Tháng 4-1972, Mỹ đã dùng B-52 ném bom rải thảm xuống Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Phòng và các vùng lân cận. Đợt ném bom này không chỉ gây thiệt hại về người mà còn tàn phá cơ sở vật chất, hạ tầng của ta rất nặng nề. Trong những ngày chiến đấu căng thẳng ấy, tôi vẫn nhớ như in các đài radar của chúng ta vừa chống nhiễu để phát hiện và bám sát B-52, vừa chống tên lửa Shrike tấn công, nhưng hiệu suất chiến đấu chưa đạt được hiệu quả như yêu cầu đề ra.
Trước tình hình đó, Binh chủng Radar đã chọn Đại đội Radar 18 thuộc Trung đoàn 291 đóng quân tại trận địa hai xã Định Tăng và Định Tường, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa làm đơn vị đăng cai tổ chức hội nghị. Đây là hội nghị dân chủ được mở ra nhằm bàn bạc chuyên đề chống nhiễu, phát hiện, bám sát B-52 và chống tên lửa Shrike phục vụ cho lực lượng phòng không, không quân và nhân dân phòng tránh, đánh địch. Địa điểm được chúng tôi chọn sau khi liên hệ với địa phương là Trường cấp 1 xã Định Tăng với điều kiện thuận lợi là vừa vào đúng dịp nghỉ hè, vừa có sân trường rộng và quan trọng nhất là có công sự trú ẩn cho các đại biểu. Hơn 200 đại biểu về dự được sắp xếp nơi ăn, chốn ở dưới sự đồng lòng giúp đỡ và giữ bí mật của lãnh đạo địa phương cũng như bà con nơi đây.
Hội nghị có sự góp mặt của những chiến sĩ trắc thủ, kíp trắc thủ radar, cán bộ, chỉ huy các đại đội và sĩ quan tham mưu của một số trung đoàn radar. Hội nghị diễn ra từ ngày 6 đến 8-6-1972, dưới sự chủ trì và chỉ đạo của Bộ tư lệnh Radar, gồm các đồng chí: Thượng tá Bùi Đình Cường, Tư lệnh; Trung tá Nguyễn Tâm Trinh, Phó tư lệnh; Trung tá Nguyễn Đăng Tuất, đã thành công tốt đẹp.
Với phương châm “Tích cực tiêu diệt địch, giữ gìn và bồi dưỡng lực lượng ta”, hội nghị đưa ra những phương hướng, cách thức cụ thể, thao tác thực tế và những đề xuất táo bạo. Trước hết, chúng tôi xác định khi Mỹ dùng máy bay chiến lược B-52, mỗi máy bay mang theo 30 tấn bom, đủ sức để công phá phạm vi rộng nên chúng tập trung gây nhiễu mạnh, cường độ 3, đồng nghĩa với việc không quân Mỹ phải dùng nhiều loại máy bay khác phối hợp, bảo vệ. Hội nghị cũng đã nghe, góp ý những phương pháp chống nhiễu, phát hiện, bám sát B-52 và chống tên lửa Shrike của cán bộ, chiến sĩ trực tiếp chiến đấu, nhất là các trắc thủ radar, đơn vị tuyến đầu ở Khu 4, Đông Bắc, Tây Bắc-những người đã chống B-52 rất tốt trong tháng 4-1972. Trên cơ sở đó, hội nghị thống nhất các biện pháp chống nhiễu, phát hiện, bám sát B-52, chống tên lửa Shrike theo kiểu “bịt mắt bắt dê” (tắt, mở radar theo khoảng thời gian phù hợp) và chiến thuật lừa địch, đánh địch. Bên cạnh đó, hội nghị còn đưa ra một yếu tố quan trọng, đó là dự đoán đường đi của B-52 để kịp thời phòng tránh. Các chỉ huy tham mưu đều nhất trí rằng, Mỹ sẽ ném bom vào những khu vực trọng yếu về kinh tế, quân sự như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An và các trục giao thông cầu đường khác. Với khoảng 50 phút đến 2 giờ bay, B-52 sẽ vào đến các khu vực trọng yếu, thả bom gia tốc trọng trường và khiến cho các tỉnh, thành phố bị phá hủy.
Nhận thức được tầm quan trọng của lần chiến đấu này, sau khi nghe các ý kiến dân chủ và sáng tạo của chiến sĩ cũng như cán bộ, chỉ huy, hội nghị quyết định: Thay đổi quy trình thao tác nhằm phát hiện, bám sát B-52, chống tên lửa Shrike nhằm bảo toàn lực lượng theo đúng phương châm đã đề ra. Đồng thời nhận định đường bay để có những phương án chiến thuật cơ động linh hoạt, chủ động bất ngờ đánh địch.
Từ việc vận dụng sáng tạo kết luận hội nghị vào thực tiễn chiến đấu, chiến dịch phòng không chống B-52 trong 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972 với sự nỗ lực của các đài radar, đại đội radar đã đem đến hiệu quả xuất sắc và chiến thắng vang dội. Chúng ta đã bắn rơi 34 máy bay B-52 và nhiều máy bay phản lực khác; tiêu diệt, bắt sống hàng trăm giặc lái Mỹ, giáng một đòn chí mạng vào không lực Mỹ.
TRẦN VĂN DỤY
Nguyên Đại đội trưởng Đại đội 18, Trung đoàn 291 (Binh chủng Radar)