Nhà thơ Định Hải tên thật là Nguyễn Biểu, sinh năm 1937 ở xã Định Hải, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Ông có anh trai Nguyễn Bao cũng là nhà thơ nổi tiếng. Những sáng tác đầu tay, cả hai anh em đều dùng tên thật của mình. Tuy nhiên, Nguyễn Biểu lại nổi bật hơn với bút danh Định Hải. Bút danh này được ông sử dụng từ năm 1959, sau việc mà ông gửi bài thơ đăng ở hai tờ báo khác nhau. Chuyện là, tháng 9-1959, nhân sự kiện Liên Xô phóng thành công tàu vũ trụ lên Mặt Trăng, ông làm bài thơ có tựa đề "Thăm trăng" gửi Báo Văn nghệ. Nhưng nghĩ không được đăng, ông gửi tiếp cho Báo Độc lập và chỉ thay đổi tít. Không ngờ, bài thơ với hai cái tít ấy được cả hai báo chọn đăng. Ở số báo Văn nghệ tiếp theo, tòa soạn đăng lời nhắn "bạn Nguyễn Biểu đã gửi cho chúng tôi thì không gửi cho báo khác nữa”. Nhận dòng tin nhắc nhở trên báo, ông thấy ngượng và quyết định lấy luôn tên xã Định Hải quê hương làm bút danh. Chẳng ngờ, bút danh Định Hải giúp ông thành danh và theo suốt sự nghiệp sáng tác của ông.
Cuộc đời sáng tác của nhà thơ Định Hải chia làm hai giai đoạn. 5 năm đầu, hầu hết là những sáng tác cho người lớn, gắn với những năm tháng khó khăn của ông nói riêng và bối cảnh đất nước nói chung. Giai đoạn thứ hai, cũng là phần lớn tâm huyết cuộc đời ông, là những sáng tác viết cho thiếu nhi-lứa tuổi khăn quàng đỏ. Ông tâm sự: “Tôi quyết tâm theo con đường sáng tác cho thiếu nhi bởi thế giới trẻ thơ rất nhiều điều thú vị. Đó là một thế giới thần tiên, trong sạch, chỉ có cái đẹp và vươn tới cái đẹp”.
Nhà thơ Định Hải sáng tác rất nhiều thể loại cho thiếu nhi như: Truyện ngắn, truyện thơ, thơ, hoạt cảnh, viết lời cho các bộ phim hoạt hình... Ở mỗi thể loại, ông đều để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả. Song, thành công hơn cả là các sáng tác thơ ông viết cho thiếu nhi với những câu 4 chữ, 5 chữ giàu âm điệu.
Thơ của ông đã mang đến những cảm xúc chân thành, bình dị, gần gũi, thân quen đối với tâm hồn trẻ thơ. Đó là thế giới hồn nhiên có những người bạn động vật ngộ nghĩnh, tinh nghịch, đem lại cho các em niềm vui và nhiều điều bổ ích. Định Hải sáng tác cho thiếu nhi bằng chính sự cảm nhận hồn nhiên của các em bé. Từ hiện tượng con vịt thì ngủ đứng, chuyện con chó và con mèo, con thì “thích leo cao”, con lại “hay nằm đất” nhưng chúng lại rất thân thiết với nhau... các em nhỏ đã đặt ra vô vàn câu hỏi. Những câu hỏi thật độc đáo và câu trả lời cũng mang đậm chất nhí nhảnh, hồn nhiên đã xuất hiện trong thơ Định Hải: Chân kia nó co lại/ Cho đỡ mỏi ấy mà/ Chốc nữa nó duỗi ra/ Lại đứng thay cho bạn (Con vịt), hay: Con chó và con mèo/ Hai đứa rất thân nhau/ Khi ra sân vào bếp/ Lúc tha thẩn bờ ao (Con chó và con mèo). Bạn đọc còn gặp trong thơ Định Hải hình ảnh những em bé với những hành động đáng yêu và cũng thật xúc động: Giữa trưa nắng gắt/ Bố đi làm về/ Bố nằm dim mắt/ Êm êm chõng tre/ Bé ra mở cửa/ Gọi gió gió ngoan/ Quạt cho bố ngủ/ Chiều bố đi làm (Quạt cho bố ngủ).
