Đồng chí Lê Thanh Đạo sinh năm 1943 tại xã Thụy Phương, huyện Từ Liêm (nay là phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội). Tháng 7-1963, ngay khi tốt nghiệp cấp 3, ông nhập ngũ về Trung đoàn 84, Sư đoàn Pháo binh 351 rồi được lựa chọn đi học sĩ quan pháo binh tại Sơn Tây. “Trước khi kết thúc năm thứ nhất, Trường Sĩ quan Pháo binh tổ chức hội thao bắn ném, tôi được đại diện lớp tham gia. Ngay quả đạn đầu tiên, tôi đã bắn trúng lô cốt và thế là “lọt vào tầm ngắm của cấp trên” để bồi dưỡng chuyên sâu. Chẳng ngờ chưa đầy 10 tháng sau, tôi lại nhận được quyết định sang Liên Xô đào tạo phi công quân sự”, anh hùng Lê Thanh Đạo bắt đầu câu chuyện.
|
|
Các phi công của Phi đội 9, Trung đoàn 927, năm 1972 (đồng chí Lê Thanh Đạo thứ hai, từ phải sang). |
Thông thường, để đào tạo được một phi công quân sự phải mất ít nhất 5 năm. Vậy mà trong những năm 60 của thế kỷ trước, chỉ sau 3 năm vừa học tiếng vừa học bay là các phi công của ta đã tốt nghiệp để về nước, bước ngay vào cuộc chiến đấu với không quân Mỹ. Lê Thanh Đạo cũng không ngoại lệ. Năm 1968, với 200 giờ bay huấn luyện tích lũy, ông về nước và được biên chế về Phi đội 1, Trung đoàn 921. Ông liên tục cùng đồng đội cơ động đến các sân bay để huấn luyện và trực sẵn sàng chiến đấu, chủ yếu là ở Khu 4. Giờ đây đã ở tuổi 79, ông vẫn khỏe mạnh và minh mẫn khi kể với chúng tôi về những trận không chiến của mình. Nhớ nhất là hai trận đầu xuất kích và đánh thắng của ông cùng đồng đội.
Trận thứ nhất diễn ra ngày 18-12-1971, khi ông đang là phi công của Phi đội 1, Trung đoàn 921. Hôm đó là kíp trực của phi công Võ Chí Giáp và Phạm Phú Thái. Nhưng do đại đội có việc giao cho Phạm Phú Thái nên Lê Thanh Đạo vào trực thay. “Từ khi về nước, tôi chủ yếu theo các phi công tiền bối huấn luyện làm quen với điều kiện chiến đấu trong nước chứ chưa thực chiến lần nào. Hôm ấy, nghe tiếng kẻng báo động chiến đấu, tôi liền khẩn trương làm công tác chuẩn bị với tốc độ nhanh nhất có thể. Biên đội tôi bay theo hướng 270 độ về phía tây. Qua bộ đàm, tiếng thông báo liên tục về khoảng cách và số lượng máy bay đang hướng về phía chúng tôi, nhưng thực tế chúng tôi chưa thấy mục tiêu. Chừng 10 phút bay theo đài dẫn đường mới thấy chiếc F-4 của địch, tôi liền bám theo. Khi bắt được mục tiêu, tôi thông báo: “Không kích đây” và thực hiện đúng những động tác đã được luyện tập rồi nghiêng trái thoát ly, đồng thời báo với số 2 bắn tiếp. Tôi nghe rõ tiếng Giáp hô: “Cháy rồi còn đâu!”, ông kể.
Bằng một quả tên lửa, ngay trận đầu không chiến, phi công Lê Thanh Đạo đã thành công tiêu diệt địch. Ông tâm sự, lúc đó chẳng suy nghĩ, lo lắng gì nhiều, nhận được lệnh là bước vào buồng lái với tâm thế sẵn sàng tìm diệt kẻ thù. Tuy nhiên niềm vui chiến thắng chưa được bao lâu, ngay chiều hôm đó, ông lại đau đớn nhận tin một đồng đội của mình hy sinh trên bầu trời Yên Bái. Phi công Lê Thanh Đạo bùi ngùi: “Chiến tranh là thế. Niềm vui chiến thắng và nỗi buồn ly biệt có thể đến bất cứ lúc nào. Dù vậy, những người lính bay chúng tôi chưa bao giờ nao núng. Bản thân tôi trong chiến đấu từng hai lần phải nhảy dù thoát ly máy bay, hai chân đều bị thương nhưng với quyết tâm vượt khó, tôi đã tích cực rèn luyện, phục hồi sức khỏe. Qua giám định, chưa đầy 6 tháng sau khi bị thương, tôi đã đủ điều kiện để trở lại đội hình chiến đấu. Thế mới có trận đánh thứ hai tôi kể sau đây”.
