Do cơ duyên nghề nghiệp, thường được gặp gỡ các tướng lĩnh, CCB nên tôi cũng không mất quá nhiều thời gian tìm kiếm và gặp được tác giả của ca khúc với những ca từ nói trên. Đó là nhạc sĩ Đào Hữu Thi-hội viên Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Âm nhạc, Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Ông sinh năm 1944, đang sống tại tổ 3, phường Giang Biên, quận Long Biên, TP Hà Nội. Đào Hữu Thi nhập ngũ ngày 30-6-1965, là chiến sĩ thuộc Trung đoàn Tên lửa 285, Sư đoàn 363, Quân chủng Phòng không-Không quân, rồi được cử vào chiến trường, làm nhiệm vụ trên tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh.

leftcenterrightdel

Nhạc sĩ Đào Hữu Thi chỉ huy dàn đồng ca trong đêm giao lưu nghệ thuật tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, tháng 5-2019. Ảnh: VŨ HÀ  

Vốn có năng khiếu về âm nhạc và văn chương, tranh thủ những lúc rảnh rỗi ông mày mò trên cây đàn ghi ta mà mình mang theo vào chiến trường tập soạn nhạc. Và Trường Sơn chính là nguồn cảm hứng trong những sáng tác đầu tay của Đào Hữu Thi. “Chứng kiến nỗi vất vả, nhọc nhằn của các lực lượng làm nhiệm vụ, đặc biệt là tinh thần quả cảm vượt mọi gian khó của các nữ thanh niên xung phong trên tuyến đường máu lửa này, tôi vô cùng xúc động và cảm phục. Phải làm một điều gì đó dành tặng những người con gái kiên cường ấy là điều thường xuyên ấp ủ trong tôi”, nhạc sĩ Đào Hữu Thi nhớ lại. Ca khúc “Em là cô gái Trường Sơn” ra đời năm 1969 từ nỗi niềm ấp ủ ấy. Bài hát có giai điệu nhẹ nhàng, lời ca giản dị, trong sáng, như tâm tình, kể chuyện về công việc thường nhật của cô nuôi quân lo từng bát cháo, kiếm lá rừng thay rau để chiến sĩ có bữa ăn ngon; nữ chiến sĩ quân y hết lòng chăm sóc thương binh, sẵn sàng tiếp từng giọt máu hồng để cứu sống đồng đội, hay những cô gái thông tin bảo đảm đường dây thông suốt, truyền nhanh tin vui thắng trận...

Sau thành công của "Em là cô gái Trường Sơn", ông liên tục cho ra đời những tác phẩm mới như: "Tình em gửi trọn con đường", "Đường Trường Sơn trăm ngả", "Niềm vui em đón xe qua", "Em đi qua A Pông"... Nhạc sĩ Đào Hữu Thi kể rằng, hồi đó, mỗi khi viết xong ca khúc thì chính ông lại là người ôm đàn hát cho đồng đội-các “nhân vật” trong bài hát của mình nghe. “Cái cảm giác lâng lâng và phấn khởi khi biểu diễn trên “sân khấu” ngày ấy bây giờ vẫn vẹn nguyên trong tâm trí tôi. Sao mà chúng tôi bình thản đến thế! Mặc kệ bom đạn kẻ thù ngày đêm rình rập, giữa cái oi nồng vương mùi thuốc súng nơi đại ngàn, tôi cứ viết, cứ hát cho đồng đội tôi. Họ nhiệt tình cổ vũ, nhiều người còn đề nghị được thuộc luyện bài hát của tôi để khi đi làm nhiệm vụ, tranh thủ ngớt tiếng bom sẽ hát cho anh em trong đơn vị nghe. Thế là tôi như được tiếp thêm lửa...”, ông tâm sự.

