Đồng chí Tôn Đức Thắng (Hai Thắng) sinh ngày 20-8-1888 trong một gia đình nông dân ở Cù lao Ông Hổ, tổng Định Thành, hạt Long Xuyên (nay là xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang). Thuở nhỏ, ông được cha mẹ gửi về quê ngoại ở xã Mỹ Phước (tổng Định Thành) theo học thầy Nguyễn Thượng Khách (Năm Khách). Một lần, trong khi cùng các nhà nho yêu nước bàn đại sự, thầy Năm Khách bắt gặp Tôn Đức Thắng đứng nghe say sưa. Thầy đã không trách phạt mà từ đó, sau những giờ học hoặc lúc Hai Thắng sang nhà chơi, được thầy kể cho nghe về những chí sĩ yêu nước, tuyên truyền tinh thần cách mạng, thương dân để từ đó Hai Thắng dần giác ngộ.
Học xong bậc tiểu học ở Long Xuyên, Tôn Đức Thắng rời quê hương lên Sài Gòn sinh sống với ý chí tự lập của tuổi trẻ. Ở tuổi 18, Hai Thắng làm thợ và đến ngay với giai cấp công nhân đang trong quá trình hình thành. Với tư cách người thợ, đồng chí chứng kiến sự bóc lột của bọn chủ đối với công nhân và nhận thấy sức mạnh của thợ thuyền. Vì vậy, Tôn Đức Thắng bắt đầu có những hoạt động yêu nước, tham gia vận động học sinh lính thủy bãi khóa (năm 1909), công nhân Sở Kiến trúc cầu đường và nhà ở Sài Gòn chống bọn chủ cúp phạt, đánh đập vô lý và đòi tăng lương (năm 1910). Năm 1912, đồng chí lãnh đạo cuộc bãi công của công nhân Xưởng Ba Son và vận động học sinh Trường Bá Nghệ Sài Gòn bãi khóa. Sau sự kiện này, để tránh bị thực dân Pháp truy bắt, Hai Thắng đã phải cải trang, trốn trên chiếc tàu của công ty tàu buôn để ra nước ngoài.
Đến nước Pháp, Hai Thắng vào làm thợ máy ở Xưởng Arsenal de Toulon, được sống và làm việc cùng những công nhân Pháp. Ở đây, đồng chí đã tham gia vận động thủy thủ đấu tranh chống phân biệt đối xử vô lý giữa các thủy thủ khác màu da, giữa sĩ quan và binh lính. Đồng thời liên lạc với các tổ chức công đoàn để hoạt động trong phong trào công nhân Pháp. Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ, nhiều người bị động viên phục vụ quân đội. Ngày 9-10-1916, đồng chí nhận lệnh đến phục vụ tại chiến hạm France và là người Việt Nam duy nhất trên chiến hạm đó.
Ngày 16-4-1919, Chính phủ Pháp điều động một hạm đội gồm 5 chiến hạm, trong đó có chiến hạm France, tiến vào Biển Đen để chống lại nước Nga Xô viết non trẻ. Biết ý đồ đó, Tôn Đức Thắng đã cùng binh lính Pháp quyết định phản chiến ngày 20-4-1919. Ông được giao nhiệm vụ kéo cờ đỏ lên cột cờ chiến hạm. Kể lại sự kiện này trong bài đăng trên Báo “Người thủy thủ Xô viết” số 24 (năm 1957), ông viết: “Đêm hôm đó, một vài đồng chí hô hào thủy thủ họp để thanh toán bọn chỉ huy. Họ đã bảo tôi hãy kéo cờ đỏ lên để cho người Nga biết rằng chúng ta là bạn không phải là thù. Tôi vui vẻ nhận lời... Tôi mơ ước cùng với lá cờ đỏ này, tuần dương hạm sẽ cập bến Nga, tôi sẽ lên bờ và được dịp tham gia cuộc cách mạng và học tập các bạn Nga để trở về Tổ quốc giúp đỡ dân tộc tôi xóa bỏ ách nô lệ”.
