đà Nẵng. Tháng 7-1969, ông được tín nhiệm cử làm Bí thư chi bộ, Chính trị viên Đại đội 11 thuộc Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 36. Trong một trận chiến đấu, ông bị thương và bị địch bắt. Địch đưa ông đi giam ở nhà lao Đà Nẵng, sau đày ra nhà tù Phú Quốc. Ngày 16-3-1973, chúng trao trả ông cho quân ta bên bờ sông Thạch Hãn (Quảng Trị). Sau khi ra miền Bắc, ông được đưa đi an dưỡng, cử đi học văn hóa và chính trị, rồi về công tác ở Bộ CHQS tỉnh Hà Bắc; chuyển ngành sang làm cán bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Bắc; Tổ trưởng Tổ phái viên huyện Lục Ngạn, Bí thư Đảng bộ xã Phú Nhuận, huyện Lục Ngạn, tỉnh Hà Bắc; Chánh văn phòng UBND huyện Thuận Thành (nay là thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Năm 1992, ông nghỉ hưu.

“Ngày 17-9-1969, tôi trực tiếp chỉ huy đại đội chiến đấu với Lữ đoàn Rồng Xanh (Nam Triều Tiên) tại chiến trường Duy Xuyên-Quảng Nam. Trận chiến đó, tôi bị địch bắt, tra tấn dã man nhưng kiên quyết không khai. Bọn chúng giam tôi vào nhà lao Đà Nẵng, rồi đày ra nhà tù Phú Quốc. Sau 5 tháng bị đày ở nhà tù Phú Quốc, với số tù 5994 (tên trong tù là Nguyễn Văn Tuyển), tôi tìm cách bắt liên lạc với các cán bộ cốt cán của nhà lao để được chắp nối sinh hoạt đảng ở trong tù. Ở đây, tôi tích cực tham gia đấu tranh hợp pháp, bán hợp pháp và bất hợp pháp (tuyệt thực); tham gia dạy học văn hóa và được Đảng ủy nhà lao giao phụ trách Tổ thơ “Hương Sen”, tổ địch vận trong tù. Tôi cũng tranh thủ học thêm văn hóa lớp 10. Cuối năm 1972, tôi được bầu vào Ban Chấp hành Liên chi bộ nhà lao kiêm Bí thư chi bộ, chỉ đạo đào hầm vượt ngục đưa 4 đồng chí trốn thoát ra ngoài...”, ông Duật nhớ lại.

leftcenterrightdel
Cựu tù binh Nguyễn Mạnh Duật kể chuyện dạy học trong nhà tù Phú Quốc cho học sinh Trường Tiểu học Trung Kênh, huyện Lương Tài (Bắc Ninh). Ảnh: NGỌC PHAN    

Kể về việc học tập trong tù, ông cho biết: “Việc học tập ở trong tù của các chiến sĩ cách mạng nhằm rèn luyện ý chí phấn đấu, để quên đi những ác liệt, sợ hãi hằng ngày, hằng giờ. Đặc biệt, mọi người đều giữ vững chí khí học tập theo gương của các chiến sĩ tiền bối, biến nhà tù thành trường học cách mạng. Các năm 1969-1970, việc học tập trong tù phải hết sức bí mật do bị địch kiểm soát gắt gao và tra tấn vô cùng dã man nếu bắt gặp nhóm 3 người ngồi với nhau. Từ năm 1971 đến 1972, với những thắng lợi liên tiếp trên chiến trường nên Mỹ, ngụy yếu thế hơn phải chấp nhận nhiều yêu sách của ta, trong đó có việc tổ chức các lớp học văn hóa trong tù (vẫn cấm dạy chính trị). Các lớp học tổ chức với 7-10 người tham gia hoặc có thể nhiều hơn. Ông được phân công dạy toán lớp 7 cho 5 đồng chí và dạy lịch sử cổ cận đại cho 10 đồng chí. Nhiều lớp học khác cũng được tổ chức như học y, học đàn, nhạc, cắt may... Các lớp học chính trị vẫn được anh em tù nhân bí mật tổ chức, mỗi khi giám thị đi qua phải nhanh chóng chuyển sang dạy văn hóa với những phương trình Toán học và hình học vẽ sẵn trên nền cát...

Là người có nhiều kiến thức văn-sử và có nhiều bài thơ viết trong tù nên ông được giao phụ trách tổ thơ cùng đồng chí Nguyễn Trọng Khiêm (Đình Bảng, Hà Bắc) và các đồng chí: Chữ (Nam Định); Như, Bằng (Hà Nội)... Tổ thơ có nhiệm vụ sáng tác và biên tập một số bài thơ của các anh em trong tù rồi trình lãnh đạo Đảng ủy khu giam D5 xét duyệt.

Điều kiện trong tù hết sức khó khăn, để có giấy viết, các ông phải bí mật nhặt các vỏ hộp carton cũ về ngâm nước, bóc từng lớp thành những tờ giấy mỏng, phơi khô, dùng tấm gỗ cán phẳng. Mực thì lấy từ những con cá mực bị thối địch bỏ đi hòa với nước tạo nên thứ nước đen sánh để viết.

Khi được giao phụ trách tổ thơ, ông đã nghĩ đặt tên cho tổ thơ sao cho thật hay và ý nghĩa. Ông Nguyễn Mạnh Duật kể tiếp: “Khi đó tôi nhớ ngay đến những câu thơ của Nguyễn Du nói về hoa sen và câu ca quen thuộc: Trong đầm gì đẹp bằng sen/ Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng/ Nhị vàng bông trắng lá xanh/ Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Tôi đã đề xuất lấy tên tổ thơ và cả tập thơ là “Hương Sen” để nói về tấm lòng của các chiến sĩ cách mạng mặc dù bị tù đày tra tấn, bị kẻ thù dụ dỗ, mua chuộc nhưng vẫn giữ được khí tiết của người cộng sản và phẩm chất cao quý của Bộ đội Cụ Hồ. Tên “Hương Sen” được nhiều người đồng ý và có từ đó.

Các bài thơ sau khi được Đảng ủy duyệt rồi đóng quyển, trang trí bìa cẩn thận. Các tác phẩm đã khắc họa chân thực cuộc sống tù đày, ý chí kiên cường, gan dạ của người chiến sĩ cách mạng bị giam giữ trước những đòn tra tấn độc ác của kẻ thù. Tập thơ được chuyền tay từ phòng giam này đến phòng giam khác, nhiều bài thơ được chiến sĩ thuộc từng câu chữ, như: “Học trong tù”, “Tặng vong linh những liệt sĩ Phú Quốc”... Riêng ông Duật có tới 24 bài thơ sáng tác trong thời gian này. Tiêu biểu là bài thơ “Hỡi các bạn tù” (năm 1972), viết tại phân khu B4 với 36 câu thơ sử dụng các khái niệm, định nghĩa của các môn học toán, lý, hóa để động viên, giúp các bạn tù học tập văn hóa dễ nhớ, nhanh tiến bộ.

Không chỉ có 24 bài viết trong tù, ông Nguyễn Mạnh Duật còn có cuốn nhật ký bằng thơ với hơn 300 bài. Đây là những bài thơ được ông viết từ khi còn là học trò, khi hành quân chiến đấu và những năm tháng tham gia công tác xây dựng quê hương trước và sau chiến tranh. Dù vậy, những bài thơ trong tù và tập thơ “Hương Sen” mà ông và các đồng đội dày công sáng tác sẽ mãi là bông sen ngát hương lan tỏa, bay xa.

PHAN AN NGỌC