Ký ức bắn rơi máy bay Mỹ

Đại tá, phi công Nguyễn Văn Nghĩa sinh năm 1946 tại Quảng Ngãi, hiện sinh sống ở TP Hồ Chí Minh. Ông là một trong những phi công đạt đẳng cấp Ace, dành cho những phi công ưu tú bắn rơi từ 5 máy bay đối phương trở lên. Đã 76 tuổi nhưng ông vẫn nhanh nhẹn, tráng kiện. Trò chuyện với chúng tôi, ông chỉ vào một bức ảnh máy bay tiêm kích MiG-21 và bảo: “Loại máy bay này đã gắn bó với tôi suốt thời gian dài và lập nên chiến công, góp phần vào Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”, tháng 12-1972 lịch sử”.

Hồi tưởng về những ngày rực lửa 50 năm trước, Đại tá, phi công Nguyễn Văn Nghĩa kể: “Tối 18-12-1972, không quân Mỹ đưa những “pháo đài bay” B-52 đánh phá Hà Nội và những vùng lân cận, cùng với các lực lượng phòng không, lực lượng không quân cũng xuất kích. Nhưng những ngày đầu, máy bay của ta không tiếp cận được máy bay B-52 của địch, bởi các “pháo đài bay” có đội hình máy bay tiêm kích F-4, F-100, F-111... yểm trợ. Không những thế, B-52 còn có hệ thống gây nhiễu sóng radar nên ta rất khó phát hiện, khó tiếp cận để triển khai tấn công. Do vậy, 5 ngày đầu chiến dịch, Bộ đội Không quân chưa bắn hạ được máy bay nào của địch nên anh em rất sốt ruột. Ngày 23-12-1972, trong lúc tôi đang tham gia bay huấn luyện cho phi công trẻ của Trung đoàn 927 thì được Trung đoàn trưởng Nguyễn Hồng Nhị gọi lên, giao nhiệm vụ xuất kích chiến đấu. Biên đội của tôi gồm 2 máy bay MiG-21, một chiếc do tôi điều khiển (số 1) và một chiếc do Lê Văn Kiền điều khiển (số 2)...

Nhận nhiệm vụ, tôi nhanh chóng chuẩn bị sẵn sàng xuất kích với ý chí quyết tâm rất cao. Khoảng 13 giờ 40 phút ngày 23-12-1972, biên đội chúng tôi được lệnh vào cấp 1. Ngay sau mệnh lệnh nổ máy, xuất kích, biên đội được lệnh tăng lực, nâng độ cao... Tôi hiểu tình huống rất khẩn cấp, trận chiến sẽ phức tạp, cam go. Tập trung quan sát, tôi phát hiện bên phải có một tốp 4 chiếc F-4, cự ly khoảng 20km, cùng lúc số 2 Lê Văn Kiền cũng hô “bên trái 4 chiếc’’. Chúng bay vòng trong, vòng ngoài, phóng tên lửa tới tấp khiến chúng tôi phải liên tục tránh né và lựa thời cơ đánh trả. Trong tình thế khẩn trương, nguy cấp nhưng tôi vẫn cố chọn được vị trí tiến công có lợi, đưa một chiếc F-4 vào tầm ngắm. Đúng lúc đó, tiếng Trung đoàn trưởng Nguyễn Hồng Nhị vang lên trong máy: “Kiên quyết tấn công, đánh nhanh, rút nhanh!”. Tôi căng mắt quan sát, ở cự ly bắn hiệu quả, tôi phóng tên lửa. Chiếc F-4 trúng đạn, bốc cháy...

leftcenterrightdel

 

 Phi công Nguyễn Văn Nghĩa (đầu tiên, bên phải) trao đổi kinh nghiệm tác chiến với đồng đội. Ảnh tư liệu 

Đây là chiếc máy bay đầu tiên của địch bị Không quân nhân dân Việt Nam bắn cháy trong Chiến dịch Phòng không Hà Nội tháng 12-1972. Chiến thắng có ý nghĩa quan trọng, giải tỏa tâm lý, mở màn cho những thắng lợi tiếp theo và cổ vũ tinh thần Bộ đội Không quân hăng hái chiến đấu. Liên tục những ngày sau đó cho đến đêm cuối cùng của chiến dịch, không quân ta bắn hạ thêm 6 chiếc máy bay Mỹ, trong đó có 2 “pháo đài bay” B-52. Mỗi chiếc máy bay địch bị bắn hạ, chúng tôi vô cùng phấn khích. Thế nhưng chiến thắng nào cũng có mất mát, hy sinh! Chúng tôi đã mất đi 2 đồng đội-2 phi công anh hùng là Vũ Xuân Thiều và Hoàng Tam Hùng...”.

