Ngày 7-4-1975, các đơn vị của quân đoàn hành quân thần tốc về giải phóng Sài Gòn, tôi lúc này là Trợ lý Tuyên huấn của Trung đoàn 101, được cấp trên tăng cường đi cùng Tiểu đoàn 1, làm trợ lý đốc chiến. Dọc đường hành quân, tôi đi với xe anh Dương nên được anh kể chuyện nhiều về gia đình. Anh tâm sự, cha mẹ anh mất sớm, vợ và con thì đang ốm nặng... nhưng không vì thế mà anh thoái thác nhiệm vụ. Thi thoảng có điều kiện, anh viết thư về động viên vợ con, người thân và nhờ mọi người giúp đỡ để anh yên tâm chiến đấu. Tiểu đoàn 1 được trên tin tưởng giao mũi chủ công giải phóng thị xã Phan Rang (ngày 16-4) và quận lỵ Long Thành, Đồng Nai (ngày 26-4). Cả hai trận đánh, đơn vị đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhưng trong trận Long Thành, anh Dương đã anh dũng hy sinh ngay trước cửa ngõ Sài Gòn.
Hồi đó, gặp nhau ở chiến trường, lại đang chiến dịch, mọi người đều cuốn vào chiến sự, tập trung đánh địch nên lúc nói chuyện với nhau cũng không có điều kiện tìm hiểu kỹ. Anh Dương biết tôi quê ở Quảng Bình, còn tôi cũng chỉ biết anh quê Thái Bình nhưng không rõ ở xã, huyện nào. Năm 1995, nhân kỷ niệm 20 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi có viết bài “Trước cửa ngõ Sài Gòn” gửi Báo Thái Bình. Nội dung bài viết ca ngợi sự chỉ huy táo bạo, gương chiến đấu dũng cảm của Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Ánh Dương, kèm theo một bức thư ngắn gửi báo. Tôi hy vọng qua bài báo sẽ biết tin về gia đình, vợ con anh Dương, để sau này có điều kiện thăm hỏi, động viên, chia sẻ nỗi đau mất mát cùng gia đình đồng đội.
Ngày 22-4-1995, Báo Thái Bình đăng bài viết của tôi với tựa đề “Trước cửa ngõ Sài Gòn” trên cả trang 3 kèm “Lời tòa soạn”, trong đó trích thư của tôi gửi báo, nói rõ nguyện vọng của tôi mong được Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, gia đình, bạn bè của liệt sĩ Nguyễn Ánh Dương cho biết địa chỉ quê quán, gia đình của anh...”.
Một tuần sau khi báo đăng, tôi nhận được thư của vợ con và bạn bè anh Dương. Qua thư gia đình anh, tôi được biết quê anh ở thôn Bá Mai, xã Hồng Việt, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Vợ chồng anh Dương có hai người con gái, đều lấy chồng là bộ đội. Có điều qua thư tôi mới biết, gia đình vẫn chưa biết được phần mộ của anh Dương ở đâu. Sau đó, tôi viết thư cho chị Mến-vợ anh Dương, cung cấp thêm thông tin về nơi anh hy sinh và đề nghị gia đình vào Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Long Thành (Đồng Nai) để tìm mộ chí của anh.
Ngày 19-1-1999, tôi nhận được thư của cháu Nguyễn Văn Bằng (con rể anh Dương) cho biết, gia đình đã tìm được mộ chí của liệt sĩ Nguyễn Ánh Dương tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Long Thành. Tháng 3-2008, tôi mới có dịp về thăm gia đình, vợ con anh Dương ở Thái Bình. Cả nhà đón tôi với tình cảm trân trọng, quý mến như đón người thân lâu ngày mới gặp. Lúc này, tôi mới biết, từ ngày anh Dương hy sinh, chị Mến vẫn ở vậy thờ chồng, nuôi hai con gái khôn lớn, trưởng thành. Chị Mến xúc động nói với tôi: “Cảm ơn chú! Nhờ bài viết của chú mà gia đình chị mới biết được gương chiến đấu dũng cảm, hy sinh của anh Dương và tìm được mộ của anh sau 20 năm mòn mỏi mong tin”.
Tôi bồi hồi xúc động xin phép gia đình thắp nén hương tưởng niệm, tri ân anh-một người anh, người đồng chí, đồng đội, người chỉ huy táo bạo đã anh dũng hy sinh trước ngày thắng lợi, ngay trước cửa ngõ Sài Gòn... Từ đó trở đi, gia đình chị và gia đình tôi xem nhau như người thân thiết, ruột thịt...
HỒ DUY