Đó là những phút giây hào hùng khi không chiến với máy bay địch của Trung úy Hoàng Tam Hùng, phi công Đại đội 3 (Phi đội 3), Trung đoàn 927, Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ) trưa 28-12-1972. 

8 phút, diệt 2 máy bay Mỹ

Khi sang Liên Xô học tập, phi công Hoàng Tam Hùng được lựa chọn đào tạo lái máy bay MiG-17. Năm 1969, anh về nước và được biên chế về Trung đoàn 923 (nay thuộc Sư đoàn 371). Trong quá trình huấn luyện, nhận thấy Hoàng Tam Hùng có tố chất tốt nên cấp trên quyết định để anh chuyển loại MiG-21 sớm. Và anh đã nhanh chóng làm chủ loại máy bay này, rồi được điều động về Trung đoàn 927.

Là những người từng trực tiếp hướng dẫn Hoàng Tam Hùng trong các bài tập không chiến đầu tiên trên máy bay MiG-21, các anh hùng phi công mà chúng tôi từng được gặp và trò chuyện như: Nguyễn Đức Soát, Lê Thanh Đạo, Lê Xuân Dỵ... đều đánh giá rất cao phi công chuyển loại của mình. Chính vì vậy, ngày ấy họ đã cùng thống nhất quyết định đưa anh vào trực ban chiến đấu. Trận đánh ngày 28-12-1972, cũng là lần đầu tiên phi công trẻ Hoàng Tam Hùng xuất kích chiến đấu trên MiG-21.

Cho đến trưa hôm đó, theo thông báo của trên, không lực Mỹ đã sử dụng khoảng 60 lần chiếc B-52. Chúng chia thành nhiều đợt, có sự hộ tống của hàng trăm lần chiếc máy bay chiến thuật, tổ chức đánh vào Hà Nội và Hải Phòng. Quân chủng giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 927 tác chiến độc lập, đánh các tốp máy bay cường kích, bảo vệ Hà Nội, đánh trong vùng hỏa lực tên lửa trên cả hai hướng Đông Nam và Tây. Trung đoàn trưởng Nguyễn Hồng Nhị chỉ huy, tổ chức cho Biên đội Lê Văn Kiền (số 1), Hoàng Tam Hùng (số 2) trực ban ngày, sẵn sàng cất cánh chặn địch.

11 giờ 10 phút, tốp máy bay Mỹ từ vùng biển phía Nam Thanh Hóa, bay về hướng Đông Nam Hà Nội. 7 phút sau, biên đội Kiền-Hùng được lệnh mở máy. 11 giờ 20 phút, biên đội cất cánh từ sân bay Đa Phúc bay về hướng 150 độ. Khi sở chỉ huy thông báo mục tiêu phía trước-bên phải, phi công Hoàng Tam Hùng cũng nhanh chóng phát hiện biên đội hỗn hợp gồm máy bay RA-5C làm nhiệm vụ trinh sát chụp ảnh có các F-4 hộ tống. Bằng động tác cơ động thuần thục, anh khôn khéo bám theo được chiếc RA-5C. Lúc này, chiếc RA-5C cơ động đan chéo để lẩn tránh. Nhưng trong quá trình đuổi bám, người phi công trẻ đã tìm ra quy luật cơ động của nó. Chờ khi máy bay địch vừa cải bằng để chuẩn bị vòng sang hướng ngược lại, anh lập tức ổn định vòng ngắm và ấn nút khai hỏa. Quả tên lửa trúng giữa thân chiếc RA-5C, khiến nó bốc cháy và rơi thẳng xuống chân núi Tản Viên.

Sau khi bắn rơi chiếc RA-5C, Hoàng Tam Hùng nhận lệnh thoát ly. Nhưng lúc này, các máy bay F-4 bay hộ tống đã quay lại vây quanh anh. Hùng quyết định phản kích. Sau nhiều vòng quần thảo, khi thời cơ đến, anh bình tĩnh đưa một chiếc F-4 vào vòng ngắm. Biết còn có các máy bay khác bám phía sau, nhưng anh vẫn kiên trì bám sát mục tiêu và ấn nút phóng quả tên lửa thứ hai. Chiếc F-4 trúng đạn trọng thương và sau này phía Mỹ thừa nhận chiếc máy bay đã bị bắn rơi. Do không còn vũ khí mang theo máy bay và không thể thoát ly trước sự đeo bám của địch, Hoàng Tam Hùng đã anh dũng hy sinh.

