Bài báo viết về bài thơ tôi yêu thích, không những đưa tôi về quá khứ tươi đẹp của tuổi học trò mà còn cho tôi biết tác giả của bài thơ ấy, không ngờ lại chính là Đại tá Trần Ngọc, người từng làm cán bộ của Báo Quân đội nhân dân và Tổng biên tập Báo Cựu chiến binh Việt Nam, người tôi quen biết. Nhất là qua Đại tá Trần Ngọc, tôi cũng có một số bài được in trên hai tờ báo ông công tác.
Tôi không phải là học sinh miền Nam, cũng không phải người dân thành phố cảng Hải Phòng được đón các cháu thiếu nhi miền Nam từ Quảng Trị đến Cà Mau ra học tập và trưởng thành tại những ngôi trường đầy tình thương của cả nước. Đến khoảng đầu những năm 60 của thế kỷ trước, tôi mới được học phổ thông tại quê nhà Đức Ân, Đức Thọ, nay là xã Ân Phú, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh. Thầy giáo dạy văn lớp tôi là thầy Vũ Đình Dậu, quê ở Phú Yên. Thầy từng làm liên lạc cho bộ đội lúc tuổi 13, 14 nên thầy cũng được tập kết ra miền Bắc. Sau đó, thầy được vào học một lớp văn hóa dành cho con em miền Nam tại Hải Phòng. Khi ra trường, thầy về làm giáo viên dạy văn cấp 2 tại trường phổ thông quê tôi. Thầy xây dựng hạnh phúc với cô Trần Thị Lộc, ở ngay quê nhà thơ Cù Huy Cận.
Tôi thích học văn nên được thầy rất yêu quý. Qua những lần nghe thầy giảng, tôi biết thầy yêu thích bài thơ “Chú đi tuần”. Nhiều lần thầy kể về các bạn ở lớp học năm xưa tại thành phố Hải Phòng và luôn nhắc đến hình ảnh chú bộ đội đi tuần qua bài thơ “Chú đi tuần”.
… Gió hun hút lạnh lùng
Trong đêm khuya phố vắng
Súng trong tay im lặng
Chú đi tuần đêm nay…
Thầy thường nói, thầy có 3 quê-một là nơi ba mẹ sinh ra thầy tại Phú Yên, hai là quê vợ Hà Tĩnh và ba là nơi được học tập, trưởng thành ở Hải Phòng. Thầy luôn nhắc đến tên các bạn cùng lớp có quê khắp các tỉnh miền Nam. Ra trường, nhiều người đã trở lại quê hương cầm súng chiến đấu để đánh đuổi giặc thù, giải phóng đất nước. Còn một số được tiếp tục ra nước ngoài đào tạo thành những cán bộ trung, cao cấp. Có thể thầy lưu luyến mái trường ấy nên đã sáng tác một bài hát lấy tựa đề “Dưới mái trường xưa”, rồi thầy dạy cho chúng tôi cùng hát. Bài hát cũng đã theo tôi đi cùng năm tháng đến bây giờ.
Vì nhà gần trường nên thỉnh thoảng tôi được thầy bồi dưỡng thêm môn Văn. Thầy hay đọc bài thơ “Chú đi tuần” và giảng kỹ, phân tích tình cảm của chú bộ đội với các cháu học sinh miền Nam. Bởi vậy, chúng tôi đã thấm thía rồi ước ao lớn lên cũng sẽ là chú bộ đội đi tuần...
Sau ngày đất nước thống nhất, chúng tôi tổ chức họp lớp nhưng vẫn chưa được gặp lại thầy, bởi thầy đã đưa cả gia đình trở lại quê hương Phú Yên. Chúng tôi cũng đã nhắn tin tìm thầy trên báo, đài phát thanh, truyền hình nhưng không có hồi âm. Nay đọc lại bài thơ “Chú đi tuần”, xin được cảm ơn tác giả Ngô Vĩnh Bình và qua Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng, chúng tôi mong có sự hồi âm của thầy giáo Vũ Đình Dậu.
ĐẶNG SỸ NGỌC