Ngay từ khi mới cầm bút, nhà thơ Tố Hữu đã nhìn thấy ở Đảng như một mặt trời chân lý soi đường cho cá nhân nhà thơ cũng như cả dân tộc đi qua đêm trường nô lệ: “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ/ Mặt trời chân lý chói qua tim” (Từ ấy). Đảng và Bác Hồ được ví như mặt trời, như chân lý và là biểu tượng của sự sống, của sức mạnh và niềm tin.
Nhìn lại chặng đường cách mạng của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhà thơ có lần viết về tầm vóc vĩ đại và ý chí kiên cường của Tổ quốc ta, nhân dân ta: “Việt Nam! Người là ta, mà ta chưa bao giờ hiểu hết/ Người là ai? Mà sức mạnh thần kỳ/ Giữa cái chết, không phút nào chịu chết/ Lửa quanh mình, một tấc cũng không đi!...”.
    |
 |
Nhà thơ Ca Lê Hiến - Lê Anh Xuân. Ảnh tư liệu |
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước gian khổ và ác liệt, hình ảnh lá cờ đỏ búa liềm cũng như Bác Hồ luôn đồng nghĩa với Đảng. Đảng, Bác và cách mạng là một. Nhà thơ, liệt sĩ, Anh hùng LLVT nhân dân Lê Anh Xuân (1940-1968)-tác giả của bài thơ nổi tiếng Dáng đứng Việt Nam trong bài thơ Mặt trời thân yêu (ký bút danh Ca Lê Hiến, in trong tập “Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ, văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh”, tập 7, Nxb Hội Nhà văn, năm 2012, tr.260, 261, 262) nói về tấm lòng của đồng bào và chiến sĩ miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước với Đảng, với Bác Hồ, mà cụ thể ở đây là thư chúc Tết của Người:
Chúng con đón thư Bác
Khu rừng Tây Ninh vừa chôn nghìn xác giặc
Tiếng hót mùa xuân làm gỉ xác xe tăng
Ôi thư Bác như cơn mưa đầu mùa tươi mát
Đất cháy na-pan vụt xanh ngắt những anh hùng
Khóm chông tre dầm mình nghe mưa hát
Mập mạp những dòng sông chở chiến công
Miền Nam đọc thư Bác Sông Hiền Lương bồi hồi
Trời Cà Mau giàn giụa nước mắt rơi.
Thư chúc Tết của Bác Hồ, như mọi người đã biết, kể từ năm 1946 cho đến khi qua đời, hằng năm thường là trước Tết hai, ba tháng, Bác Hồ đã nhắc nhở các cơ quan, ban, ngành chuẩn bị Tết cho đồng bào, chiến sĩ. Riêng Bác cũng tự mình chuẩn bị thiếp “Chúc mừng năm mới” để kịp gửi đến cho quân và dân những nơi xa xôi như miền núi, hải đảo, cán bộ, kiều bào ta ở nước ngoài; đặc biệt là chiến sĩ, đồng bào miền Nam đang chiến đấu chống giặc Mỹ xâm lược.
Đón thư Bác đã trở thành một mỹ tục suốt 22 năm của đồng bào, chiến sĩ cả nước. Thư chúc Tết của Bác thường là những vần thơ giản dị, dễ nhớ, dễ hiểu nhưng hàm chứa ý nghĩa sâu sắc. Mỗi bài thơ của Người vừa có giá trị văn học, vừa có giá trị lịch sử nhân văn sâu sắc.
Một trong những xúc động sâu sắc của đồng bào miền Nam trong những năm chống Mỹ, cứu nước là cứ vào dịp Tết đến, xuân về, mọi người lại náo nức đón nhận thư Bác trên làn sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam. Bài thơ Mặt trời thân yêu của nhà thơ Ca Lê Hiến-Lê Anh Xuân viết trước khi hy sinh hơn một năm, mùa xuân năm 1967, cũng là năm Bác Hồ viết bài thơ chúc Tết 1967 với nội dung như sau:
Xuân về xin có một bài ca,
Gửi chúc đồng bào cả nước ta:
Chống Mỹ hai miền đều đánh giỏi,
Tin mừng thắng trận nở như hoa!
Bài thơ được viết khi tác giả đang công tác, chiến đấu ở chiến trường miền Nam:
Chúng con đón thư Bác
Khu rừng Tây Ninh vừa chôn nghìn xác giặc...
Thư Bác đến với cán bộ, chiến sĩ đồng bào miền Nam như “tiếng hót mùa xuân”, như những “cơn mưa đầu mùa tươi mát”, để “đất cháy na-pan vụt xanh ngắt”. Thư Bác đến là niềm vui, là nỗi xúc động đến rưng rưng, nghẹn trào đã được Ca Lê Hiến khái quát thật sinh động:
Miền Nam đón thư Bác
Sông Hiền Lương bồi hồi
Trời Cà Mau giàn giụa nước mắt rơi.