Lịch sử Sư đoàn 371 ghi nhận, trận đánh diễn ra trong vòng 8 phút. Trong cuộc đối đầu không cân sức ấy, phi công Hoàng Tam Hùng đã anh dũng, mưu trí, tiêu diệt 2 máy bay Mỹ. Với thành tích đặc biệt xuất sắc này, ngày 25-4-2013, anh đã được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

leftcenterrightdel

Phi công Hoàng Tam Hùng. Ảnh tư liệu 

Trong ký ức người ở lại

Quá trình tìm hiểu, viết bài về phi công Hoàng Tam Hùng, chúng tôi đã đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Hoàng Tam Hùng có một thân thế khá đặc biệt mà ngay cả đồng đội của anh không phải ai cũng biết. Anh sinh ngày 25-1-1948 tại Hà Nội, nhưng quê gốc ở Huế, là anh cả trong gia đình có 8 người con. Khi diễn ra chiến dịch phòng không tại Hà Nội, phụ thân của anh là đồng chí Hoàng Anh, đang giữ chức Bí thư Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ. Năm 1965, Hoàng Tam Hùng đang là học sinh lớp 10 trường Nguyễn Du, Hà Nội thì xin đi khám tuyển phi công. Với cương vị của mình, cha anh hoàn toàn có thể sắp xếp cho con trai một con đường “thuận lợi”. Và mặc dù biết rằng lái máy bay chiến đấu sẽ thường xuyên phải đối mặt với nguy hiểm, bất trắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhưng ông vẫn đồng ý với lựa chọn của Hoàng Tam Hùng: Đi học lái máy bay phản lực để về chiến đấu bảo vệ bầu trời Tổ quốc.

Vậy là, tháng 10-1965, Hoàng Tam Hùng nhập ngũ. Đến tháng 7-1966, trên chuyến tàu liên vận từ ga Hàng Cỏ, anh lên đường sang Liên Xô học lái máy bay trong suốt 3 năm và trở về nước tham gia chiến đấu trên máy bay MiG-17 rồi MiG-21 của Không quân nhân dân Việt Nam. Nhớ về người đồng đội, người học viên chuyển loại của mình, Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân, phi công Nguyễn Đức Soát cho biết: “Hùng thể hiện năng khiếu đặc biệt, tiếp thu rất nhanh các bài bay tập. Chỉ qua 5 bài bay kèm, tôi đã có thể để cậu ấy bay đơn”. Còn Đại tá Bùi Xuân Cơ, nguyên Đại đội trưởng Đại đội thợ máy của Trung đoàn 927, khi nhắc đến phi công Hoàng Tam Hùng thì nhớ tới dáng vẻ thư sinh, hào hoa và rất hiền lành, tinh tế của anh. Ông chưa bao giờ nghĩ người phi công trẻ ấy có cha là Phó thủ tướng, cho đến khi anh hy sinh. Trong ký ức của ông còn đọng mãi hình ảnh nhiều lần Hùng bình thản bước lên buồng lái, cất cánh trên chiếc MiG-21 có số hiệu 5013...

