Điểm chúng tôi tham quan đầu tiên là gian nhà ngang rộng gần 20m2 của gia đình ông. Nơi đây là Bảo tàng Kỷ vật chiến tranh cơ sở 1, trưng bày gần 500 hiện vật. Tất cả được ông Bình sắp xếp ngăn nắp, theo từng thời kỳ chiến tranh, chủ đề bảo đảm tính khoa học và chuyên nghiệp. Ông Bình cho biết: “Để có được cách bố trí sắp xếp, đánh số thứ tự hồ sơ của từng kỷ vật như hiện nay, tôi phải mất mấy năm đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm ở các bảo tàng từ Trung ương tới địa phương. Tôi còn đến một số bảo tàng tư nhân để tham khảo cách làm của họ. Với một số kỷ vật yêu cầu bảo quản nghiêm ngặt, tôi để trong tủ kính khóa cẩn thận...”.
|
|
Ông Bùi Văn Bình giới thiệu hiện vật tại Bảo tàng Kỷ vật chiến tranh. Ảnh: KIÊN THÁI |
Vừa là chủ nhân, vừa là người thuyết minh của Bảo tàng Kỷ vật chiến tranh, mỗi lần giới thiệu hiện vật, ông lại say sưa kể tiểu sử, lai lịch của từng kỷ vật. Ông nói, mỗi lần ngắm nhìn, chạm vào kỷ vật là một lần ông cảm nhận như có đồng đội ở ngay bên mình. Ông Bình bồi hồi kể: “Cuối năm 1971, tôi nhập ngũ. Cuối tháng 6-1972, tôi đi B chiến đấu trong đội hình Đại đội 11, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 18, Sư đoàn 325 (nay thuộc Quân đoàn 2) tại Thành cổ Quảng Trị. Tôi hai lần bị thương nhưng may mắn đều thoát chết, trong khi nhiều đồng đội của tôi đã nằm lại chiến trường”.
Cuối năm 1975, ông Bình phục viên về địa phương. Từ năm 1976 đến 1980, ông là sinh viên Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I. Trước khi nghỉ hưu năm 2013, ông là Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Phú Nham, huyện Phù Ninh.
|
|
Cựu chiến binh Bùi Văn Bình giới thiệu hiện vật tại Bảo tàng Kỷ vật chiến tranh. Ảnh: KIÊN THÁI |
Ông Bình bắt đầu “chiến dịch” sưu tầm kỷ vật chiến tranh từ năm 2013. Hằng tháng, với một phần tiền lương, cộng với khoản trợ cấp thương binh hạng 4/4, ông rong ruổi xe máy khắp địa bàn tỉnh Phú Thọ và một số địa phương lân cận để sưu tầm hiện vật... Hễ có thông tin, hay được người khác mách bảo có kỷ vật chiến tranh là ông lại vội tìm đến tận nơi. Có nơi, ông phải lặn lội tìm đến 4 lần với đủ mọi lý do thuyết phục gia đình, họ mới đồng ý để ông mang về trưng bày. Biết ông say mê sưu tầm kỷ vật chiến tranh, nhiều đồng đội ở xa cũng gửi tặng. Mới đây, tháng 11-2021, CCB Nguyễn Văn Giao, nguyên là lái xe thuộc Đại đội 11, Tiểu đoàn 781, Binh trạm 14, Bộ đội Trường Sơn, hiến tặng bảo tàng của ông Bình chiếc hòm được ông gò năm 1971, từ ống pháo sáng của Mỹ tại mặt trận Quảng Trị, lúc đầu đựng dụng cụ sửa chữa xe ô tô, sau dùng để đựng quần áo và vật dụng cá nhân.
Trân trọng, cảm phục trước tấm lòng của CCB Bùi Văn Bình, tháng 3-2021, gia đình liệt sĩ Lê Sỹ Hòa (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) và gia đình liệt sĩ Trần Xuân Hải (Mỹ Đức, Hà Nội), mỗi gia đình tài trợ 250 triệu đồng để ông mở rộng Bảo tàng Kỷ vật chiến tranh. Một tháng sau đó, gia đình ông Bình mua căn hộ cạnh ngã ba Phù Lỗ, thị trấn Phong Châu (cách nhà ông đang ở gần 50m) làm Bảo tàng Kỷ vật chiến tranh cơ sở 2, trưng bày khoảng 1.000 hiện vật.
Ông Bình cho biết, trước khi xảy ra dịch Covid-19, hằng năm cứ đến dịp lễ, Tết, Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7), địa phương thường tổ chức cho các cháu học sinh đến tham quan, học tập lịch sử truyền thống tại “bảo tàng” của gia đình. Ông mong muốn nơi đây sẽ trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Chia tay ông Bình, chúng tôi nhớ mãi lời ông nói: “Đừng để lịch sử tuột khỏi tay khi mình có thể nắm giữ”.
THÁI GIANG - MẠNH TƯỜNG