Để kịp hoàn thành nhiệm vụ và hiệp đồng cùng các đơn vị, chúng tôi phải cơ động liên tục, nổ súng suốt ngày. Có khi vừa cơ động, các pháo thủ vừa ngồi trên mâm pháo quay nòng bắn cả mục tiêu trên không và bắn cả bộ binh địch ở mặt đất, tạo điều kiện cho quân ta chiến đấu.

Bận chiến đấu nên có hôm chúng tôi chỉ nấu được nồi cháo loãng. Ngày nào anh em cũng sử dụng lương khô chống đói. Địch bỏ chạy qua cầu Đông Hà. Chúng đánh sập chân cầu phía nam để ngăn quân ta tiến công nhưng bộ binh ta vượt sông Hiếu gọn nhẹ, nhanh chóng. Còn đơn vị pháo phòng không chúng tôi phải nhờ công binh làm ngầm mới vượt được, nhưng phải đi vòng lên hướng tây mất thời gian, đường sá gồ ghề, xe kéo pháo chịu nhiều hư hỏng. Đến 13 giờ ngày 28-4-1972, có điện báo địch đã rút chạy khỏi Đông Hà. Xe tăng ta tiếp tục cùng bộ binh truy kích địch vào Ái Tử.

leftcenterrightdel
 Minh họa: MAI MINH

Một ngày cuối tháng 6-1972, chúng tôi đến xã Hải Lệ (Hải Lăng, Quảng Trị) thì trời đã sáng. Người vừa thiếu, vừa yếu, phải giấu pháo ra rìa làng vì không kịp triển khai trận địa. Làng xóm tan hoang, cây cối xác xơ vì bom pháo Mỹ. Trong mấy ngôi nhà vẫn còn dân bám trụ, dân quân cùng bộ đội địa phương bố trí canh phòng địch tập kích ở các rìa làng. Khẩu đội tôi được giấu trong vườn nhà mẹ Quy, mẹ có cô con gái tên là Thuận. Chúng tôi được nghe xã đội trưởng giới thiệu rằng gia đình mẹ Quy tích cực giúp đỡ bộ đội giải phóng. Chúng tôi thấy hai mẹ con vui vẻ, tình cảm khi ở gần bộ đội. Ngược lại, cả khẩu đội cũng rất thích được ở trong dân. 

Biết cả đội thèm rau, tôi cùng anh Công nuôi quân khoác AK tranh thủ đi tìm rau xanh quanh vườn về cải thiện. Chỉ một ít ngọn rau tàu bay, vài ngọn rau dền gai hoặc nắm lá vông non thái nhỏ, rửa sạch đổ nước đun sôi, bỏ thịt hộp, ít mì chính với muối là ai cũng ăn được nhiều cơm, người cảm thấy khỏe hẳn. Rau xanh lúc ấy như một vị thuốc tăng lực hiệu nghiệm. Một tối, khi đã về khuya, tôi đến phiên gác và may mắn nghe được mẹ Quy nói với con gái trong nhà: “Các eng bộ đội vất vả quá, mai mạ con miềng dù có bom pháo gì cũng ra ruộng hái ít rau muống về giúp họ, Thuận ạ!”. Người con gái trả lời: “Đúng đấy mạ! Con cũng thấy thiệt thế và thương!”.

Chiều 1-7-1972, khi mẹ Quy mang tặng rổ rau lớn đúng lúc chỉ huy chúng tôi phổ biến mệnh lệnh hành quân. Tôi báo cáo rổ rau của mẹ tặng và xin cho bộ đội được dùng. Đồng chí đại đội trưởng trả lời dứt khoát: “Chúng ta đang gấp rút hành quân, không dùng được”.

Rồi anh phân công tôi trả lại rau cho mẹ và cảm ơn mẹ. Tôi rất buồn và nghĩ cách xử lý cho hợp. Đây là mệnh lệnh của chỉ huy phải thực hiện trong chiến đấu nhưng lại thương mẹ Quy và cô Thuận đã có tình cảm rất tốt với bộ đội. Khi đến gặp mẹ, tôi nói: “Chỉ huy đơn vị nhờ con gửi lời cảm ơn lòng tốt của mẹ và gia đình. Nhưng đơn vị phải hành quân nên không mang theo rau được”. Mẹ nhìn tôi không nói, nước mắt lăn dài trên gò má nhăn nheo.

Tối đó, những chiếc xe GAZ-66 của đơn vị bạn đến kéo những khẩu pháo của đơn vị tôi hướng xuống Thành cổ Quảng Trị. Tôi đi xe sau cùng. Khi xe qua một quả đồi có độ dốc không cao, bỗng pháo địch từ tàu biển bắn vào nổ gần khiến đường bị hỏng, xe, pháo bị đổ nghiêng, rất may không ai bị thương. Sau đó, chiếc xe đi đầu quay lại giúp tời cả xe và pháo trở lại, tiếp tục hành quân. Đến ngã ba Long Hưng thì trời vừa sáng. Không vào được trong thành nên chúng tôi phải triển khai trận địa chiến đấu ngay ngã ba này. 4 giờ 30 phút ngày 20-7 năm đó, tôi bị thương nặng, phải rời đơn vị và Quảng Trị thân yêu.

Nửa thế kỷ trôi qua, tôi cùng đồng đội có về thăm lại chiến trường xưa vài lần. Nhưng vì đi với đoàn, tôi lại có thương tật nặng nên bị động, chỉ đến thắp hương các nghĩa trang lớn mà chưa đến được từng làng bản mình từng qua. Không biết được mẹ Quy và cô Thuận ở làng Tân Mỹ sống ra sao?

ĐẶNG SỸ NGỌC