Cựu chiến binh Tạ Văn Chuân nguyên là Trung đội trưởng thuộc Đoàn 126 Đặc công Hải quân (nay là Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126, Quân chủng Hải quân). Ông sinh năm 1953, quê ở xã Thụy Bình, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình; nhập ngũ ngày 31-5-1972, tại Đoàn 126 Đặc công Hải quân. Hai anh ruột của ông hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Mẹ ông được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Tháng 12-1976, cựu chiến binh Tạ Văn Chuân xuất ngũ, về địa phương làm Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh xã Thụy Bình, rồi làm Chánh văn phòng UBND xã Thụy Bình... Năm 1981, ông đi xây dựng vùng kinh tế mới ở tỉnh Sông Bé, nay thường trú tại xã Tân Lập, huyện Đồng Phú (Bình Phước).
    |
 |
Cựu chiến binh Tạ Văn Chuân cùng các cháu nội, ngoại. |
Thời gian trong quân ngũ, ông Chuân đã tham gia nhiều trận chiến đấu ác liệt, hai lần bị thương và là thương binh hạng 3/4. Kỷ niệm sâu sắc mà ông không bao giờ quên là những giờ phút sinh tử cùng đồng đội dùng 3 tạ thuốc nổ đánh sập cầu Sông Ngang để cô lập địch ở thị xã Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
Ông kể: “Cầu Sông Ngang nối thị xã Quy Nhơn với các tuyến quốc lộ đến các tỉnh, thành phố Nam Bộ. Ngày 19-3-1975, tôi cùng 3 chiến sĩ được cấp trên giao nhiệm vụ kéo khối thuốc nổ nặng 300kg vào chân cầu Sông Ngang, sau đó điểm hỏa phá cầu nhằm ngăn chặn đường hành quân rút lui của địch từ Tây Nguyên xuống phía Nam và chặn địch ra miền Trung... Lúc đó đang mùa khô nên nước sông Ngang ít và cạn, có nơi lội được nên chúng tôi phải nằm ngửa kéo khối thuốc nổ đi. Để tránh bị địch phát hiện, chúng tôi kéo khối thuốc nổ ngược dòng nước.
Chúng tôi đặt khối thuốc nổ lên cái săm ô tô, điều chỉnh sao cho săm ô tô “cõng” được khối thuốc nổ nhưng không nổi hẳn và cũng không chìm hẳn, chỉ lập lờ dưới mặt nước. Một người bơi sau điều khiển khối thuốc nổ, những người còn lại bơi phía trước kéo dây nhích lên từng mét. Khi vào đến vị trí cầu, hai người kéo dây khẩn trương cột toàn bộ khối thuốc nổ vào chân cầu. Buộc xong khối thuốc nổ, chúng tôi mới gắn kíp hẹn một giờ sau phát nổ. Sau khi kiểm tra cẩn thận, chúng tôi rời vị trí, xuôi theo dòng nước về điểm xuất phát ban đầu...”.
Ngừng một lát, ông Chuân kể tiếp: “Đã quá thời gian nhưng không nghe thấy tiếng nổ, mọi người đều lo lắng, căng thẳng. Tôi xung phong quay lại kiểm tra. Vừa đứng dậy thì một tiếng nổ như sấm vang lên, cột lửa và nước bùng lên cao khoảng 20m rồi sập xuống cây cầu. Đèn điện hai bên tắt ngấm, cây cầu chìm trong bóng tối. Khoảng 5 phút sau, địch gọi pháo các nơi và từ hai lô cốt đầu cầu, đại liên, cối... trút xuống như mưa quanh cầu Sông Ngang, 30 phút sau, hỏa lực của địch mới tạm dừng. Rạng sáng hôm đó, chúng tôi rút về đơn vị an toàn. Sau trận đánh cầu Sông Ngang, chúng tôi được cấp trên tặng bằng khen”.
Bài và ảnh: NGUYỄN DUY HIẾN