Lớp học đặc biệt

9 giờ sáng một ngày cuối tháng 10-2022, tôi vừa bước vào cửa lớp, một vài em cất tiếng chào, nhiều em quay sang nhìn tôi với ánh mắt lạ lẫm, một vài em lao xao: “Cô giáo ơi, có khách!”. Trên bảng, cô vẫn đang say sưa giúp một em nhỏ đánh vần bảng chữ cái. Vì đã báo trước với cô giáo, tôi ra hiệu cho cô vẫn tiếp tục công việc. Đây là “Lớp học linh hoạt xóa mù” dành cho trẻ khuyết tật do cô giáo Nguyễn Thị Côi, nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ (phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) đứng lớp. Một lớp học đặc biệt, sĩ số khoảng 20 học sinh, với một bà giáo năm nay đã bước vào tuổi 80, còn học sinh thì ở nhiều độ tuổi khác nhau, từ 11 đến 40 tuổi.

Do đó, lớp học cũng không được “bình thường” như bao lớp học khác. Trong lúc chờ được gặp cô giáo Nguyễn Thị Côi, tôi lặng lẽ đến bên một vài học sinh của cô. Một vài em đang chăm chú tính toán những phép cộng đơn giản, lại có em ngồi tư lự như đang suy nghĩ điều gì đó. Tôi ngạc nhiên bắt gặp những nét chữ rất đẹp của một chàng trai trông rất khôi ngô. Hỏi chuyện, được biết em là Nguyễn Duy A, 19 tuổi, nhà ở phường Hoàng Văn Thụ. Bị thiểu năng trí tuệ, đã theo học ở nhiều trung tâm chuyên môn nhưng không thu được kết quả như mong muốn, 3 năm nay, em được gia đình xin vào lớp học của cô giáo Côi. Khi mới vào, còn chưa biết đọc, biết viết nhưng đến nay, em đã biết ghép chữ, làm toán và biết đọc.

leftcenterrightdel
Cô giáo Nguyễn Thị Côi. Ảnh: KHÁNH AN 

Một học sinh chợt níu lấy tôi nói: “Em thích học cô giáo Côi lắm! Cô khuyên em đi học trở lại đấy!”. Đó là Chu Ngọc T, 27 tuổi, ở Trương Định, Hoàng Mai. Mẹ mất sớm, bố đi tù, em ở với gia đình người cậu ruột. Bị bệnh viêm não Nhật Bản từ nhỏ, hằng ngày, em lang thang đi nhặt ve chai để kiếm sống. Em kể, trước em cũng được theo học một lớp “xóa mù” nhưng rồi bố nghe bạn bè không cho em đi học nữa. Em không biết mặt chữ nên cũng không biết tính toán thế nào. Tình cờ một ngày em gặp cô giáo Côi và được biết về lớp học. Đã 3 năm nay, được phân công là lớp trưởng, em thường đến sớm nhất và về muộn nhất vì được giao giữ chìa khóa lớp. Sáng đến lớp, chiều đi nhặt ve chai, em chưa bỏ buổi học nào. Em vui mừng thông báo với tôi, đến nay, nhờ cô giáo Côi, em đã biết đọc, biết viết.

Trên đây là hai trong số nhiều học sinh có số phận đặc biệt ở lớp học của bà giáo Côi. “20 học sinh ở đây là 20 hoàn cảnh, số phận khác nhau. Bản thân các em đã là những người đặc biệt, còn gia đình các em cũng đều có hoàn cảnh khó khăn. Vì thế, điều kiện chăm lo, dạy dỗ các em cũng không được như bình thường. Nếu người giáo viên không có sự yêu thương, quan tâm, gần gũi và chia sẻ với các em thì thật khó “kéo” các em đến lớp!”-cô giáo Nguyễn Thị Côi chia sẻ với chúng tôi sau giờ lên lớp. Với suy nghĩ ấy mà 28 năm nay, kể từ ngày nghỉ hưu, cô giáo Nguyễn Thị Côi đã gắn bó với những học sinh kém may mắn này.

Tấm lòng của bà giáo già

Trong ký ức của cô giáo Nguyễn Thị Côi, tình yêu với nghề giáo đã bắt đầu từ khi cô học lớp 4. Khi ấy, cô gái bé nhỏ đã là giáo viên ở các lớp bình dân học vụ dạy chữ cho người lớn. Năm 1959, tốt nghiệp trung cấp sư phạm, cô giáo Côi về giảng dạy ở một số trường trên địa bàn quận Hoàng Mai và công tác tại Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ cho đến ngày nghỉ hưu.

