Sau cuộc tổng bãi công của công nhân Bến Thủy-nơi “đứng đầu dậy trước” là những cuộc biểu tình khổng lồ của quần chúng từ nông thôn kéo đến huyện lỵ, mà điển hình là cuộc biểu tình của 3.000 nông dân huyện Nam Đàn (ngày 30-8-1930); 20.000 nông dân huyện Thanh Chương (ngày 1-9-1930); 3.000 nông dân huyện Can Lộc (ngày 7-9-1930)… đã làm cho chính quyền thực dân và phong kiến khiếp sợ. Liền sau những cuộc thị uy ấy, những cuộc đấu tranh chính trị kết hợp với vũ trang tự vệ sục sôi, dồn dập, liên tiếp của quần chúng ở thôn, xã, liên xã và tổng từ ngày 2-9-1930 đến tháng 6-1931 đã làm tan rã và sụp đổ bộ máy chính quyền của thực dân, tay sai ở cơ sở...
Tuy không đi đến thành công và bị “dìm trong bể máu” trong cuộc “khủng bố trắng” của thực dân Pháp, nhưng ảnh hưởng của Xô viết Nghệ Tĩnh đã vang dội trong cả nước và trên thế giới. Năm 1960, nhân kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định rằng: “Tuy đế quốc Pháp đã dập tắt phong trào đó trong một biển máu, nhưng Xô viết Nghệ Tĩnh đã chứng tỏ tinh thần oanh liệt và năng lực cách mạng của nhân dân lao động Việt Nam. Phong trào tuy thất bại, nhưng nó rèn luyện lực lượng cho cuộc Cách mạng Tháng Tám thắng lợi sau này” (Hồ Chí Minh tuyển tập, Nxb Sự thật, năm 1960). 
 Tôi nhớ hồi còn bé đi học trường làng đã được nghe một bài thơ nói về phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh và thuộc lòng đến tận bây giờ. Bài thơ có đoạn như sau:
Kìa Bến Thủy đứng đầu dậy trước
Nọ Thanh Chương tiếp bước, 
bước lên
Nam Đàn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên
Anh Sơn, Hà Tĩnh một phen 
dậy rồi…
Khi đó, tôi và các bạn tôi, kể cả thầy giáo của chúng tôi cũng không biết ai là tác giả bài thơ này. Mãi về sau mới biết bài thơ ấy có tên là “Bài ca cách mạng”, do ông Đặng Chính Kỷ làm cùng thời gian với rất nhiều bài thơ và ca dao khác về phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh  lừng lẫy trong lịch sử dân tộc.
Ấn tượng về phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh với tôi còn là khi được xem bộ phim “Ngọn lửa Nghệ Tĩnh” của Điện ảnh Quân đội nhân dân nhân dịp vở kịch múa cùng tên được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 2, năm 2001.
leftcenterrightdel
Một cảnh trong vở kịch múa “Ngọn lửa Nghệ Tĩnh”.  Ảnh tư liệu
“Ngọn lửa Nghệ Tĩnh” 3 màn, 7 cảnh là vở kịch múa đầu tiên được dàn dựng ở Việt Nam vào năm 1960. Tác giả kịch bản: Tập thể lớp biên đạo múa Tổng cục Chính trị (TCCT); tổng đạo diễn: NSƯT Nguyễn Trọng Lanh; biên đạo: NSƯT Nguyễn Trọng Lanh, Lê Kim Tiến, NSND Trần Minh, NSND Ngọc Canh, NSƯT Vũ Toàn, Hoàng Hà, Phạm Tuấn; chỉ đạo nghệ thuật: Kim Tế Hoàng (Giáo sư, NSND Triều Tiên); âm nhạc: Lương Ngọc Trác, Huy Thục, Nguyễn Thành, Nguyên Nhung. Cùng với vở kịch múa “Tấm Cám”, đây là một trong hai vở kịch múa đầu tiên lớn nhất, đồ sộ và có giá trị nhất trong những năm hòa bình đầu tiên ở miền Bắc XHCN.