Những ngày huấn luyện gian khổ

Để có được những chiến công đó, phi công Nguyễn Văn Nghĩa và đồng đội đã phải trải qua thời gian dài luyện tập gian khổ để tích lũy kỹ năng, kinh nghiệm và chuẩn bị tâm lý, bản lĩnh đối đầu với không quân địch, nhất là “pháo đài bay” B-52. Đại tá Nguyễn Văn Nghĩa nhớ lại: “Từ thập niên 1970, Trung đoàn 921 (Đoàn Không quân Sao Đỏ), Sư đoàn 371 chúng tôi đã nghiên cứu cách đánh B-52 và luyện tập cách tiếp cận, tấn công. Đêm 20-11-1971, đồng chí Vũ Đình Rạng, phi công MiG-21 đã xuất kích tại sân bay Anh Sơn (Nghệ An) và bắt được mục tiêu, tiếp cận máy bay B-52. Khi đạt tốc độ 1.400km/giờ và cách mục tiêu 3km, phi công Vũ Đình Rạng đã phóng tên lửa vào mục tiêu. Sau này, chính phi công Mỹ lái chiếc máy bay B-52 đó thừa nhận “pháo đài bay” bị MiG-21 bắn bị thương, phải gấp rút chuyển hướng quay về sân bay U-Tapao (Thái Lan). Đó là lần đầu tiên trên thế giới, B-52 của Mỹ bị phi công MiG-21 Việt Nam tiếp cận và bắn bị thương, gây chấn động nước Mỹ”.

leftcenterrightdel

Đại tá, phi công, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Nghĩa. Ảnh: THANH HUYỀN 

Với kinh nghiệm này, không quân ta tăng cường luyện tập cách đánh B-52, bay từ phía dưới, ở độ cao thấp, rồi bất ngờ tăng lực kéo lên tiếp cận tấn công; đồng thời tập trung huấn luyện kỹ năng không chiến, chiến thuật đánh chặn, kỹ thuật xạ kích áp dụng trong từng trận đánh, khai thác triệt để tính năng ưu việt của MiG-21... Ngoài việc huấn luyện thuần thục kỹ thuật, chiến thuật, phi công Nguyễn Văn Nghĩa cùng đồng đội được rèn luyện bản lĩnh từ thực tiễn chiến trường khốc liệt thông qua những trận đối đầu ác liệt trên không. Chính sự trui rèn khắc nghiệt ấy đã tạo nên những phi công kiên cường, quả cảm, giàu kinh nghiệm, biết chớp thời cơ giành thắng lợi. “Nhờ chuẩn bị chu đáo tâm thế, kỹ năng, bản lĩnh nên chúng tôi rất tự tin, không hề lo lắng khi đối đầu với máy bay B-52. Mỗi lần xuất kích đều hừng hực khí thế tiến công, dù lực lượng địch mạnh hơn, đông hơn gấp bội. Chiến thắng của Bộ đội Không quân trên bầu trời Hà Nội đã góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của một “Điện Biên Phủ trên không” mà chúng tôi là những người vinh dự, tự hào được góp một phần công sức”-Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Nghĩa tự hào nói...

Đồng chí Nguyễn Văn Nghĩa trúng tuyển phi công quân sự năm 1965 và được cử đi đào tạo phi công MiG-21 tại Liên Xô. Năm 1968, ông về nước, chiến đấu trong đội hình các Trung đoàn Không quân: 921, 927. Từ tháng 6 đến tháng 12-1972, ông lái MiG-21 bắn hạ 6 máy bay Mỹ, trong đó có 5 chiếc rơi tại chỗ, 1 chiếc bị trọng thương, rơi tại Tuyên Quang. Năm 1973, ông được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Ông cũng là phi công MiG-21 đầu tiên của Việt Nam điều khiển máy bay F-5 chiến lợi phẩm và trở thành giáo viên bay đầu tiên trên loại máy bay này của Không quân nhân dân Việt Nam. 

THANH HUYỀN