Cơ duyên gắn bó với các em học sinh kém may mắn có lẽ đến với bà giáo Côi từ những năm 1994-1995. Ngày ấy, quận Hai Bà Trưng mở lớp dạy trẻ em lang thang ở các khu nhà trọ trên địa bàn. Bà xung phong đi gặp gỡ, cảm hóa và dạy các em ngay tại nhà trọ vào các buổi tối. Những lớp học như thế được duy trì trong vài năm, rồi sau đó được mở ở nhà văn hóa các khu dân cư. Cũng từ đó, theo lớp học, bà gắn bó với trẻ em kém may mắn.

leftcenterrightdel
 Cô giáo Nguyễn Thị Côi tận tình chỉ bảo cho học sinh. Ảnh: KHÁNH AN

Bà Côi chia sẻ, ngoài tình yêu thương thì sự kiên trì, nhẫn nại với đối tượng học sinh này là không thể thiếu ở người giáo viên: “Không giống trẻ em bình thường, ở đây, mỗi em có một mức độ bệnh khác nhau, tư duy, sự tiếp thu cũng khác nhau. Có em học vài tháng rồi nhưng vẫn nhầm lẫn giữa chữ a với chữ d, chữ v với chữ c, học ghép vần thì nhớ trước quên sau. Vì thế, người giáo viên phải “lựa” và có phương pháp sư phạm để học sinh tiếp thu được tốt nhất, nếu không kiên trì thì không thể thành công được”.

Không chỉ vậy, bà Côi cũng phải đối diện với những tình huống sư phạm đặc biệt mà 35 năm làm nghề giáo viên ở “trường công” có lẽ bà chưa hề phải trải qua. “Có lần, đang viết bài thì một em ngã lăn xuống đất, miệng sùi bọt mép. Có em nói từ lúc vào học đến lúc tan lớp. Có em đang ngồi học bình thường bỗng xé sách vở, lôi cánh tay ra... cắn. Cá biệt, có em cứ ngồi... mắng giáo viên! Tất cả những tình huống ấy mình đều phải bình tĩnh xử lý, chứ hốt hoảng hay đánh mắng, khó chịu với các em đều “hỏng việc!”-bà Côi chia sẻ.

leftcenterrightdel

Lớp học đặc biệt của cô giáo Nguyễn Thị Côi. Ảnh: KHÁNH AN 

Chúng tôi hỏi bà về kinh phí duy trì lớp học, bà cho biết, UBND quận Hoàng Mai hỗ trợ 3 triệu đồng/tháng thì 1,5 triệu đồng bà dành để thuê xe ôm từ nhà đến lớp học, còn lại bà dành để mua sách vở, nước và quà tặng động viên, khuyến khích các em học tập. 28 năm gắn bó với những học sinh kém may mắn, bà vui mừng khi thấy các em mạnh khỏe, tiến bộ từng ngày. Sự khôn lớn, trưởng thành của các em là “món quà” vô giá mà các em đã trao tặng cho cô giáo của mình. Trò chuyện với chúng tôi, bà Côi nhắc đến những niềm vui đặc biệt của mình khi thấy các em từng bước trưởng thành: “Đã có hai học sinh của tôi tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định như em Hạnh ở phường Tân Mai, em Thủy ở Hà Nam. Nhiều em sau khi tốt nghiệp các trung tâm giáo dục thường xuyên đã xin được việc làm, có em còn mở được cửa hàng... Là những học sinh bị thiểu năng trí tuệ, khuyết tật, nhưng bằng sự nỗ lực vươn lên, các em đã có cuộc sống tốt đẹp, tương lai ổn định. Đó là niềm hạnh phúc lớn với một người giáo viên như tôi!”.

Những niềm vui ấy bà Côi đã được gia đình chia sẻ và ủng hộ. Bà Côi cho biết: Ngày mới đi làm công việc này, bà giấu gia đình. Chỉ đến khi đài, báo đưa tin về lớp học, các con và chồng bà mới biết. Nhưng gia đình không phản đối mà hoàn toàn ủng hộ việc làm của bà. Chúng tôi hỏi bà, năm nay đã 80 tuổi, bà có nghĩ đến việc “nghỉ hưu” không? Bà nhìn chúng tôi bằng ánh mắt cương nghị và khẳng định: “Còn khỏe ngày nào, tôi sẽ còn đến với lớp học!”.

“Cháu gái tôi học cô giáo Côi từ khi chưa biết chữ đến bây giờ đã đọc thông, viết thạo. Ngày nào cũng đưa đón cháu đi học, tôi tận mắt chứng kiến sự tận tâm, nhiệt tình của cô với học trò. Gia đình tôi cảm phục và biết ơn cô lắm!” - bà Nguyễn Thị Liên, 76 tuổi, ở  phường Hoàng Văn Thụ cho biết. 

PHẠM THU THỦY