leftcenterrightdel
Bản nhạc Nỗi nhớ cựu chiến binh 

Năm 1971, cấp trên điều động Đào Hữu Thi sang công tác tại Đoàn Văn công xung kích, Sư đoàn 473. Một thời gian sau, Đào Hữu Thi tham gia bộ phận sáng tác của Đoàn Văn công Trường Sơn. Ông say mê đi và viết nhiều đến mức có khi giấy mực không còn để viết, đành ôm đàn thể hiện trực tiếp ca khúc nảy ra trong đầu cho đồng đội nghe rồi lại đi tiếp. Ông cười cho biết: “Sau này, có đồng đội gặp lại tặng tôi tờ giấy pelure đã cũ, ngả màu thời gian, trên đó là lời gốc của một bài hát mà tôi sáng tác khi thực tế ở đơn vị anh”.  

Cho đến khi chuyển ngành về công tác tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, nhạc sĩ Đào Hữu Thi đã có hơn 20 năm quân ngũ, trong đó có tới 9 năm làm nhiệm vụ trên Đường Hồ Chí Minh. Với hơn 100 tác phẩm về Trường Sơn và người lính, nhạc sĩ Đào Hữu Thi còn được bạn bè, đồng nghiệp gọi bằng cái tên thân mật “nhạc sĩ Trường Sơn”.  

Hiện nay ở tuổi 77, nhạc sĩ Đào Hữu Thi vẫn rất nhanh nhẹn, tinh anh. Khi được hỏi về những sáng tác giai đoạn sau này, nhất là ca khúc "Nỗi nhớ cựu chiến binh" viết năm 1999, ông kể: “Nỗi nhớ đồng đội (tên ban đầu của ca khúc "Nỗi nhớ cựu chiến binh"-PV) ra đời ngay tại cuộc gặp mặt nhân kỷ niệm 40 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh, Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn. Hôm ấy, tôi vô cùng xúc động chứng kiến những người lính năm xưa, nay mái đầu đã bạc ôm chầm lấy nhau, gục đầu vào vai nhau mà khóc nức nở. Nhiều người chống nạng, chân tay không còn nguyên vẹn mà khuôn mặt tươi vui, hớn hở hỏi tìm đồng đội. Tiếng nói, tiếng cười trong nước mắt của hàng trăm người lính trong bộ quân phục đã bạc màu vang lên khắp khuôn viên nơi diễn ra buổi lễ... Ngay lập tức, tôi ngồi bên một gốc cây, lấy bút và chiếc phong bì bên trong có 20.000 đồng chuẩn bị từ trước để gây quỹ cho ban liên lạc ghi lại cảm xúc của mình". Chỉ trong khoảng 20 phút, ông đã viết xong nhạc và lời bài hát trên khuông nhạc chỉ có 3 dòng kẻ tay trên chiếc phong bì nhỏ. Ông nhanh chóng tìm gặp và đề nghị ban tổ chức cho phép mình được lên sân khấu hát ngay bài hát vừa sáng tác. Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, nguyên Chính ủy Tổng cục Kỹ thuật, Phó chủ tịch Thường trực Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam, người cũng có mặt trong buổi lễ hôm ấy nhớ lại: “Đào Hữu Thi vừa hát vừa khóc. Cả hội trường chúng tôi lặng đi, rồi cũng rưng rưng theo. Sao ca từ giản dị mà chân thật đến thế! Nó như thay chúng tôi giãi bày tâm sự vậy. Ngay lúc ấy, tôi đã tin bài hát sẽ vang mãi trong lòng người lính".

Quả thật sau đó, bài hát đã nhanh chóng đến với CCB cả nước, được Đài Truyền hình Việt Nam dành một chương trình giới thiệu riêng. Đất nước đã im tiếng súng gần nửa thế kỷ, "Nỗi nhớ cựu chiến binh" cũng đã 21 năm ra đời nhưng vẫn tràn trề sức sống bởi ký ức hôm qua và hào khí hôm nay chưa bao giờ khôn nguôi trong miền ký ức của những người lính từng trải qua những năm tháng thanh xuân nơi chiến trường.

SONG THANH