Thư Bác là ước mơ, là lời non nước:
Ôi thư Bác
Xanh biếc ước mơ
Đỏ thắm lá cờ
Đang vẫy gọi miền Nam xốc tới
Thư chúc Tết của Bác đã đồng hành với người chiến sĩ trên những chặng đường hành quân chiến đấu, như là một thứ vũ khí; đồng thời lại như một niềm tin chiến thắng:
Chiến thắng nối nhau dài như dòng Cửu Long rực rỡ
Hối hả chảy vào lịch sử
Đường chúng con đi có Bác soi đường
Có mặt trời thân yêu xóa bóng đau thương
Có sắc núi Ba Vì, Tam Đảo
Đã chia bớt mùa xuân làm lá ngụy trang
Có mười bảy triệu tình miền Bắc
Đang ngày đêm sớt máu cho miền Nam
Và có vũ khí nào hơn vũ khí
Ấy là lời Bác Hồ:
“Không có gì quý hơn độc lập, tự do”
(Mặt trời thân yêu)
Bác với miền Nam không chỉ là mặt trời soi sáng mà còn rất gần gũi với đồng bào, chiến sĩ ta. Bác như người cha già, người mẹ hiền, Bác là mặt trời, nhưng lại rất đỗi gần gũi, thân yêu:
Bác có khỏe không Bác ơi!
Ôi tóc Bác đã hóa thành non nước
Bảy mươi bảy năm trời
Bác chẳng được ngủ ngon
Con yêu Bác giản dị như yêu quê hương con
Nhà lá, cửa tre, đường dừa dịu nắng
Cánh cò bay rập rờn
Mặt lúa nàng tiên tươi thắm
Bác là mặt trời thân yêu
Gió đưa tên Bác và hương sen vào câu ca nước Việt:
“Tháp Mười đẹp nhất bông sen
Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”.
Bác như người cha, người mẹ thân gần ruột thịt, Bác còn là những thứ thật gần gũi với người dân thành đồng Tổ quốc:
Ôi tên Bác vàng mơ mùa gặt hái
Dịu dàng ru giấc ngủ tuổi thơ xanh…
Tên Bác thật bình dị, nhưng cũng là nỗi sợ của quân thù:
Ôi tên Bác, giặc giật mình, sợ hãi
Chúng bắt giam, chúng kết án tử hình
Từ năm ba mươi, trước họng súng liên thanh
Tên Bác đã hiện ra những người như anh Trỗi
Và mạnh hơn bom đạn:
Sức mạnh ấy có đạn bom nào thắng nổi
Khi mười bốn triệu người cùng gọi: “Hồ Chí Minh”
Từ đêm máy chém, bước ra bình minh đồng khởi
Ngực miền Nam nở nang với Ấp Bắc, Bàu Bàng
Rồi Quảng Trị, Tây Ninh đến đại thắng Đông Xuân
Chiến thắng nối nhau dài như dòng Cửu Long rực rỡ
Hối hả chảy vào lịch sử
    |
 |
Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân. Tranh cổ động của Huy Oánh |
Biểu tượng mặt trời-Đảng, Bác còn là sức mạnh đoàn kết Bắc-Nam luôn đồng hành với những bước đi của cách mạng miền Nam:
Đường chúng con đi có Bác soi đường
Có mặt trời thân yêu xóa bóng đau thương
Có sắc núi Ba Vì, Tam Đảo
Đã chia bớt mùa xuân làm lá ngụy trang
Có mười bảy triệu tình miền Bắc
Đang ngày đêm sớt máu cho miền Nam
Và có vũ khí nào hơn vũ khí
Ấy là lời Bác Hồ:
“Không có gì quý hơn độc lập, tự do”
Có Đảng, Bác dẫn đường, cả miền Nam, cả nước lên đường, xốc tới và cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nhiều gian khổ hy sinh liên tiếp giành thắng lợi:
Vâng lời Bác chúng con lên đường, phơi phới
Dù nắng Trường Sơn đốt cháy thịt da
Hay mưa Tháp Mười trời nước bao la
Dù trong ngục tù hay trong bom đạn
Dù ra pháp trường, hay ra chiến trận
Lòng chúng con vẫn thanh thản niềm vui
Vẫn nghe thiêng liêng giọng Bác, Bác ơi
Vẫn thân yêu mặt trời tỏa nắng
Cầm thư Bác, chúng con cầm chiến thắng
Và như là một sự khẳng định, như một lời tiên đoán: “Cầm thư Bác, chúng con cầm chiến thắng”, mùa xuân 1975 quân và dân ta đã có một mùa xuân tuyệt đẹp-mùa xuân đại thắng:
Ta về Sài Gòn giữa mùa xuân tuyệt đẹp
Vũ khí trong tay, thư chúc Tết Bác Hồ
(Mùa xuân Sài Gòn, mùa xuân chiến thắng, Lê Anh Xuân)
“Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân…”, câu thơ của nhà thơ anh hùng Lê Anh Xuân viết trong bài “Dáng đứng Việt Nam” qua dáng đứng của một người chiến sĩ đã ngã xuống trong đợt Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Nhà thơ của chúng ta cũng đã hy sinh trong một trận đánh sau đó. Tuy không được chứng kiến ngày đất nước thống nhất sum họp, nhưng những câu thơ của ông đã dự báo về mùa xuân 1975 lịch sử!
Thập Tam trại, trước thềm Xuân 2020
NGÔ VĨNH BÌNH