Đó là trận đánh ngày 10-5-1972, được ghi nhận là ngày chiến đấu ác liệt, nhiều kỷ lục nhất trên mặt trận không đối không ở Việt Nam. Phía Mỹ công bố đã cho 388 lần chiếc máy bay đánh phá miền Bắc. Phía Việt Nam, bộ đội không quân đã xuất kích 64 lần chiếc gồm 22 tốp trên cả 3 loại máy bay được trang bị là MiG-21, MiG-19 và MiG-17. Trong lần xuất kích của mình, biên đội Lê Thanh Đạo và Vũ Văn Hợp đã lập công xuất sắc, là những phi công đầu tiên bắn rơi máy bay Mỹ. Khi ấy, Lê Thanh Đạo mang quân hàm trung úy, là Trung đội trưởng thuộc Phi đội 9 (Đại đội 9), Trung đoàn 927. Trung đoàn này mới được thành lập ngày 3-2-1972 trên cơ sở lực lượng phi công nòng cốt lấy từ Phi đội 3 (Đại đội 3) của Trung đoàn 921.
|
|
Phi công Lê Thanh Đạo (bên trái) và Vũ Văn Hợp giảng bình sau trận đánh ngày 10-5-1972. Ảnh tư liệu |
Qua lời kể của anh hùng phi công Lê Thanh Đạo và những ghi chép trong tài liệu lịch sử của Sư đoàn 371 (Quân chủng Phòng không-Không quân), từ 8 giờ 30 phút sáng 10-5, địch đã kéo vào bầu trời miền Bắc. Trong vòng 1 giờ, hơn 70 lần máy bay địch liên tiếp đánh phá. Các sân bay của ta bị lực lượng không quân địch khống chế liên tục, máy bay ta không cất cánh được. Đến 12 giờ 50 phút, biên đội MiG-21 gồm Lê Thanh Đạo (số 1), Vũ Văn Hợp (số 2) được lệnh sẵn sàng cất cánh, đánh cường kích và tiêm kích đối phương trên tầng cao, phối hợp với biên đội MiG-17 đánh ở tầng thấp, bảo vệ cầu Lai Vu và cầu Phú Lương. Chưa đầy 10 phút vào cấp 1, họ được lệnh cất cánh từ sân bay Kép (Bắc Giang) bay hướng 360 độ rồi vòng phải hướng 180 độ. Theo đài dẫn đường và hiệu lệnh từ sở chỉ huy, biên đội chỉnh hướng bay, tăng tốc độ và độ cao về hướng mục tiêu. Khi cách địch khoảng 10km, biên đội phát hiện hai máy bay địch đang ở hướng đối đầu. Số 1 Lê Thanh Đạo liền hô biên đội thả thùng dầu phụ, tăng lực lao đến, rồi vượt lên bám chiếc trên cao, số 2 Vũ Văn Hợp bám chiếc dưới thấp. Với việc đồng thời công kích, chỉ cách nhau 3 giây, họ đã lần lượt bắn rơi tại chỗ hai chiếc F-4. Những chiếc F-4 còn lại vội quăng bom bừa bãi rồi tháo chạy ra biển. Mũi tiến công đánh phá của không quân Mỹ vào khu vực Hải Dương, cầu Lai Vu, cầu Phú Lương bị bẻ gãy... Trong vòng 20 phút từ lúc cất cánh đến khi vòng về sân bay hạ cánh an toàn, biên đội của Lê Thanh Đạo và Vũ Văn Hợp đã hoàn thành nhiệm vụ.
“Đến năm 1974, mang quân hàm đại úy, tôi trở thành sĩ quan biệt phái sang nhận nhiệm vụ là Bí thư thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Dù vậy, hằng tháng, tôi vẫn trở lại đơn vị thực hiện những chuyến bay đơn chống giãn cách. Đến năm 1983 chính thức chuyển ngành, tôi mới ngừng bay. Cho đến bây giờ, trải qua nhiều vị trí công tác nhưng những năm tháng ngồi trong buồng lái, cùng đồng đội trên những con “én bạc” chiến đấu bảo vệ bầu trời Tổ quốc vẫn mãi là ký ức không phai mờ trong tôi. Tôi luôn tin rằng các bạn trẻ ngày nay sẽ tiếp bước những gì thế hệ cha anh đã gìn giữ một cách xứng đáng”, anh hùng Lê Thanh Đạo tự hào chia sẻ.
SONG THANH