Nguyễn Đình Bình sinh ra trong một gia đình thuần nông ở vùng quê lúa Thái Bình, sau đó cùng cả nhà sang Thái Lan định cư. Năm 1958, nằm trong số những gia đình người Việt ủng hộ và có nhiều đóng góp cho phong trào Việt kiều yêu nước ở Thái Lan nên gia đình anh được Chính phủ Việt Nam cho hồi hương. Bố mẹ anh xin về lại quê cũ ở Vũ Thư, Thái Bình, mong góp phần xây dựng quê hương.

Năm 1965, Nguyễn Đình Bình nhập ngũ cùng ngày với chúng tôi-những nữ chiến sĩ đầu tiên của Binh chủng Thông tin liên lạc vào Trạm A53, Trung đoàn 134 (nay là Lữ đoàn 134). Bình hơn tôi 1 tuổi, dong dỏng cao, tóc xoăn, hiền lành, ít nói và rất hay giúp đỡ mọi người nên các nữ chiến sĩ rất mến anh. Sống giữa chúng tôi, những cô gái 17, 18 tuổi hồn nhiên, nghịch ngợm và chưa hề biết yêu, Bình vừa là người anh, vừa là người bạn để giúp đỡ, sẻ chia mọi vui buồn trong cuộc sống.

Có một kỷ niệm với Bình mà tôi nhớ mãi. Ngày ấy, giữa những ca trực tổng đài, thời gian rảnh, chúng tôi được giao nhiệm vụ đi tăng gia sản xuất. Đội thì có nhiệm vụ trồng rau xanh, đội thì trồng khoai, sắn, riêng tiểu đội tôi có nhiệm vụ trồng lúa. Tôi vốn là con gái Hà Nội, từ nhỏ được mẹ cha dạy cầm đàn, học hát, chứ nào biết cấy lúa bao giờ. Thế nên, cứ cắm xuống là mạ lại nổi lên, không làm sao cho nó giữ yên dưới lớp bùn được. Thêm nữa, tôi lại rất sợ đỉa nên chỉ còn nước lên bờ ngồi... khóc. Đúng lúc ấy thì Bình đi nối dây thông tin về. Đặt cuộn dây thông tin xuống đất, Bình đến bên tôi hỏi thăm. Biết chuyện, Bình nhoẻn miệng cười rồi nói: “Thôi, để tớ cấy cho! Cậu ngồi trông bó dây này nhé”. Một lát sau thì cả mảnh ruộng đã tràn ngập màu xanh của những cây mạ non dưới bàn tay thoăn thoắt của Bình.

leftcenterrightdel
Tác giả Đinh Tuyết Lan những ngày ở chiến trường. Ảnh: XUÂN HUY 

Năm 1969, tôi và Bình cùng được cử đi học tập tại Trường Sĩ quan Thông tin. Bình là một trong những học viên được kết nạp Đảng ngay trong thời gian học tập. Bình lúc nào cũng động viên tôi phải cố gắng rèn luyện, phấn đấu để được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Có lần trò chuyện, tôi hỏi Bình: “Cậu có người yêu chưa?”. Bình kể, nơi quê nhà, mẹ đã “nhắm” cho anh một cô gái ngoan hiền, chịu khó. Bình cũng đã gặp cô ấy, nhưng hai người còn chưa trò chuyện. Trước ngày lên đường đi bộ đội, Bình cũng không qua nhà cô, bởi Bình nghĩ, chiến tranh chưa kết thúc, cậu ấy không muốn làm người ta “vướng bận”. Rồi Bình nói với tôi: “Hết chiến tranh, mình cũng muốn được yêu, muốn được ôm một cô gái vào lòng, muốn được chăm sóc, lo lắng và quên mình vì tình yêu. Mình sẽ nướng bồ kết, hái lá hương nhu, đun nước và gội mái tóc dài cho cô ấy”...

Kết thúc khóa học, tôi được phân công về Trạm A67, đóng quân ở Con Cuông, Nghệ An, còn Bình xung phong sang mặt trận ác liệt nhất lúc bấy giờ là chiến trường Lào. Hai tuần sau, xe của Ban Tham mưu trung đoàn ghé qua trạm, chuyển cho chúng tôi một ba lô con cóc thủng lỗ chỗ nhiều vết đạn. Trong ba lô đầy căng những quả bồ kết xanh, đó là quà của Bình hái về gửi cho chúng tôi.

Trong những ngày tháng ấy, chúng tôi thường được nghe nhiều câu chuyện về thành tích dũng cảm của đồng chí Đại đội phó kỹ thuật Trạm C500 Nguyễn Đình Bình. Và rồi, trong một lần đi công tác, anh nhường hầm cho đồng đội và đã anh dũng hy sinh. Tất cả các trạm trong trung đoàn biết tin ngay, chúng tôi như chết lặng bên máy. Bạn tôi còn trẻ quá! Anh mới 24 tuổi, với 6 năm nhập ngũ. 5 ngày sau khi được tin Bình hy sinh, tôi nhận được thư anh. Lá thư viết tại Cánh Đồng Chum, đề ngày 15-11-1971. Trong thư, anh kể về công việc, về sự vất vả, ác liệt, hy sinh, song với quyết tâm cao để hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc. Anh còn thổ lộ nỗi nhớ và những kỷ niệm về năm tháng cùng chúng tôi học tập, công tác. Trong thư Bình viết toát lên sự lạc quan, tin tưởng vào ngày toàn thắng...

ĐINH TUYẾT LAN 

(Nguyên Tiểu đội trưởng Tiểu đội tải ba Trạm A67, Trung đoàn 134 (nay là Lữ đoàn 134), Binh chủng Thông tin liên lạc, nguyên chuyên viên chính Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt-Xô)