Sau cuộc binh biến, Tôn Đức Thắng buộc phải rời nước Pháp. Về Sài Gòn, ông vào làm công nhân cho hãng Kroff, tham gia vận động công nhân đòi giải quyết đời sống, tích cực đấu tranh cách mạng và thành lập tổ chức Công hội. Đến năm 1925, Công hội do đồng chí xây dựng đã có tới 300 hội viên. Công hội đã lãnh đạo công nhân đấu tranh giành nhiều thắng lợi, nổi bật là cuộc đấu tranh của gần 1.000 công nhân Xưởng Ba Son vào tháng 8-1925, buộc chủ phải chịu tăng lương, giảm giờ làm...
    |
 |
Chủ tịch Tôn Đức Thắng cùng các chiến sĩ bảo vệ, các cháu học sinh tại số nhà 34 Trần Phú, Hà Nội. Ảnh tư liệu |
Từ khi liên hệ được với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, đồng chí Tôn Đức Thắng đã hướng các tổ chức công hội của mình thành cơ sở để phát triển Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Sài Gòn và Nam Bộ. Qua đó, đồng chí trở thành một trong lớp đầu tiên đưa Chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào công nhân Việt Nam và là người tham gia tích cực trong việc vận động thành lập Đảng.
Những hoạt động của đồng chí Tôn Đức Thắng đã khiến bọn mật thám Pháp để ý lùng sục. Đến cuối năm 1929, đồng chí bị chính quyền thực dân bắt rồi kết án 20 năm tù khổ sai, đày đi Côn Đảo. Ở “địa ngục trần gian”, Tôn Đức Thắng-người tù mang số hiệu 5289.TF với ghi chú “phần tử nguy hiểm” trong hồ sơ, luôn nêu gương đạo đức cách mạng trong sáng, đấu tranh kiên cường, bất khuất với kẻ thù và nhanh chóng cảm hóa được các loại tù nhân ở nhà tù. Trong hồi ký, đồng chí Nguyễn Văn Hoan-người cùng bị giam với đồng chí Tôn Đức Thắng ở banh 1, Nhà tù Côn Đảo viết: “Đối với bọn ác ôn, Bác Tôn không phải là người xa lạ, chúng đã tập trung hỏa lực tấn công Bác. Đầu Bác bị vỡ, khắp người là những vết hằn thâm tím, rớm máu. Quần áo bị rách tả tơi và đẫm máu, nhưng Bác vẫn thản nhiên, hiên ngang như người thủy thủ năm xưa trên Hắc Hải khi gặp cuồng phong”.
Nhờ hoạt động bí mật và khôn khéo, đồng chí Tôn Đức Thắng đã vận động thành lập được chi bộ đặc biệt của Đảng trong tù và tổ chức đường dây liên lạc với đất liền, gửi cũng như tiếp nhận tài liệu, báo chí, sách lý luận về Chủ nghĩa Mác-Lênin, biến Nhà tù Côn Đảo thành trường học cách mạng. Sinh thời, đồng chí Nguyễn Duy Trinh (1910-1985), nguyên Phó thủ tướng Chính phủ, kể: “Được gần gũi anh Thắng ở Khám Lớn (Sài Gòn) cũng như sau này ở hầm xay lúa Côn Đảo, tôi cũng như mọi anh em bao giờ cũng quý yêu anh ở đức khiêm tốn rất cao, tấm lòng ngay thẳng, độ lượng, ý thức tập thể vững chắc. Tôi mến phục tinh thần bình đẳng, dân chủ thực sự, tính thật thà cầu chân lý của người đồng chí lớn tuổi”.
Ngày 15-8-1945, phát xít Nhật đầu hàng Liên Xô và các nước đồng minh vô điều kiện. Chớp thời cơ Đảng ta lãnh đạo nhân dân cả nước tiến hành tổng khởi nghĩa. Ở Côn Đảo, thực hiện chủ trương đoàn kết, các lực lượng tù chính trị trên đảo giành chính quyền bằng phương pháp hòa bình. Đảng ủy Côn Đảo cử đoàn đại biểu do đồng chí Tôn Đức Thắng dẫn đầu đến gặp Quản đốc nhà tù Lê Văn Trà. Dù có những phản ứng nhưng cuối cùng hắn cũng phải nộp súng cho những người cộng sản. Vì vậy, trước khi tàu của Ủy ban Hành chính-Kháng chiến Nam Bộ ra đón anh em tù ở Côn Đảo, ông và các tù chính trị đã nổi dậy giành quyền làm chủ trên toàn đảo.
