Nơi ghi dấu chiến công
Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống (27-6-1972 / 27-6-2022), Lữ đoàn Phòng không 297 tổ chức đoàn công tác về thăm, dâng hoa tưởng niệm tại Di tích trận địa Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 256, nơi Đại đội 5 trong hai ngày 24 và 26-12-1972 đã bắn rơi 2 chiếc máy bay B-52 của Mỹ bằng pháo cao xạ 100mm, góp phần vào Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”.
Đại tá Ngô Đức Cường, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Phòng không 297 giới thiệu: Năm 2016, thể theo nguyện vọng của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn, được sự đồng ý của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 2 và sự ủng hộ, giúp đỡ của đảng bộ, chính quyền địa phương, Lữ đoàn phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng, tôn tạo di tích lịch sử-văn hóa cấp tỉnh: Trận địa Đại đội 5 pháo 100mm tại phường Quang Vinh, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Khuôn viên di tích rộng gần 600m2, có bia ghi dấu chiến công bắn rơi máy bay B-52 của Đại đội 5 và các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 256 (Lữ đoàn Phòng không 297 ngày nay). Xây dựng, tôn tạo di tích lịch sử-văn hóa trận địa Đại đội 5 có ý nghĩa sâu sắc, không chỉ tôn vinh thành tích, chiến công vẻ vang của các thế hệ đi trước mà còn là nơi giáo dục truyền thống, khơi nguồn tự hào cho thế hệ trẻ, xây dựng niềm tin, ý chí quyết tâm dám đánh, quyết đánh và đánh thắng kẻ thù bằng vũ khí, trang bị kỹ thuật có trong biên chế.
Đại úy, cựu chiến binh Nguyễn Công Tuấn, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 5 pháo 100mm, người trực tiếp chỉ huy Đại đội bắn rơi 2 máy bay B-52, nhiều lần đến thăm di tích và hồi tưởng về những năm tháng chiến đấu ác liệt dưới làn bom đạn của kẻ thù. Ông sinh năm 1940, nay đã gần 83 tuổi, sức khỏe yếu hơn nhưng trí nhớ còn minh mẫn. Cựu chiến binh Nguyễn Công Tuấn kể: “Tháng 6-1972, tôi đang công tác ở Đại đội 3, Trung đoàn 225, Sư đoàn 361 (Quân chủng Phòng không-Không quân) thì được điều động về Quân khu Việt Bắc, làm Trợ lý tác huấn của Ban Tham mưu Trung đoàn 256. Nhiệm vụ của Trung đoàn là bảo vệ TP Thái Nguyên và các khu công nghiệp, công trình giao thông trên địa bàn. Sau một thời gian ổn định tổ chức, biên chế, đến tháng 8-1972, Trung đoàn 256 có 5 tiểu đoàn pháo cao xạ 37mm, 57mm và 100mm. Là cán bộ có kinh nghiệm huấn luyện và chiến đấu tích lũy từ khi ở Sư đoàn 361, tôi cùng tập thể cơ quan tham mưu với trên, tổ chức triển khai và theo dõi huấn luyện của các đơn vị. Chỉ trong thời gian ngắn, ngày 28-8-1972, Trung đoàn bước vào trận chiến đấu đầu tiên và lập công xuất sắc, bắn rơi tại chỗ 1 máy bay F-4C của không quân Mỹ. Sau đó, các đơn vị của Trung đoàn liên tiếp bước vào chiến đấu, tổ chức đánh hàng chục trận, đến tháng 11-1972 đã bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, trong đó có 3 chiếc rơi tại chỗ.
|
|
Đoàn công tác Bộ tư lệnh Quân khu 2 kiểm tra vũ khí trang bị của Lữ đoàn Phòng không 297. Ảnh: XUÂN PHÚ
|
Đầu tháng 12-1972, Bộ tư lệnh Quân khu Việt Bắc giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 256 tổ chức huấn luyện đánh máy bay B-52 bằng pháo 100mm. Tôi được chỉ huy Trung đoàn điều động về làm Phó đại đội trưởng, Phụ trách Đại đội trưởng Đại đội 5 pháo 100mm thuộc Tiểu đoàn 2 (bấy giờ tôi mang quân hàm Chuẩn úy nên chưa được bổ nhiệm Đại đội trưởng). Được sự giúp đỡ của các cơ quan quân khu và Quân chủng Phòng không-Không quân, chúng tôi tổ chức huấn luyện thao tác pháo 100mm thuần thục, hiệu chỉnh khí tài bảo đảm các thông số kỹ thuật, sẵn sàng chiến đấu được ngay. Để phát hiện máy bay B-52 từ xa, Trung đoàn thành lập thêm các trạm quan sát ở Đèo Khế (giáp ranh giữa huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên và huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang), một trạm ở Núi Pháo (huyện Đại Từ), độ cao hơn 400m. Giữa tháng 12-1972, chúng tôi nhận lệnh từ trung đoàn sẵn sàng chiến đấu với máy bay B-52 của Mỹ.