Nhà thơ Định Hải đã vẽ nên thế giới trẻ thơ sống động, vừa hồn nhiên, ngây thơ, vừa mang chiều sâu triết lý trong những sáng tác của mình. Thế giới ấy chứa chan tình yêu thương, lòng nhân ái, sự bao dung giữa con người với con người, giữa con người và thế giới tự nhiên. Nếu "Vẽ quê hương" là bức tranh đầy màu sắc: Trường học trên đồi/ Em tô đỏ thắm/ Cây gạo đầu xóm/ Hoa nở chói ngời/ A, nắng lên rồi/ Mặt trời đỏ chót... thì "Gọi bạn" lại là tiếng lòng da diết, mê mải tìm nhau trong hy vọng của đôi bạn thân: Dê trắng thương bạn quá/ Chạy khắp nẻo tìm bê/ Đến bây giờ dê trắng/ Vẫn gọi hoài: “Bê! Bê!"...
Theo chia sẻ của nhà thơ, mỗi bài thơ ông viết đều gắn với những kỷ niệm không thể nào quên. Bài thơ “Đàn kiến nó đi” là một ví dụ. Đầu những năm 60 của thế kỷ 20, để ý quan sát khi qua các trường học, ông thấy mỗi lần xếp hàng vào lớp, do nghịch ngợm, hiếu động, các em học sinh thường chạy nhảy, đi lại khiến hàng lối nhốn nháo, lộn xộn. Nhà thơ đã nghĩ, phải làm một cái gì đó, phải có một hình ảnh nào đó để so sánh với việc xếp hàng của các em, qua đó nhắc nhở, uốn nắn các em. Từ ý tưởng ấy, ông nghĩ ngay đến kiến. Ông kể: “Hồi nhỏ, tôi rất thích kiến. Những lúc nhàn rỗi, tôi thường chơi nghịch, quan sát chúng. Nay liên tưởng lại thấy sinh hoạt của loài kiến rất gần với trẻ con. Vậy là những câu thơ chân thật kèm lời nhắc nhở ý nhị ra đời”: Một đàn kiến nhỏ/ Chạy ngược chạy xuôi/ Chẳng ra hàng một/ Chẳng thành hàng đôi/ Đang chạy bên này/ Lại sang bên nọ/ Cắm cổ cắm đầu/ Kìa trông xấu quá!/ Chúng em vào lớp/ Sóng bước hai hàng/ Chúng em ra đường/ Đều đi bên phải/ Đẹp hàng đẹp lối/ Cô giáo khen ngoan/ Chẳng như đàn kiến/ Rối tinh cả đàn...
Có một học giả từng nhận định, nếu nhìn việc đưa tác phẩm vào sách giáo khoa như một lựa chọn chất lượng, thì Định Hải đang là một kỷ lục của chất lượng như vậy. Ở sách Tiếng Việt dành cho bậc tiểu học, cả những bộ đã xuất bản từ cách đây hơn 40 năm đến bộ hiện hành, đều có tác phẩm của ông. Còn nhà thơ khi nhìn lại hơn nửa thế kỷ gắn bó với văn học thiếu nhi của mình, phần thưởng lớn nhất mà ông có chính là “được nhiều thế hệ trẻ Việt Nam rộn ràng cất cao tiếng hát "Trái đất này là của chúng mình". Đây là tên ca khúc được nhạc sĩ Trương Quang Lục phổ nhạc từ bài thơ “Bài ca về trái đất” của ông: Trái đất này là của chúng mình/ Vàng, trắng, đen tuy khác màu da/ Bạn yêu ơi, chúng ta là hoa quý/ Đầy hương thơm nắng tô màu tươi thắm/ Màu hoa nào/ Cũng quý cũng thơm/ Màu da nào/ Cũng quý cũng thơm...
HƯỚNG NAM