Chúng tôi từng được đến căn nhà nằm ở số 25 phố Hùng Vương (Hà Nội), gặp người thân của liệt sĩ Hoàng Tam Hùng. Khi ấy, đồng chí Hoàng Anh, thân phụ của liệt sĩ đã bước qua tuổi bách niên. Trong ký ức của họ vẫn vẹn nguyên hình ảnh, những kỷ niệm cùng niềm tự hào về người con trai của gia đình. “Từ lúc chưa tròn 14 tuổi, anh đã là anh cả của 7 đứa em. Anh luôn thể hiện vai trò của người con trai lớn. Anh rất thương ba mẹ và các em. Biết gia đình mình đông con, ba mẹ vất vả

nên anh thường để dành bánh kẹo, lương khô cho các em mỗi lần về phép. Có người bạn trêu anh “chở củi về rừng” vì cho rằng với cương vị của ba tôi thì hẳn gia đình chẳng thiếu thứ gì, nhưng anh chỉ cười. Đơn vị có cái bát tróc men bỏ không dùng nữa, anh cũng xin về cho các em. Cả nhà yêu anh lắm! Mỗi lần anh về phép, 4 cô em gái chúng tôi cứ bám đu lên hai tay anh, mỗi bên hai đứa. Năm 1971, em Hoàng Tam Châu cũng nhập ngũ làm chiến sĩ lái xe tăng. Thời gian này, giặc Mỹ đánh phá miền Bắc ác liệt quá, cả nhà luôn nơm nớp lo cho hai anh em trong quân ngũ!”-cô Hoàng Thị Lương Hòa, em gái phi công Hoàng Tam Hùng kể.

Về trận đánh định mệnh hôm ấy, theo dõi diễn biến ở đài chỉ huy của Trung đoàn 927, phi công Nguyễn Đức Soát không rời mắt khỏi màn hình radar. Ông nhớ lại: “Trong số 5 người chuyển loại từ MiG-17 lên, Hùng bay chắc, thông minh. Trưa hôm đó, xuất kích được khoảng 3 phút thì biên đội gặp địch. Năm phút sau, Hùng báo bắn cháy một chiếc. Kiền không bắn được địch, theo lệnh thoát ly xuống dưới mây về hạ cánh an toàn lúc 11 giờ 34 phút. Còn Hùng chưa có tin gì, lo lắng quá!”.

leftcenterrightdel

Giáo dục truyền thống về trận đánh của các phi công anh hùng ở Trung đoàn 927. Ảnh: TRỌNG HẢI

Điều lo lắng ấy đã xảy ra. Biên đội Lê Văn Kiền-Hoàng Tam Hùng gặp tốp máy bay địch quá đông. Chỉ huy cho phép biên đội giải tán. Lê Văn Kiền thoát ly nhanh theo lệnh, còn Hùng bị bao vây và cùng với chiếc máy bay của mình hy sinh trên bầu trời khu vực xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội).

“Chiều 28-12, ba tôi nghe điện gọi từ Bộ Quốc phòng báo tin anh Hùng hy sinh. Ba đau đớn vô cùng, nhưng ông giấu chưa cho mẹ và chúng tôi biết. Mẹ linh cảm ngay có điều chẳng lành. Lúc đầu mẹ nghĩ là em Tam Châu, đóng quân ở Quảng Bình... Để chuẩn bị tinh thần cho mẹ, ba nói người ta báo anh Hùng mất tích, nhưng mẹ không tin và nói sao anh có thể mất tích ở Hà Nội được. Tin anh mất làm cả nhà đau đớn, bàng hoàng. Ba mẹ tôi đều già hẳn đi!”-cô Lương Hòa xúc động nhớ lại...

Còn chúng tôi, có nhiều điều chưa thể tìm hiểu hết về phi công Hoàng Tam Hùng và những đồng đội của anh đã cùng với các lực lượng quên mình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ bầu trời Tổ quốc trong chiến dịch phòng không cách đây 50 năm. Chúng tôi xin được mượn lời động viên vợ của đồng chí Hoàng Anh thay cho lời kết của bài viết này: “Xin em hãy yên lòng đón nhận nỗi đau này vì con chúng ta đã hoàn thành sứ mệnh của một người lính khi Tổ quốc cần!”. Dẫu biết sau mỗi chiến thắng không tránh khỏi những mất mát, hy sinh, nhưng mỗi người lính đều sẵn sàng đón nhận nó để hoàn thành nhiệm vụ vinh quang mà đất nước và nhân dân giao phó.

SONG THANH (Bài viết có tham khảo tài liệu trong cuốn “Lịch sử Sư đoàn 371”, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, H.2017)