Ước mơ thành lính phòng không
Theo giới thiệu của cơ quan chính trị Học viện PK-KQ, tôi đến gặp Đại tá, Thạc sĩ Nguyễn Xuân Bình, Phó chủ nhiệm khoa CTĐ, CTCT. Gặp nhau, chúng tôi nhận ra là bạn đồng môn Khóa 25 (2007-2009), Hệ Sư phạm Học viện Chính trị Quân sự (nay là Học viện Chính trị). Ngày đó, anh học Khóa 25H chuyên ngành CTĐ, CTCT, còn tôi học Khóa 25A chuyên ngành Triết học. Vậy là chúng tôi trò chuyện cởi mở, hàn huyên với nhau sau 13 năm gặp lại.
Vẫn giọng nói trầm ấm, nhẹ nhàng, anh Bình tâm sự: “Tôi sinh ra và lớn lên ở xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây (nay là TP Hà Nội). Tháng 3-1989, tôi tình nguyện nhập ngũ và trở thành chiến sĩ Trung đoàn 102, Sư đoàn 308, Quân đoàn 1. Sau thời gian huấn luyện tân binh, tôi được cấp trên điều động về làm chiến sĩ thuộc Đại đội 19, Trung đoàn 36, Sư đoàn 308. Với mong ước trở thành sĩ quan phòng không, thủ trưởng đơn vị đã tạo điều kiện cho tôi đi ôn thi văn hóa. Niềm vui vỡ òa, tháng 8-1990, tôi có giấy báo nhập học và trở thành học viên chuyên ngành Tên lửa, Khóa 35 (1990-1993), Tiểu đoàn 5, Trường Sĩ quan chỉ huy kỹ thuật Phòng không...”.
Suốt quá trình học, Nguyễn Xuân Bình luôn trung thành, bám sát phương châm chủ động khắc phục khó khăn, gian khổ, tự quản, tự học, tự rèn, tự tìm phương pháp học tập phù hợp cho riêng mình để đạt kết quả cao nhất. Để biến phương châm đó thành hiện thực, Bình nhanh chóng hòa nhập vào môi trường mới ngay từ những khoa mục, môn học đầu tiên. Lên lớp, anh chú ý lắng nghe, ghi chép tốc ký lời giảng, chỉ dẫn, định hướng, hướng dẫn của thầy, cô giáo; mạnh dạn truy trao bài, chỗ nào chưa hiểu, chưa rõ thì học thầy, hỏi bạn, luôn nhiệt huyết tinh thần ham học hỏi, cầu tiến bộ...
Cũng nhờ có phương pháp học tập, rèn luyện tốt, tháng 8-1993, học viên Nguyễn Xuân Bình tốt nghiệp, được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phong quân hàm Trung úy. Tháng 9-1993, Trung úy Nguyễn Xuân Bình được cấp trên điều động, bổ nhiệm giữ chức Trung đội trưởng thuộc Tiểu đoàn 52, Trung đoàn 267, Sư đoàn 365, Quân chủng Phòng không. Với trình độ chỉ huy, quản lý tốt, 3 tháng sau anh được cấp trên bổ nhiệm giữ chức Phó đại đội trưởng Đại đội 2, Tiểu đoàn 55, Trung đoàn 267. “Là cán bộ chỉ huy cấp đại đội, tôi luôn tận tâm, chú trọng gây dựng mối đoàn kết trong cấp ủy, chỉ huy và trong toàn đơn vị; thường xuyên nâng cao chất lượng giáo dục, quản lý, rèn luyện, chấp hành nghiêm kỷ luật; sâu sát, gần gũi, quan tâm, lắng nghe chia sẻ của bộ đội; kịp thời giải đáp thắc mắc, kiến nghị của cán bộ, chiến sĩ ở cơ sở. Với cách làm trên, nhiều năm đơn vị được cấp trên tặng danh hiệu Đơn vị Quyết thắng”, Đại tá, Thạc sĩ Nguyễn Xuân Bình nhớ lại những năm tháng là cán bộ ở Trung đoàn 267 anh hùng.
Thực tiễn 10 năm trực tiếp quản lý, chỉ huy bộ đội, anh là người cán bộ đa năng, thuận hai tay, vừa giỏi về cán bộ quân sự vừa thành thạo công tác chính trị. Bởi thế, tháng 9-2004, Thiếu tá Nguyễn Xuân Bình được cấp trên cử đi học lớp chuyển loại cán bộ chính trị tại Học viện PK-KQ. Với kết quả tốt nghiệp loại giỏi, Thiếu tá Nguyễn Xuân Bình được Học viện giữ lại làm cán bộ chính trị quản lý học viên. Cũng kể từ đó, anh gắn bó với “cái nôi” đào tạo cán bộ, sĩ quan chỉ huy PK-KQ...
