Công viên của những sự kiện lịch sử
Du khách đến TP Hồ Chí Minh, khi tham quan Hội trường Thống Nhất (dinh Độc Lập trước đây) đều phải đi qua Công viên 30-4. Nằm ở vị trí đẹp nhất của thành phố với những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, công viên được ví như lá phổi, một bức tranh thiên nhiên tươi đẹp giữa Thành phố mang tên Bác. Nơi đây đã ghi dấu những sự kiện lịch sử của TP Sài Gòn-Gia Định trong ngày Quốc khánh 2-9-1945 và của Quân Giải phóng tiến vào dinh Độc Lập trưa 30-4-1975.
Tháng 8-2005, tôi được gặp và nói chuyện với Giáo sư Trần Văn Giàu. Năm ấy, ông đã 94 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn, cởi mở và uyên sâu. Gặp tôi, ông hỏi ngay: “Cháu muốn viết về ngày Tết Độc lập 2-9-1945 ở Sài Gòn phải không?”. Tôi trả lời: “Thưa bác, vâng ạ!”. Ông không nói gì mà vào tủ lạnh lấy ra 4 lon bia. Đưa cho tôi 2 lon, còn ông giữ 2 lon cho mình. “Uống vài miếng đã rồi nói chuyện heng” - Giáo sư cười cười, nâng ly cụng với tôi. Phong cách thân thiện, gần gũi của ông làm cho tôi tự tin hơn. Trong câu chuyện của ông, thời khắc lịch sử của ngày 2-9-1945 ở trung tâm TP Sài Gòn-Gia Định hiện ra như những thước phim quý giá.
Trưa 2-9-1945, hàng vạn người dân Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định ùn ùn đổ về đại lộ Norodom vừa được đổi tên thành Cộng Hòa (nay là đại lộ Lê Duẩn, quận 1, ngay phía sau nhà thờ Đức Bà và cạnh Công viên Văn hóa 30-4). Tinh thần Cách mạng Tháng Tám và ngày Độc lập đã tạo nên khí thế hừng hực, cuồn cuộn trong lòng dân... Đến trưa, các đoàn thể dân chúng, dân quân từ trong các trụ sở ở Châu Thành và các vùng ngoại ô kéo về đại lộ Cộng Hòa. Các đoàn thể thanh niên, công giáo, trí thức, lao động ở các địa phương lân cận như Tân An, Thủ Dầu Một, Biên Hòa... cũng kéo về Sài Gòn để tham dự lễ duyệt binh và mít tinh mừng ngày Độc lập. Trên các con đường nội thành Sài Gòn, các tư gia và công sở treo cờ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cùng cờ các nước đồng minh chống phát xít.
    |
 |
Công viên 30-4 phía trước Hội trường Thống Nhất là điểm đến của nhiều du khách. |
Lúc 14 giờ, các đoàn thể, tổ chức tề tựu đông đủ tại đại lộ Cộng Hòa với tràn ngập khẩu hiệu, biểu ngữ: Việt Nam độc lập! Đả đảo chế độ thực dân! Chết tự do hơn sống nô lệ... Thị uy sức mạnh quân sự cách mạng, 4 sư đoàn dân quân cách mạng diễu qua rất hùng dũng. Dù chưa kịp có quân phục tươm tất, chỉ quần soóc, áo ngắn, người mang giày, kẻ chân không, vũ khí hoặc súng liên thanh, hoặc súng hai nòng, hoặc trường kiếm hay dao găm, nhưng tất thảy đều ngẩng cao đầu với tư thế của người dân nước độc lập, tự do.
Trong chương trình mừng lễ Độc lập tại Sài Gòn, dự kiến có tiếp sóng từ đài Bạch Mai, Hà Nội (tức Đài Tiếng nói Việt Nam được đặt tại Bạch Mai), lời đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập” của Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Hồ Chí Minh vào lúc 14 giờ. Người tham dự háo hức chờ đợi giờ phút “Tuyên ngôn Độc lập” vang lên, khẳng định trước quốc dân đồng bào và toàn thế giới nền độc lập, tự do của nước Việt Nam mới. Rất tiếc là việc tiếp sóng không thực hiện được do máy móc thô sơ, kỹ thuật lạc hậu. Không để đồng bào phải chờ đợi lâu, Ban tổ chức đã có một quyết định xử lý linh hoạt. Buổi lễ vẫn được tiến hành.
Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa Nam Bộ kiêm Chủ tịch Ủy ban Hành chính lâm thời Nam Bộ Trần Văn Giàu bước lên nói chuyện với đồng bào. Đứng trước biển người trùng điệp cờ hoa, giọng của Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ xúc động nhưng rất hùng hồn với sự ứng xử tuyệt vời. Ông nói: “Kính thưa đồng bào! Việt Nam, từ một xứ thuộc địa, đã trở thành một nước độc lập. Việt Nam, từ một đế quốc (theo nghĩa nước có chế độ quân chủ), đã trở thành một nước dân chủ cộng hòa. Việt Nam đương tiến bước trên đường sống, sống danh dự với toàn cầu”. Rồi: “Dân tộc Việt Nam chúng tôi có quyền sống độc lập, tự do. Độc lập, tự do của chúng tôi không trái với độc lập, tự do của bất cứ một dân tộc nào khác”; “Tất cả đồng bào kiên quyết bảo vệ tới cùng quyền độc lập và nền dân chủ của chúng ta”; “Chúng ta hãy thề cương quyết đứng cạnh Chánh phủ, chống mọi sự xâm lăng, dầu chết cũng cam lòng”. Trong lúc Giáo sư Trần Văn Giàu nói chuyện thì trời đổ mưa, nhưng quần chúng không một ai bỏ hàng ngũ mà vẫn trật tự lắng nghe. Những lời phát biểu trên có nhiều ý rất trùng hợp, nhiều điểm thể hiện tinh thần cơ bản, nhất quán với nội dung của “Tuyên ngôn Độc lập” do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc ở Quảng trường Ba Đình. Đó là: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy!”.
Tiếp đó, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Ủy viên trưởng của Chính phủ Trung ương đã thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lên tuyên thệ: “Chúng tôi, lâm thời Chánh phủ Việt Nam dân quốc cộng hòa xin cương quyết lãnh đạo toàn thể quốc dân giữ gìn nền độc lập cho đất nước và thực hiện chương trình Việt Minh để đem lại sự tự do, hạnh phúc cho dân tộc. Chúng tôi quyết hy sanh tánh mạng để vượt qua mọi sự khó khăn, nguy hiểm và xin thề cương quyết chống mọi sự mưu mô xâm lược, dầu chết cũng cam lòng”. Lời tuyên thệ vừa dứt, mọi quốc dân đồng bào dự lễ muôn người như một cùng đồng thanh hô vang lời thề.
Thành phố vững bước đi lên
Kể từ ngày Tết Độc lập năm ấy, TP Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định đã chiến đấu anh dũng, cùng cả dân tộc đánh đuổi giặc ngoại xâm cho đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Những ngày tháng Tám này, TP Hồ Chí Minh nườm nượp du khách tới thăm. Họ đến đây không chỉ để thấy thành phố đang vươn lên mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19 mà còn muốn đến thăm những di tích lịch sử, nơi ghi những dấu ấn đậm nét của một thời đấu tranh anh dũng, quả cảm với những chiến công oanh liệt của quân và dân trên mảnh đất Sài Gòn-Gia Định xưa.
Đứng trước tấm bia ghi lại dấu ấn của cuộc mít tinh, tuần hành mừng ngày Độc lập năm 1945 ở Sài Gòn, ông Trần Văn Tuấn, 79 tuổi, quê ở tỉnh Quảng Ninh nói rằng: “Tôi rất vui khi được đi trên đại lộ Lê Duẩn-đại lộ Cộng Hòa năm xưa. TP Hồ Chí Minh phát triển quá! Đến đây mới càng hiểu sâu về ý nghĩa to lớn của Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9 và Đại thắng mùa Xuân năm 1975”.
Trong Công viên 30-4 mướt bóng cây, rất nhiều người dân, nhất là các bạn trẻ đang thong thả dạo bước. Họ trò chuyện vui vẻ và ngắm nhìn thành phố thanh bình. Một số người còn kể cho nhau nghe những câu chuyện về Ngày Độc lập năm 1945, về những cánh quân tiến vào dinh Độc Lập trưa 30-4-1975, rồi chuyện tu bổ Nhà thờ Đức Bà, tham quan Bưu điện thành phố, tiến độ thi công tuyến Metro Bến Thành-Suối Tiên...
Từ đầu năm 2022 đến nay, TP Hồ Chí Minh đã có nhiều chuyển biến tích cực trong phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch Covid-19. Theo báo cáo của UBND TP Hồ Chí Minh, tăng trưởng kinh tế quý I và quý II-2022 ở các mức 1,88% và 5,73% (trong khi cùng kỳ năm 2021 là âm sâu). Tổng thu ngân sách 6 tháng đầu năm đạt 61,7%. Hoạt động du lịch hồi sinh mạnh mẽ với lượng khách nội địa tăng 43%, khách quốc tế tăng 100% so với cùng kỳ năm trước... Rất nhiều công trình xây dựng trọng điểm đã và đang hoàn thành như cầu Phước Cảnh, sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh, cầu Thủ Thiêm 2, dự án đường song hành Võ Văn Kiệt... cùng nhiều công trình khác sẽ được khởi công trong năm 2022, như: Cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4, cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài...
Phát triển thông minh, bền vững để hội nhập quốc tế nhanh, luôn là mục tiêu nhất quán, là khát vọng của “TP Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng”. Vì thế, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân TP Hồ Chí Minh đang nỗ lực từng ngày, quyết vượt qua mọi khó khăn, thử thách để giành nhiều thành tựu mới trong công cuộc xây dựng và phát triển. Đúng như lời đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã nói: “Trong giai đoạn hiện nay, thành phố luôn phát huy tinh thần sáng tạo, đổi mới, thích ứng linh hoạt với tình hình, đoàn kết một lòng để TP Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh, đổi mới sáng tạo, đáng sống, xứng đáng là Thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu”.
Bài và ảnh: LÊ PHI HÙNG