Vở kịch múa mô tả phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh và sự liên minh công nông trong những năm 1930-1931, chống lại sự áp bức bóc lột của thực dân Pháp và chế độ phong kiến. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam mới ra đời, nhân dân Nghệ Tĩnh đã đoàn kết đứng lên đấu tranh. Chính quyền Xô viết (xã bộ nông) được thành lập, thủ tiêu các khế ước văn tự. Nhưng thực dân-phong kiến đã tập trung lực lượng đàn áp, “khủng bố trắng”. Vào một đêm ảm đạm bên bờ sông Lam, các chiến sĩ Xô viết hiên ngang bước ra pháp trường. Họ bị xử bắn nhưng tinh thần của các chiến sĩ Xô viết Nghệ Tĩnh sống mãi trong lòng nhân dân Việt Nam.
Lực lượng diễn viên tham gia vở “Ngọn lửa Nghệ Tĩnh” gồm 33 nghệ sĩ chủ yếu là của Đoàn Ca múa TCCT và một số các nghệ sĩ tiêu biểu ở các đơn vị được tập trung về Hà Nội tập huấn nghệ thuật. Mặc dầu các nghệ sĩ tham gia vở kịch múa chưa được đào tạo chính quy, song với tinh thần yêu nghề, yêu nghệ thuật, họ đã đoàn kết, chung sức, chung lòng, hòa đồng thành một khối thống nhất, vừa học vừa làm, vừa bổ sung những kiến thức chuyên môn, thể hiện được tinh thần, nội dung yêu cầu của vở diễn.
Thành công của kịch múa “Ngọn lửa Nghệ Tĩnh” còn phải kể tới vai trò của các họa sĩ thiết kế mỹ thuật, ánh sáng sân khấu. Những họa sĩ đã cho người xem thấy được quang cảnh nông thôn Việt Nam với cây đa, giếng nước, sân đình; những cánh đồng lúa vàng và cảm nhận được vẻ đẹp hiền hòa tĩnh mịch, bình yên của nông thôn xứ Nghệ cùng những con người hiền hòa nhưng cương nghị và lẫm liệt nơi đây. 
Tôi có may mắn được nhiều năm làm việc với họa sĩ tài năng Văn Đa. Tên ông được ghi trong program (tờ gấp) bằng tiếng Trung Quốc khi đoàn sang lưu diễn bên đó. Ông kể, lúc vở diễn sắp dựng lần thứ hai (1964), để quay phim, ông được TCCT gọi xuống Khu văn công Mai Dịch và “cấm trại” cả tháng trời ở đó. Ban đầu, ông được các đồng chí phụ trách đoàn và chuyên gia giao cho thiết kế phần trang phục và đạo cụ, sau đó thay họa sĩ Trần Lưu Hậu đảm nhiệm cả phần thiết kế sân khấu. Để làm nhiệm vụ này, ông đã phải ba lô khăn gói vào tận Thanh Chương, Nam Đàn (Nghệ An) để lấy tài liệu. Họa sĩ kể, ông đã sưu tầm hơn 200 mẫu trang phục, đồ dùng cá nhân của những người nông dân, công nhân vùng Nghệ Tĩnh những năm 20, 30 của thế kỷ trước cùng nhiều tài liệu về cảnh quan, lịch sử và con người nơi đây…
Các nhạc sĩ Lương Ngọc Trác, Huy Thục, Nguyễn Thành, Nguyên Nhung cùng với phần phối khí của các nhạc sĩ Lê Đóa, Ngô Trọng Mai… bằng tài năng và lòng nhiệt tình của mình đã thổi hồn vào vở diễn bằng cách khai thác triệt để chất liệu dân ca xứ Nghệ. Vở kịch múa được công diễn lần đầu vào tháng 9-1960, biểu diễn 3 đêm tại Nhà hát Lớn Hà Nội, phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 3, đã gây được tiếng vang lớn. Sau đó, vở tiếp tục được biểu diễn tại thành phố Vinh nhân kỷ niệm 30 năm Xô viết Nghệ Tĩnh, biểu diễn phục vụ quân dân Hồ Xá, Vĩnh Linh suốt 7 ngày đêm bên bờ sông Bến Hải, rồi lưu diễn nhiều địa phương ở miền Bắc. Đặc biệt, tác phẩm đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí trong Bộ Chính trị xem và khen ngợi. Tại Hội diễn văn nghệ toàn quốc lần thứ hai đầu năm 1962, tác phẩm đã đoạt 6 huy chương vàng cho kịch bản, đạo diễn, âm nhạc, thiết kế mỹ thuật, phục trang, thiết kế ánh sáng và diễn viên nữ chính Lê Thanh Nga. Với thành công vang dội của kịch múa “Ngọn lửa Nghệ Tĩnh”, TCCT quyết định quay thành phim nhựa để phục vụ được rộng rãi và lưu giữ  lâu dài. Đây là bộ phim màu nghệ thuật đầu tiên của Việt Nam lúc bấy giờ.
