Năm 2009, Trường Trung cấp Kỹ thuật TTG được thành lập theo quyết định của Bộ Quốc phòng và tiếp nối truyền thống của hai nhà trường: Trường Kỹ thuật TTG và Trường Hạ sĩ quan xe tăng 2. Kể lại quá trình ra đời của nhà trường, Đại tá, Nhà giáo Ưu tú Phan Tiến Dũng, nguyên Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Tháng 7-1982, tôi cùng với 32 cán bộ, giáo viên và 17 xe TTG được vận chuyển từ miền Nam ra, trở thành lực lượng nòng cốt xây dựng và trực tiếp huấn luyện, đào tạo thợ sửa chữa xe TTG của nhà trường. Khi ấy, Trường Công nhân kỹ thuật 2 mới di chuyển từ Lục Ngạn, Hà Bắc (nay là Bắc Giang) về Ngọc Lương, Yên Thủy, Hòa Bình. Cũng từ đây, nhà trường đổi tên là Trường Hạ sĩ quan Kỹ thuật và Sửa chữa TTG. Vượt qua mọi khó khăn, không khí giảng dạy, học tập của giáo viên và học viên nhà trường rất sôi nổi”.
Khi ấy, với nguồn cán bộ mỏng, lại thiếu thốn về trang bị huấn luyện, các khoa, bộ môn đã hướng tới tận dụng nguồn “chất xám” từ đội ngũ cán bộ, giáo viên để cho ra đời những thiết bị giảng dạy, huấn luyện. Đại tá Phan Tiến Dũng không thể quên những đêm thức trắng cùng với các đồng nghiệp nghiên cứu, sáng chế những mô hình huấn luyện. Ví như mô hình thiết bị điện, thiết bị đặc biệt xe tăng T55 và mô hình xe BMP-1, tỷ lệ chỉ bằng 2/3 so với xe thật nhưng đã có đầy đủ các hệ thống: Phòng, chống bom nguyên tử, chữa cháy tự động... Đây là những tính năng đặc biệt của xe TTG mà để sáng chế thành công, Đại tá Phan Tiến Dũng và đồng sự đã mất rất nhiều công sức, trí tuệ. Sáng kiến đã được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo và giúp ích rất lớn cho công tác giảng dạy, huấn luyện khi học viên có mô hình học tập trực quan, sinh động.
|
|
Giờ huấn luyện của học viên Trường Trung cấp Kỹ thuật Tăng thiết giáp. Ảnh: THỦY TIÊN
|
Nhưng có lẽ dấu ấn không thể quên với Đại tá Phan Tiến Dũng là những ngày cùng cán bộ, giáo viên nhà trường xúc tiến xây dựng đề án chi tiết để tiến tới xây dựng Trường Trung cấp Kỹ thuật TTG. Ông đã lặn lội đi liên hệ với nhiều nhà trường trong toàn quân và các cơ quan chức năng cấp trên để xây dựng hệ thống chương trình chuẩn hóa theo đúng yêu cầu của Cục Nhà trường và của Bộ Quốc phòng. Ngày 16-2-2009, Trường Trung cấp Kỹ thuật TTG chính thức ra đời đã đáp ứng nguyện vọng của đông đảo cán bộ, giáo viên nhà trường.
Gần 50 năm xây dựng và phát triển, nhà trường đã đào tạo được hàng nghìn công nhân kỹ thuật cho các nhà máy, xí nghiệp quốc phòng; hàng vạn nhân viên chuyên môn kỹ thuật trình độ sơ cấp, trung cấp, nhân viên quân giới, thành viên kíp xe TTG, chiến sĩ mới cho các đơn vị và hai nước bạn Lào, Campuchia. Với kết quả đó, nhà trường được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba (năm 2011); Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba (năm 2016). Nhiều năm liền, nhà trường được Bộ Quốc phòng tặng cờ thi đua, bằng khen cùng nhiều phần thưởng của Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam...
Để đạt được những thành tích đó, nhà trường đã xây dựng được đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý chất lượng cao; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên trẻ. Đến nay, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý của nhà trường có trình độ đại học và sau đại học chiếm 91%... Các cơ quan, khoa giáo viên, đơn vị đẩy mạnh phong trào tự học, nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật để nâng cao trình độ mọi mặt. Những năm gần đây, nhất là từ năm 2020 đến nay, công tác nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến, cải tiến đồ dùng huấn luyện đã có bước phát triển vượt bậc. Toàn trường có 68 đề tài, sáng kiến được công nhận và áp dụng vào huấn luyện, đào tạo, trong đó có 6 đề tài, sáng kiến cấp ngành, 5 đề tài cấp binh chủng và 1 đề tài cấp bộ. Năm 2022, sáng kiến “Thiết bị huấn luyện buồng chiến đấu xe tăng T-55B” của nhà trường đã giành giải Nhất tại Hội thi kỹ thuật TTG toàn binh chủng. “Các đề tài, sáng kiến mang lại lợi ích to lớn về quốc phòng và kinh tế, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo và khả năng sẵn sàng chiến đấu của nhà trường”, Đại tá Vũ Xuân Hòa cho biết.
KHÁNH AN