Về đến đất liền, đồng chí Tôn Đức Thắng tham gia ngay vào cuộc kháng chiến của nhân dân Nam Bộ, được bầu vào Xứ ủy Nam Kỳ, phụ trách Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ kiêm chỉ huy các LLVT Nam Bộ. Từ mùa xuân năm 1946, đồng chí được điều động ra Chiến khu Việt Bắc, hoạt động cách mạng bên cạnh Bác Hồ và Trung ương. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng năm 1951, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương. Tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa II (tháng 7-1960), đồng chí được bầu là Phó chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, đồng chí được bầu giữ chức Chủ tịch nước trong 11 năm, tiếp tục cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta chiến đấu chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đồng chí Lê Hữu Lập, Thư ký của Chủ tịch Tôn Đức Thắng từ năm 1969, kể: “Tôi đến phục vụ Bác Tôn khi tuổi Bác đã cao. Là người đứng đầu Nhà nước song vẫn thấy ở Bác phong cách của người công nhân số 1: Khiêm tốn, giản dị, ghét xa hoa hình thức, giàu lòng nhân hậu. Trong việc công, việc riêng, cách giải quyết của Bác Tôn luôn hài hòa. Bác Tôn luôn đặt ra yêu cầu khi đến thăm địa phương phải thật thiết thực và không gây phiền hà, tốn kém cho cơ sở. Tôi nhớ, một lần đi thăm Quảng Ninh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy biết Bác Tôn hay uống chè đã biếu Bác 2kg chè đặc sản. Vì cả nể, tôi nhận và mang lên báo cáo với Bác. Bác Tôn chuyển lời cảm ơn và yêu cầu gửi trả lại ngay”.
Sau Ngày giải phóng miền Nam, Bác Tôn đã có chuyến công tác dài ngày thăm đồng bào miền Nam, thực hiện Di chúc của Bác Hồ. Bác Tôn đã đi các tỉnh. Những khu vực không đến được thì Bác triệu tập đại biểu đến một địa điểm trung tâm như gặp đại biểu Tây Nguyên ở Nha Trang, các tỉnh miền Đông Nam Bộ ở Vũng Tàu, các tỉnh miền Tây ở Cần Thơ... “Cho đến trước khi từ trần năm 1980, Bác Tôn vào Nam 5 lần, cũng vẫn là những việc cần thiết, không phiền phức, lãng phí tiền của, công sức của dân. Vào TP Hồ Chí Minh, Bác thích “vi hành” ra ngoại thành. Trên xe, chúng tôi mang mũ áo bộ đội. Bác thường dừng lại ngắm nhìn đồng ruộng xem nông dân thu gặt mùa màng, vào nhà nông dân ven đường, đi thăm vườn cây đầy hoa trái. Chủ nhà nhận ra Bác rất sung sướng hái quả tươi trong vườn, chủ-khách, bác-cháu không phân biệt ngồi ăn trái cây chuyện trò vui vẻ ngay dưới bóng cây mát mẻ”, đồng chí Lê Hữu Lập cho biết.
Chủ tịch Tôn Đức Thắng giản dị, gần gũi và khiêm nhường là thế. Tại buổi Lễ đón nhận Huân chương Sao Vàng, tháng 8-1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu: “Huân chương Sao Vàng là huân chương cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa mà đồng chí Tôn Đức Thắng là người đầu tiên và người rất xứng đáng được tặng huân chương ấy”. Đáp từ, Bác Tôn bày tỏ: “Huân chương này là một sự chiếu cố đặc biệt đối với tôi. Sự chiếu cố đó, trong đời tôi chưa bao giờ tôi dám nghĩ tới. Trong dịp 70 tuổi này, sự chiếu cố đó làm cho tôi cảm thấy trẻ lại, trái tim tôi như có thêm máu nóng. Huân chương này mãi mãi nhắc nhở tôi, lời Hồ Chủ tịch nói hôm nay sẽ mãi khuyến khích tôi trung thành đến phút cuối cùng trong cuộc đấu tranh cho hòa bình và thống nhất của đất nước thân yêu, cho chủ nghĩa xã hội, cho hạnh phúc yên vui của toàn thể nhân loại”.