Gương sáng “vừa hồng vừa chuyên”
Sau 3 năm trực tiếp quản lý học viên, anh Bình nhận thấy bản thân có thế mạnh về hoạt động CTĐ, CTCT và đam mê nghề dạy học. Tháng 8-2007, anh dự thi đào tạo chuyên ngành CTĐ, CTCT tại Học viện Chính trị Quân sự. “Tôi rất tâm đắc với câu nói nổi tiếng của nhà sư phạm lỗi lạc J.A.Comenxki: “Dưới ánh mặt trời không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học”. Trong xã hội nào, thời đại nào, người giáo viên cũng luôn được kính trọng và yêu mến. Với suy nghĩ đó, tôi đã nguyện theo đuổi ước mơ trở thành thầy giáo để truyền thụ tri thức, kinh nghiệm, vốn sống cho các thế hệ học viên. Muốn hiện thực hóa điều đó, tôi luôn nghĩ, mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương về đạo đức, mẫu mực về nhân cách, tự học, sáng tạo và ứng xử mô phạm để cho học viên noi theo”, thầy giáo Nguyễn Xuân Bình “bật mí” con đường anh đến với nghề giáo.
Tháng 8-2009, Thiếu tá Nguyễn Xuân Bình tốt nghiệp Học viện Chính trị Quân sự. Theo nguyện vọng bản thân, cấp trên sắp xếp anh về giảng dạy tại Bộ môn CTĐ, CTCT, Khoa CTĐ, CTCT của Học viện PK-KQ. “Tôi thấy mình là người may mắn được làm đúng chuyên ngành đào tạo. Đây là môi trường tốt để cán bộ, giáo viên chúng tôi được phát huy khả năng, cống hiến và theo đuổi đam mê của mình...”, thầy Bình bộc bạch.
|
|
Đại tá, Thạc sĩ Nguyễn Xuân Bình.
|
Sau thời gian giảng dạy tại Học viện, tháng 3-2016, Thượng tá, Thạc sĩ Nguyễn Xuân Bình được cấp trên điều động, bổ nhiệm giữ chức Phó chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 377, Quân chủng PK-KQ. Sau một thời gian đi thực tế đơn vị cơ sở, anh đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm thực tiễn. Tháng 2-2018, anh được cấp trên bổ nhiệm giữ chức Chủ nhiệm Bộ môn CTĐ, CTCT. Khi chúng tôi hỏi về thầy Bình, Đại tá, Thạc sĩ Lê Minh Hoàng cho biết: “Đầu năm 2022, đồng chí Bình trên cương vị mới là Phó chủ nhiệm khoa CTĐ, CTCT có phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn tốt và là lá cờ đầu trong các phong trào thi đua của khoa; tấm gương sáng “vừa hồng vừa chuyên”, tất cả vì học viên thân yêu. Ở cương vị nào, đồng chí Bình cũng hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ, được đồng chí, đồng đội, đồng nghiệp quý mến, cấp trên tin tưởng. 3 năm liên tục (2020, 2021, 2022), đồng chí được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp Học viện; Chiến sĩ thi đua cơ sở các năm 2020, 2021...”.
Nhắc đến chuyện riêng, anh Bình tự hào về mái ấm của mình. Năm 1994, anh kết hôn với người con gái cùng quê là Đỗ Thị Minh, làm kế toán tại Trường Tiểu học Đông Sơn, huyện Chương Mỹ. Hiện nay, con trai lớn của anh chị-Thiếu úy Nguyễn Tú Anh là phi công thuộc Phi đội 2, Trung đoàn 916, Sư đoàn 371, Quân chủng PK-KQ...
Trước khi rời Học viện PK-KQ, tôi rất ấn tượng với cuộc trò chuyện cùng Thượng sĩ Bùi Huy Hoàng (sinh năm 2001), học viên đào tạo kỹ sư hàng không thuộc Đại đội 73, Tiểu đoàn 7, Học viện PK-KQ. Khi được hỏi về thầy giáo Nguyễn Xuân Bình, Hoàng tâm sự: “Thầy Bình có kiến thức sâu rộng, có kinh nghiệm thực tiễn nên nội dung bài giảng dễ hiểu. Quá trình dạy, nội dung nào chúng tôi chưa hiểu, thầy đều phân tích để làm sáng tỏ vấn đề. Thầy luôn tận tình với học viên, khơi nguồn, truyền cảm hứng cho chúng tôi qua mỗi tiết học bằng sự sáng tạo, nhiệt huyết của mình”...
Bài và ảnh: NGUYỄN KIÊN THÁI