Ba thế hệ cùng đánh giặc

Giữa tháng 7-1997, tôi theo chú Võ Quý Đẩu, nguyên Trưởng phòng Đặc công Khu 6 đến gia đình bác Nguyễn Văn Ngư ở xã Hàm Chính, huyện Hàm Thuận Bắc. Buổi sáng mùa hè mà thời tiết như đang là mùa xuân của Đà Lạt, hay cuối thu của miền Bắc. Men theo những bờ ruộng nhỏ, rồi lội tiếp qua mấy thửa ruộng lúa mới gặt, chúng tôi tới một bãi đất nhô lên giữa cánh đồng. Chỉ vào căn nhà lá, giống như một túp lều mà người dân dựng lên để trông coi ruộng đồng trên bãi đất, chú Đẩu nói: “Nhà ông Hai Ngư đó. Ông già đã sống ở đó hơn 20 năm rồi”.

Chúng tôi bước vào “nhà” thì thấy một cụ ông đang nằm bắt chân chữ ngũ, đôi mắt hướng lên mái nhà. Thi thoảng ông lại nói và hát một câu gì đó nghe không rõ lời. Ngay cả khi có khách vào nhà, ông cũng chả thèm để ý. Trong căn “nhà” chừng 9m2, chỉ có một chiếc bàn nhỏ rất cũ kỹ, một cái giường tre ọp ẹp, một hai cái soong nồi và vài cái bát, đôi đũa cũ... Nhìn quanh bốn bức tường, tôi giật mình khi thấy treo kín các Bằng Tổ quốc ghi công và hai Bằng chứng nhận “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Chao ôi! Đây là nơi thờ 8 liệt sĩ và hai Bà mẹ Việt Nam anh hùng ư? Trái tim tôi như bị bóp chặt.

“Ông Hai, ông Hai! Ba Đẩu lên thăm nè”-chú Đẩu gọi mấy tiếng. Đến khi phải dùng tay đập vào chân, bác Hai Ngư mới giật mình ngồi dậy nhìn chằm chằm vào khách. Gần một phút sau, gương mặt ông mới chùng xuống, gật gật như người vừa trở về từ cõi hư vô: “Ba Đẩu đó à. Ngồi... ngồi... đi”. Đôi mắt của ông sâu thẳm, xung quanh tròng có vài giọt nước đã ứa ra nhưng chúng lại đặc quánh, không chảy được xuống đôi gò má chằng chịt những vết nhăn của thời gian. Có lẽ ông rất ít ngủ...

Trong câu chuyện nhiều lúc bị đứt quãng vì bác Hai Ngư lúc tỉnh, lúc mơ màng, tôi đã thấy trong ngôi nhà quá đỗi đơn sơ này chứa đầy những câu chuyện bi hùng. Hồi chống Pháp, bố mẹ bác Hai đã đào hàng chục mét hầm bí mật xung quanh cái nhà này. Những chiếc hầm ấy chứa được hơn 30 cán bộ của huyện, của tỉnh về vùng “Tam giác sắt” hoạt động cách mạng. Gần cán bộ Việt Minh, anh em bác Hai được giác ngộ cách mạng nên đã lần lượt tham gia du kích. Đó là Nguyễn Văn Long làm y tá, Nguyễn Văn Tám, Nguyễn Văn Mười tham gia du kích, bộ đội địa phương. Nhưng chiến tranh thật ác liệt, các em của bác Hai lần lượt hy sinh trong các trận chiến đấu với quân thù. Bước vào những năm chống Mỹ, em út của bác là Nguyễn Văn Tâm tiếp tục gia nhập bộ đội chủ lực, chiến đấu ở miền Đông. Trong một lần bảo vệ cấp trên đi công tác, đoàn của chú Tâm đã rơi vào ổ phục kích của địch. Chú Tâm chỉ huy tổ 3 người kiên cường chặn địch để cán bộ thoát hiểm và đã anh dũng hy sinh...

