Nhưng hôm nay, khi trò chuyện với chúng tôi, ông không nhắc nhiều về âm nhạc-niềm đam mê lớn của cuộc đời mình-mà lại nhắc đến kỷ niệm về một ngày đặc biệt, ngày ông được hát chào đón đoàn quân chiến thắng trở về đúng 65 năm trước, ngày 10-10-1954...

Lấy cuốn album ảnh đã úa màu thời gian cho chúng tôi xem từng tấm ảnh, nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ nói: “Đây là “bộ sưu tập” những bức ảnh chụp tôi và dàn đồng ca của thanh niên Hà Nội đang biểu diễn các bài hát “Hà Nội giải phóng”, “Hoan hô quân đội giải phóng Thủ đô” do tôi sáng tác… mà một người học trò của tôi đã sưu tầm được để tặng thầy. Tất cả đều do đạo diễn, nhà quay phim nổi tiếng của Liên Xô khi đó là Roman Karmen ghi lại.

leftcenterrightdel
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ (người mặc comple màu trắng) trong ngày đón đoàn quân chiến thắng trở về, 10-10-1954. Ảnh tư liệu do nhân vật cung cấp

Thời gian ấy, với bí danh Đỗ Quyên, tôi là Ủy viên thường trực Thành đoàn Thanh niên Cứu quốc Hà Nội, có nhiệm vụ tổ chức các hoạt động tuyên truyền, đấu tranh cách mạng của thanh niên nội thành. Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng tôi đã biết Ngày Giải phóng Thủ đô sắp đến gần. Chúng tôi bàn nhau tổ chức đoàn thanh niên và học sinh cứu quốc nội thành đón đoàn quân chiến thắng trở về”.

Công tác chuẩn bị đang được tiến hành khẩn trương thì một hôm, các đồng chí Nguyễn Sinh, Lê Văn Thành-cán bộ thành đoàn gặp đề nghị ông sáng tác ca khúc chào mừng Ngày Giải phóng Thủ đô. Vậy là “Hà Nội giải phóng”, “Hoan hô quân đội giải phóng Thủ đô” ra đời. Sau đó, nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ đã tổ chức dạy hát cho các thanh niên cứu quốc theo hình thức: Ban đầu là dạy cho các nhóm, mỗi nhóm 4-5 người, rồi mỗi người lại đi phổ biến cho các nhóm khác. Sau một thời gian, ông đã tổ chức được một ban đồng ca khoảng 200 người để biểu diễn trong ngày vui chiến thắng.

“7 giờ ngày 10-10-1954, mang theo cây đàn guitar, tôi dẫn đầu ban đồng ca xếp thành hàng bốn với lá cờ đỏ sao vàng xuất phát từ nhà tôi ở số 13 phố Phạm Phú Thứ (nay là phố Nguyễn Quang Bích) tiến về hồ Hoàn Kiếm. Chúng tôi dừng lại ở Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, đàn và hát những ca khúc cách mạng Việt Nam, các bài do tôi sáng tác. Nhân dân từ các phố Hàng Bông, Hàng Đào, Cầu Gỗ, Hàng Gai… kéo về mỗi lúc một đông, tập trung ở chỗ chúng tôi đến hơn 300 người, hòa thành một không khí vô cùng náo nhiệt. Đã 9 năm rồi chúng tôi mới lại được nắm tay nhau đàn hát dưới rừng cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió: “Hoan hô các anh về đây! Hoan hô các anh về đây giải phóng Thủ đô”... (Lời bài hát “Hoan hô quân đội giải phóng Thủ đô”-PV). Không khí càng trở nên náo nhiệt khi đoàn quân hùng dũng tiến vào từ các ngả đường. Họ nghe chúng tôi hát và vẫy tay chào lại chúng tôi. Khi ấy, một nhà quay phim nước ngoài cũng xuất hiện và hướng ống kính rất lâu về phía dàn đồng ca của chúng tôi”-nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ nhớ lại.

Mãi sau này, tìm hiểu ông mới được biết, người quay phim nước ngoài ấy là đạo diễn nổi tiếng người Nga Roman Karmen. Năm 1954, vào những ngày cuối cùng của Chiến dịch Điện Biên Phủ, đạo diễn Roman Karmen đã được Chính phủ Liên Xô giao nhiệm vụ sang Việt Nam ghi lại những giờ phút hào hùng nhất của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Với sự ủng hộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự giúp đỡ tận tình của các đồng nghiệp và nhân dân Việt Nam, Karmen đã hoàn thành phim tư liệu “Việt Nam” vào năm 1955. Năm 2004, lần đầu tiên khán giả Việt Nam được xem bộ phim, trong đó có những hình ảnh màu chất lượng tốt về Chiến dịch Điện Biên Phủ, về Ngày Giải phóng Thủ đô, về Bác Hồ và nhiều nhà lãnh đạo khác. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ cho biết, ông cảm thấy rất vinh dự khi hình ảnh ông giữa rừng cờ hoa trong ngày trọng đại của đất nước được xuất hiện trong bộ phim giá trị này.

THU THUỶ