Ngày đó, mẹ kể với tôi: “Năm 1972, con trai của mẹ vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Quân giải phóng (nay là Anh hùng LLVT nhân dân). Và cũng năm đó, nó đã anh dũng hy sinh. Kể từ ngày đó, mẹ vẫn chưa biết mộ chí của con mình ở đâu?!”.
Ngước mắt nhìn tôi, mẹ hỏi: “Con có cách nào giúp mẹ với”. Là một người lính may mắn trở về từ chiến tranh nên tôi càng thấu cảm nỗi đau của người mẹ có con hy sinh, tôi quả quyết hứa: “Mẹ yên tâm, con sẽ tìm cách giúp mẹ việc đó!”.
Theo lời mẹ Bình kể, năm 1964, vừa học xong cấp 2, Trần Phúc Yên tình nguyện lên đường nhập ngũ. Với tố chất thông minh, quyết đoán, từ một chiến sĩ, anh nhanh chóng phát triển lên Phó đại đội trưởng Đại đội 21 Phòng không 12,7mm thuộc Trung đoàn 24, Sư đoàn 10 (Đăk Tô), Mặt trận Tây Nguyên. Gương chiến đấu gan dạ, quả cảm gắn với những chiến công của anh khiến đồng chí, đồng đội từng sống, chiến đấu, công tác với anh ở Mặt trận Tây Nguyên hồi đó ai cũng cảm phục. Tình cờ tôi đọc được bài báo “Kỷ niệm nhỏ về một người anh hùng dốc 120 Trần Phúc Yên” của tác giả Nguyễn Đình Phượng, đăng trên Báo Quân đội nhân dân Thứ Bảy (nay là Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần). Tôi nhớ bài báo có đoạn: “Trần Phúc Yên, quê đất “Quảng Bình Mẹ Suốt”, 24 tuổi đời đã bắn rơi 26 máy bay địch. Chiến dịch Bu Prăng-Đức Lập (năm 1972), anh đã bắn rơi 3 máy bay trực thăng bằng súng 12,7mm của mình và ngã xuống khi tay còn đặt trên cò súng...”.
    |
 |
Di ảnh liệt sĩ Trần Phước Yên. Ảnh do gia đình cung cấp |
Cũng nhờ bài báo đó, tôi biết được nơi anh Yên hy sinh ở Kon Tum. Ngày 12-10-1994, Hội đồng nhân dân huyện Tuyên Hóa (lúc đó tôi là Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân huyện) đã gửi công văn đến Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum đề nghị rà soát danh sách liệt sĩ ở các nghĩa trang của tỉnh, hy vọng có tên liệt sĩ Trần Phước (Phúc) Yên, quê Thạch Hóa, Tuyên Hóa... Gần hai tuần sau, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum có công văn trả lời. Nội dung công văn ghi: “Mộ của đồng chí Trần Phước Yên hiện nay ở Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Kon Tum. Chúng tôi đang chờ đón gia đình và cơ quan về thăm viếng”. Lúc đó, tôi mới yên tâm về báo tin cho mẹ Bình...
Nhận được tin, mẹ mừng mừng tủi tủi, hai dòng lệ chảy tuôn trào trên khuôn mặt nhăn nheo. Sau một hồi xúc động không nói nên lời, mẹ nhìn tôi cảm động: “Mẹ cảm ơn con nhiều lắm! Thế là mong ước lâu nay của mẹ đã được thực hiện. Bây giờ mẹ đã mãn nguyện, chỉ có điều mẹ muốn hài cốt của con mình được các cấp quan tâm, giúp đỡ đưa về quê để gia đình có điều kiện chăm sóc, thăm viếng, hương khói. Nếu được như vậy, dù có nhắm mắt xuôi tay mẹ cũng an lòng”.
Cuối năm 1994, hài cốt của liệt sĩ Trần Phước Yên được chính quyền địa phương, đơn vị và các cơ quan chức năng đưa về mai táng ở nghĩa trang quê nhà. Gặp con, mẹ Hoàng Thị Bình như được tiếp thêm sức mạnh, sống an vui, thanh thản cho đến ngày cuối đời. Năm 2007, mẹ qua đời, hưởng thọ 86 tuổi.
HỒ DUY THIỆN