Chúng tôi không khó để tìm đến thăm ông Bùi Văn Bình tại nhà riêng ở khu 3, thị trấn Phong Châu, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ. Bởi người dân ở đây đều biết ông là chủ nhân của “Bảo tàng ký ức chiến tranh” với hơn 1.500 hiện vật, di vật gắn với các anh hùng, liệt sĩ và những chiến dịch, trận đánh trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và bảo vệ biên giới của Tổ quốc. Còn với chức vụ Hiệu trưởng Trường Phổ thông miền núi I tỉnh Vĩnh Phú, có lẽ chỉ có... học sinh người Lào là biết, vì ông đã gắn bó với ngôi trường, mà người ta gọi với cái tên gần gũi là “Trường Lào” suốt 23 năm.
Cựu nhà giáo Bùi Văn Bình kể, ông sinh năm 1953, ở xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Cũng như nhiều thanh niên thời kháng chiến chống Mỹ, ông nhập ngũ tháng 12-1971, biên chế vào Tiểu đoàn 52, Sư đoàn 304B. Sau khóa huấn luyện, tháng 6-1972, ông cùng đồng đội hành quân vào miền Nam chiến đấu, biên chế ở Đại đội 11, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 18, Sư đoàn 325 (nay thuộc Quân đoàn 2). Những năm này, đơn vị ông chủ yếu tác chiến ở chiến trường Quảng Trị. Ông tham gia chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, đánh địch ở Long Quang, Nhan Biều (huyện Triệu Phong), Tích Tường, Như Lệ (xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị). Tháng 3-1975, đơn vị ông trong đội hình Trung đoàn 18, đánh chiếm các điểm cao 594, 560, 424... thuộc dãy Bạch Mã, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên (nay là tỉnh Thừa Thiên Huế), nhằm chặn cắt Đường 1, không cho địch rút ra cửa Thuận An hoặc vào Đà Nẵng. Trong trận tập kích cao điểm 560, ông được giao giữ súng B40, bắn vào hỏa điểm của địch. Phát hiện hỏa lực của ta, địch dùng pháo bắn vào khu vực của ông, khiến một chiến sĩ hy sinh, còn ông bị thương nặng, được đồng đội đưa về điều trị ở tuyến sau. “Chiến đấu ở Quảng Trị, tôi bị thương ở Long Quang do mảnh bom của máy bay địch ném xuống, làm gãy tay. Ở điểm cao 560, tôi bị thương nặng do đạn pháo, nên không được cùng đơn vị tham gia cuộc hành quân thần tốc vào giải phóng miền Nam”, ông nói giọng tiếc nuối.
|
|
Cựu nhà giáo Bùi Văn Bình giới thiệu các hiện vật kháng chiến mà ông sưu tầm được (tháng 12-2021). Ảnh: ĐỨC GIANG |
Sau ngày đất nước thống nhất (năm 1975), ông Bình giải ngũ về quê với hạng thương tật 4/4. Lúc này, ông mới trở lại với sách vở ôn thi và thi đỗ vào Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm 1 Hà Nội. Tốt nghiệp đại học năm 1980, ra trường ông được phân công về Trường Phổ thông miền núi I tỉnh Vĩnh Phú, làm giáo viên, rồi được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng nhà trường năm 1996. Khi tỉnh Vĩnh Phú chia tách thành hai tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc, Trường Phổ thông miền núi I tỉnh Vĩnh Phú giải thể và thành lập Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Phú Thọ, ông làm hiệu trưởng đến năm 2013 thì nghỉ hưu.
“Thời gian ở Trường Phổ thông miền núi I tỉnh Vĩnh Phú trong cuộc đời nhà giáo của tôi có nhiều kỷ niệm đẹp, nhất là với các học sinh người dân tộc Lào”-ông Bình kể. Thực hiện hiệp ước hợp tác toàn diện giữa Nhà nước ta và Lào ký vào tháng 7-1977, nhà trường được Bộ Giáo dục (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) giao nhiệm vụ giảng dạy, đào tạo trình độ văn hóa cấp 3 (nay là bậc trung học phổ thông) cho học sinh người Lào. Nhà trường dạy bằng tiếng Lào và tiếng Việt, với hơn 1.000 học sinh từ lớp 8 đến lớp 10 (nay là lớp 10 đến lớp 12). Ngoài việc dạy học văn hóa, nhà trường còn tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa, như đi tham quan các di tích, danh lam thắng cảnh ở vùng; tổ chức hội diễn văn nghệ, cắm trại... Tôi nhớ nhất là học sinh Phisit đã dành nhiều thời gian dạy tôi tiếng Lào, để tôi ngoài việc dạy bằng tiếng Việt, còn có thể sử dụng tiếng Lào để giải thích những vấn đề các em khúc mắc. Các em còn nhỏ tuổi, phải sớm xa nhà, xa quê, nên mỗi khi nhớ nhà các em lại khóc. Tôi và các giáo viên của trường thường xuyên gần gũi, động viên các em, cùng hát bài hát tiếng Lào như Hoa Chăm Pa, Cô gái Sầm Nưa, Tiếng Lào vang mãi (Xư Lào đăng coọng). Hồi đó khó khăn, lương thực thiếu thốn, học sinh và giáo viên phải ăn bột mì, lúa mì nguyên hạt, ngô, khoai, sắn... Lần ấy, có hai chị em Nang Manivan và Nang Vanphon là học sinh của trường mang cho tôi bột mì. Thương các em cũng chịu đói, tôi bảo vợ, cũng là giáo viên của trường, làm bánh, rán cho các em ăn. Sau này khi trưởng thành, các em sang Việt Nam, thăm lại chúng tôi, các em vẫn kể về những kỷ niệm ấy”.
Từ khi nghỉ hưu, nhớ về một thời chiến trường, dành dụm đồng lương hưu nhà giáo ít ỏi, ông nung nấu sưu tầm, học hỏi đồng nghiệp và mở bảo tàng cá nhân trưng bày những kỷ vật chiến tranh, di vật của anh hùng, liệt sĩ. Sau nhiều năm tích cóp, được các cựu chiến binh, đồng đội giúp đỡ, đến nay, ông đã xây dựng được bảo tàng cá nhân với hai cơ sở, lưu giữ hơn 1.500 hiện vật. Các hiện vật đều có hồ sơ gốc, ảnh, địa chỉ cụ thể. Vì thế, khách đến tham quan bảo tàng như sống lại một thời chiến tranh gian khổ mà hào hùng; có giá trị giáo dục truyền thống sâu sắc cho thế hệ trẻ.
GIANG ĐỨC HIẾU