leftcenterrightdel

Lãnh đạo Bộ CHQS tỉnh Bình Thuận thăm và tặng quà thương binh, Anh hùng LLVT nhân dân Phạm Thị Mai ở xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc. Ảnh: DUY THỈNH

Lập gia đình, bác Nguyễn Văn Ngư sinh được 5 người con (3 trai và 2 gái). Nối tiếp tấm gương của các chú ruột, các anh, chị nên Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Văn Sáu, Nguyễn Thị Ba, Nguyễn Thị Tư đã hăng hái tham gia du kích và gia nhập bộ đội. Họ chiến đấu dũng cảm trên chiến trường Khu 8 ác liệt. Thế nhưng, thương đau lại dồn dập ập xuống gia đình bác Hai Ngư. Bốn người con của bác lần lượt ngã xuống trên chiến trường. Ngày 13-3-1961, người vợ của bác là Nguyễn Thị Thanh Sang cũng bị giặc bắn chết trên đường đi tiếp tế lương thực cho cán bộ. Tiếp đó, ngày 20-10-1966, mẹ bác là Nguyễn Thị Thép cũng qua đời do trúng bom đạn của giặc...

Năm 1970, người con út của bác Nguyễn Văn Ngư là anh Nguyễn Văn Trung tiếp tục tình nguyện xin đi làm liên lạc cho du kích. Đến năm 1971, anh chính thức trở thành chiến sĩ Quân Giải phóng, tham gia nhiều trận đánh trên vùng đất lửa của quê hương, chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn Campuchia. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, anh đã trở về để chăm sóc người cha già đang gánh đầy thương đau.

Gặp chúng tôi, anh Trung kể: “Chẳng thấy khi nào ba tui ngủ yên giấc. Nhiều đêm, ông đi thơ thẩn hàng giờ liền ngoài bờ ruộng, làm cả nhà tìm mãi mới thấy. Khi hỏi thì ba biểu: Tao đi nói chuyện với bà nội, với má mày, với các chú và các anh của mày đấy. Họ nói với tao từ dưới lòng đất đây này... Có lần đi mệt, ba về nhà ôm chặt những kỷ vật của các cô, chú, các anh chị vào ngực và khóc nấc lên...”.

Sau này, mẹ và vợ bác được Nhà nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Chính quyền địa phương đã quan tâm xây dựng cho gia đình bác một căn nhà tình nghĩa gần trụ sở UBND xã, hỗ trợ anh Trung xây dựng căn nhà sát với nhà của cha. Nhưng bác Hai Ngư vẫn ở trong căn nhà đơn sơ của mình trên bãi đất trống. Bác nói với mọi người: “Mẹ tui, vợ tui, các em và các con tui muốn tui sống ở đây để thờ cúng họ, nói chuyện với họ. Đây là nơi gặp mặt của gia đình tui mà”.

Nữ thương binh anh hùng ở Hàm Liêm

Năm 2000, tôi trở về Hàm Thuận Bắc cũng vào những ngày tháng 7. Anh em ở Ban CHQS huyện đưa tôi đến thăm chị Tám Mai (Anh hùng LLVT nhân dân Phạm Thị Mai) ở xã Hàm Liêm. Người nữ thương binh cụt cả hai chân này không chỉ nổi tiếng ở huyện Hàm Thuận Bắc và tỉnh Bình Thuận mà còn lan rộng ra cả vùng Khu 8 trước đây.

Chị Tám Mai đón chúng tôi bằng nụ cười thật tươi cùng lời mời: “Mấy đứa vô nhà uống nước hay thích ngồi ngoài sân?”. Chả ai bảo ai, chúng tôi cùng nói: “Dạ! Tụi em thích ngồi ngoài sân”. Không còn đôi chân, nhưng đôi tay của chị vẫn thoăn thoắt mọi việc. Từ việc di chuyển đến lấy nước, lau ghế mời khách đều rất thuần thục. Thân thiết như người nhà, chị Tám Mai kể lại cho chúng tôi nghe cuộc đời hoạt động cách mạng của mình.