leftcenterrightdel
Biên đạo múa Trọng Lanh (tổng đạo diễn vở kịch múa).
Tham gia làm bộ phim có: Đạo diễn phim Nguyễn Văn Thông, Dương Minh Đẩu, NSƯT Trọng Lanh (tổng đạo diễn kịch múa). Bộ phim còn có sự tham gia của NSND Lê Đóa (viết nhạc và đóng vai tổng đốc). Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó chủ nhiệm TCCT nhớ lại những ngày làm bộ phim: “... Vào tháng 5-1964, TCCT cử tôi (Phó cục trưởng Cục Tuyên huấn lúc bấy giờ) làm trưởng đoàn, nhạc sĩ Huy Du là phó trưởng đoàn cùng với hơn 100 anh chị em cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên Đoàn Văn công TCCT sang Trung Quốc lưu diễn văn nghệ đối ngoại phục vụ nhân dân Trung Quốc, đồng thời thực hiện dựng lại và quay thành phim vở kịch múa “Ngọn lửa Nghệ Tĩnh”… Để tinh thần Xô viết Nghệ Tĩnh như ngọn lửa thiêng có sức lan tỏa vào đời sống nhân dân trong cả nước, năm 1960, Quân ủy Trung ương, TCCT cùng với sự giúp đỡ của Giáo sư, NSND Triều Tiên Kim Tế Hoàng đã dàn dựng và cho ra mắt vở kịch múa “Ngọn lửa Nghệ Tĩnh”. Đây là vở kịch múa lớn đầu tiên ở nước ta, kết hợp hài hòa nghệ thuật múa Việt Nam và thế giới... Đoàn đang lưu diễn ở Quảng Châu (bên dòng Châu Giang) thì nhận được thư của Bác. Thư Bác tới đúng dịp 19 tháng 5-thật là một sự trùng hợp diệu kỳ.
Nhận bức thư từ tay đồng chí Lãnh sự Việt Nam, tôi dường như không tin vào mắt mình, chỉ đến khi nhìn thấy nét chữ và kiểu viết chữ “z” của Bác thì mới tin đây là thật chứ không phải mơ. Tôi thông báo cho toàn đoàn tập trung đón nghe đọc thư của Bác. Thư Bác đề ngày 11-5-1964. Nghe thư Bác, anh em trong đoàn người thì khóc vì cảm động, người thì cười vì sung sướng bởi không ai có thể ngờ rằng một vị Chủ tịch nước bận trăm công nghìn việc mà vẫn quan tâm, dõi theo hoạt động của đoàn ở nơi “đất khách quê người” (theo Cù Thị Minh trong bài “Chuyện kể về một bức thư Bác Hồ gửi Đoàn Văn công Quân ủy Trung ương” trên trang tin Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, ngày 20-7-2012).
Vở kịch múa “Ngọn lửa Nghệ Tĩnh” và bộ phim nghệ thuật cùng tên ra đời cách nay đã gần 60 năm, mỗi dịp kỷ niệm Xô viết Nghệ Tĩnh là những người nghệ sĩ-chiến sĩ lại nhớ về những ngày khổ luyện dàn dựng và tưng bừng lưu diễn vở kịch múa nghệ thuật đầu tiên trong lịch sử sân khấu Việt Nam này, trong lòng không khỏi bùi ngùi cùng niềm tự hào hãnh diện!
Thập Tam trại, hè 2019

NGÔ VĨNH BÌNH