Tháng 10-1994, tôi được tòa soạn Báo Quân đội nhân dân phân công đi thực tế tìm hiểu, viết về các Bà mẹ Việt Nam anh hùng ở tỉnh Thừa Thiên Huế, một trong những địa phương có nhiều bà mẹ được đề nghị phong tặng đợt đầu theo Pháp lệnh Quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” do Chủ tịch nước ký ban hành ngày 10-9-1994. Từ TP Huế, chúng tôi đi xe máy đến huyện Phong Điền, rồi về thôn Hiền Lương, xã Phong Hiền để tìm gặp mẹ Nguyễn Thị Muôn, sinh năm 1906, có chồng và 3 con trai là liệt sĩ.
Đường đến nhà mẹ Nguyễn Thị Muôn đi qua cánh đồng rộng, rồi qua trảng đất cao. Trời vừa mưa xong, đường trơn. Tôi và đồng chí trợ lý chính sách của Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế chưa quen đường, mấy lần chực ngã. Đến nhà mẹ, cô con dâu Dương Thị Miên niềm nở rót nước mời chúng tôi, sau khi hiểu lý do chúng tôi đến nhà, chị đi gọi mẹ đang chơi bên nhà hàng xóm về.
Ở tuổi 89, mẹ Muôn vẫn rất minh mẫn. Mẹ bảo: "Bây giờ lũ trẻ con lớn rồi, tôi không phải chăm bẵm, trông chừng nữa nên rảnh đi chơi bà con chòm xóm. Các chú lại đến bảo tôi kê khai nữa à?". Tôi bảo: "Không, mẹ ạ, chúng con đến muốn nghe mẹ kể chuyện ngày xưa, về các anh đã hy sinh và những kỷ niệm của mẹ thôi". Rồi mẹ kể: "Ông nhà tôi làm ruộng, tham gia du kích xã, phá đường sắt qua Phong Điền, bị quân Pháp bắn chết năm 1952. Tôi sinh được 5 người con. Con trai thứ hai Nguyễn Đình Phối, sinh năm 1928, tham gia Việt Minh, làm liên lạc của xã. Năm 1948, anh Phối vào bộ đội, biên chế Tiểu đoàn 310, Trung đoàn 95, hy sinh năm 1951. Con trai thứ ba, anh Nguyễn Đình Lãnh, sinh năm 1942, tham gia du kích xã, bị địch lùng sục, phát hiện anh đang trú trong hầm bí mật và bắn chết năm 1967. Anh thứ tư, Nguyễn Đình Hợi, sinh năm 1944, làm giao liên của huyện Quảng Điền, hy sinh tại xã Quảng Thái năm 1968, khi bị địch phục kích trên đường đi công tác. Con trai út, cũng tham gia cách mạng từ năm 1966, là cán bộ huyện Quảng Điền. Hiện mẹ sống cùng con trai cả Nguyễn Đình Tạo và con dâu Dương Thị Miên...".
Mẹ Muôn kể chuyện với chúng tôi khá rành mạch về cuộc đời, về các con. Có lúc mẹ ngừng lại, lau những giọt nước mắt vì nhớ con và xúc động. Mẹ bảo: "Thương các con. Anh Phối có vợ rồi, nhưng chưa kịp có con. Anh Lãnh cũng đã có vợ và một con gái, còn anh Hợi thì chưa lập gia đình. Anh Lãnh hy sinh, mẹ đau lòng lắm, nhưng mẹ không ân hận. Chuyện là, năm 1966, anh Lãnh bị địch bắt đi quân dịch. Mẹ vào tận Sài Gòn, bắt anh trốn về. Phát hiện ra, chúng bắt mẹ giải về Huế, tra tấn, đánh đập mẹ, rồi giam ở đồn Mang Cá 14 tháng. Địch bắt mẹ phải đi tìm con trai trở về đội ngũ của chúng. Mẹ bảo: "Con tôi có chân, con tôi chạy, tôi giữ chân nó sao được!". Không khuất phục được mẹ, chúng phải thả mẹ về quê. Sau đó, mẹ vận động anh Lãnh tham gia du kích. Năm 1967, anh Lãnh bị địch bắn chết ngay khi anh vừa lao ra khỏi hầm trú ẩn. Mất con, nhưng mẹ thấy con đường anh Lãnh tham gia cách mạng là đúng đắn...".
Tôi hỏi mẹ trong những năm chiến tranh, mẹ có tham gia hoạt động gì không? Mẹ Muôn kể: "Nhà tôi là cơ sở cách mạng, có cán bộ tỉnh, huyện và xã về ở; có cả bộ đội cũng về ở nhà tôi để trinh sát địch. Có ngày, tôi cùng con dâu nấu cơm, tới 40 lon gạo, rồi vắt cơm tiếp tế cho bộ đội, du kích". Mẹ nhớ nhất là vào tháng 10-1959, khi đó ngụy quân đàn áp dữ lắm. Mẹ được ông Nam (chưa rõ họ) là cán bộ của Huyện ủy Phong Điền tặng bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mẹ vui lắm, vì từ đây mẹ luôn có Bác Hồ ở bên. Bọn dân vệ biết chuyện ấy, bắt mẹ tra tấn, đòi thu lại ảnh Bác Hồ. Nhưng mẹ đã giấu kỹ, kiên quyết không đưa cho chúng, chỉ một lời rằng: "Tôi không thấy có bức ảnh đó mô cả". Cuối cùng bọn dân vệ đành phải chịu. Từ đó, bức ảnh Bác Hồ luôn được mẹ giữ gìn như báu vật quý giá của đời mình.
Câu chuyện của mẹ Nguyễn Thị Muôn kể, cách đây đã gần 30 năm. Mẹ đã đi xa, nhưng cuộc đời và kỷ vật của mẹ vẫn còn đau đáu với tôi...
XUÂN GIANG