Tối 18-12-1972, không quân Mỹ dùng B-52 đánh vào Hà Nội, các đơn vị pháo 100mm chúng tôi, gồm các đại đội: 3, 5, 9 bình tĩnh lên mâm pháo sẵn sàng chiến đấu. Ngày 19-12, khi nhận được tin tên lửa ta bắn rơi máy bay B-52 và bắt sống phi công Mỹ, chúng tôi rất phấn khởi, khí thế quyết tâm lập công bắn rơi máy bay B-52 rất cao. Những ngày sau đó, máy bay B-52 và máy bay chiến thuật của Mỹ liên tục đánh phá các mục tiêu ở Thái Nguyên và trận địa phòng không của Trung đoàn 256. Khoảng 20 giờ ngày 24-12-1972, chỉ huy Trung đoàn lệnh cho các đại đội pháo 100mm vào chiến đấu, tập trung hỏa lực bắn vào đội hình máy bay B-52. Lúc này, các trận địa pháo của ta và nhiều mục tiêu ở thành phố bị máy bay chiến thuật và B-52 ném bom đánh phá. Tôi bình tĩnh chỉ huy đại đội bắn dựng màn đạn theo phương pháp đã huấn luyện vào đội hình máy bay B-52 địch. Qua đài quan sát thấy trên bầu trời khu vực Cổ Lũng (huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) có những ánh chớp, lúc đầu như bó đuốc nhỏ, sau tung ra hàng nghìn mảnh sáng rồi mất hút trong màn đêm. Hôm sau, không quân Mỹ thừa nhận bị rơi một máy bay B-52 do đạn pháo bắn trúng tại vùng trời Thái Nguyên. Chiến công bắn rơi máy bay B-52 được xác nhận cho Đại đội 5 của tôi.
Đến đêm 26-12-1972, không quân Mỹ sử dụng số lượng lớn máy bay B-52 và máy bay chiến thuật đánh phá vào Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên. Bom B-52 rải thảm vào sát trận địa pháo của Đại đội 5. Trung đoàn và tiểu đoàn mất liên lạc với chúng tôi nên xác định đại đội đã bị xóa sổ. Tôi đi kiểm tra trận địa và thấy khả năng chiến đấu của đơn vị vẫn tốt. Không nhận được chỉ huy từ trên, tôi quan sát trận địa của Đại đội 3 và 9, thấy các điểm nổ đều hướng về phía đường bay số 1. Tôi lệnh cho toàn Đại đội bắn mục tiêu ở đường bay số 1 và bắn rơi thêm một máy bay B-52 của Mỹ. Sau hai trận đánh đêm 24 và 26-12-1972, Đại đội 5 đã bắn rơi 2 máy bay B-52 bằng pháo 100mm. Với những chiến công xuất sắc trên, Đại đội 5 được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba và tôi được thăng quân hàm Thiếu úy, bổ nhiệm chính thức làm Đại đội trưởng”...
Vận dụng kinh nghiệm chiến đấu vào huấn luyện
Sau câu chuyện kể của CCB Nguyễn Công Tuấn, Đại tá Ngô Đức Cường cho biết thêm, để nâng cao chất lượng công tác giáo dục truyền thống, Lữ đoàn luôn quan tâm và mời các cựu chiến binh của Lữ đoàn và Quân khu về nói chuyện truyền thống, kể chuyện chiến đấu cho cán bộ và chiến sĩ trẻ nghe. Cựu chiến binh Nguyễn Công Tuấn đã nhiều lần về thăm Lữ đoàn và những câu chuyện của ông đều là bài học sinh động, góp phần hun đúc niềm tự hào, xây dựng động lực, quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ hôm nay. Những năm qua, Lữ đoàn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Hằng năm, Lữ đoàn tổ chức huấn luyện, duy trì nghiêm kỷ luật, thường xuyên luyện tập, diễn tập chỉ huy cơ quan, diễn tập chiến đấu có bắn đạn thật, diễn tập vòng tổng hợp và hội thao, hội thi; tham gia các cuộc diễn tập hiệp đồng quân, binh chủng đều đạt kết quả cao, được Bộ Quốc phòng tặng Cờ đơn vị huấn luyện giỏi.
|
|
Trận địa pháo phòng không Lữ đoàn 297 thực hành bắn đạn thật trong diễn tập, tháng 3-2022. Ảnh do đơn vị cung cấp
|
“Những kinh nghiệm trong chiến đấu đã và đang được Lữ đoàn nghiên cứu và vận dụng sáng tạo vào thực tiễn nhiệm vụ. Đó là một trong những yếu tố giúp đơn vị luôn có khả năng sẵn sàng chiến đấu cao. Trước hết, Lữ đoàn tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng niềm tin và rèn luyện bản lĩnh cho bộ đội, làm cho bộ đội tin tưởng vào vũ khí trang bị có trong biên chế và nghệ thuật tác chiến phòng không. Lữ đoàn thực hiện nghiêm phương châm huấn luyện “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, thuần thục thao tác, làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật. Lữ đoàn còn tăng cường huấn luyện thực hành, huấn luyện đêm, rèn luyện sức bền, nâng cao khả năng cơ động, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống. Bên cạnh đó, Lữ đoàn chú trọng huấn luyện cơ quan, cán bộ; nâng cao trình độ tham mưu, khả năng tác chiến hiệp đồng; phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị, lực lượng phòng không trên địa bàn kiên quyết bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc, không để bị động, bất ngờ, lỡ thời cơ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”-Đại tá Ngô Đức Cường thông tin.
GIANG ĐỨC HIẾU