Năm 14 tuổi, Tám Mai đã làm liên lạc, vận chuyển vũ khí vào ấp chiến lược, tiếp tế thuốc men, thực phẩm cho cách mạng. 17 tuổi, chị được bầu là Phó bí thư Đoàn Thanh niên xã Hàm Liêm, là đội viên du kích mật Sông Nhị hoạt động khắp các vùng Hàm Tiến, Hàm Hiệp và Hàm Phong, tham gia nhiều trận đánh trên quê hương. Chị được kết nạp Đảng năm 1965 vì có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác và chiến đấu.

Trong trận đánh ngày 8-3-1968 với Tiểu đoàn 4 thuộc Sư đoàn 23 của địch điều từ Buôn Ma Thuột về khu vực Hàm Chính-Hàm Liêm, đội du kích Hàm Liêm do Tám Mai làm Chính trị viên đã chiến đấu vô cùng dũng cảm. Trong cuộc chiến đấu không cân sức, 4 chiến sĩ đã hy sinh, nhưng quân ta cũng tiêu diệt được 10 tên địch. Tám Mai bị thương nặng ở hai chân và bị địch bắt. Kẻ thù tra tấn chị vô cùng dã man, nhưng vẫn không khai thác được gì nên chúng đã cưa hai chân người chính trị viên kiên trung đến ngang nửa đùi. Trải qua những năm tháng tù đày, Tám Mai vẫn giữ vững khí tiết cách mạng mặc dù bị địch cưa chân hai lần nữa. Chị cùng các anh em khác xây dựng phong trào đấu tranh trong lao tù cho đến ngày được thả tự do.

Trở lại quê hương, Phạm Thị Mai tiếp tục được cấp trên giao nhiệm vụ chỉ huy du kích mật, lên sa bàn các trận đánh và dò la tin tức. Chị trở thành linh hồn của đội du kích mật khi hoạt động hợp pháp với vỏ bọc người tàn tật. Quân Mỹ-ngụy không thể ngờ người phụ nữ cụt hai chân lại là chỉ huy du kích mật, chiến đấu trừ ác ôn và diệt 28 tên lính ngụy tại trường Hàm Liêm và 2 xe tăng M-113 và M-141, sau đó tung lựu đạn gây ra các vụ nổ ở rạp hát Lilas (Phan Thiết)... Với những chiến công đặc biệt xuất sắc, năm 2000, nữ thương binh Phạm Thị Mai được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Tháng 7 này chưa được về vùng “Tam giác sắt” năm xưa, khiến lòng tôi chơi vơi, thổn thức. Tôi biết một quê hương anh hùng, có 798 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, nhiều Anh hùng LLVT nhân dân và hàng nghìn liệt sĩ... sẽ không bao giờ khuất phục trước khó khăn, thử thách. Giờ đây, Hàm Thuận Bắc đã “thay da đổi thịt” với những con đường nhựa rộng thoáng, những ngôi nhà cao tầng, nhà xây mái ngói mọc lên san sát, những khu buôn bán nhộn nhịp, đông vui. Người dân nơi đây cũng no ấm, cùng nhau giảm nghèo làm giàu, trình độ dân trí được nâng lên đáng kể. Tôi nghĩ, sự hy sinh to lớn của những Bà mẹ Việt Nam anh hùng và các anh hùng liệt sĩ đã làm cho vùng đất này nở hoa, để cho “Tam giác sắt” với truyền thống: “Khu Lê bất khuất, Tam giác kiên cường, Nam Sơn trung dũng” trở nên no ấm và càng giàu đẹp như khát vọng của các chiến sĩ đã dâng hiến xương máu của mình cho Tổ quốc. 

Bút ký của LÊ PHI HÙNG