Huỳnh Thúc Kháng tên thật là Huỳnh Hanh, biệt hiệu là Minh Viên, sinh năm 1876, quê ở làng Thạnh Bình, tổng Tiên Giang Thượng (nay là thôn 1, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam). Xuất thân trong một gia đình Nho học ở xứ Quảng-vùng đất giàu truyền thống yêu nước và hiếu học; lại là người thông minh, chịu khó và có chí nên Huỳnh Thúc Kháng sớm đỗ đạt. Năm 1904, ông đỗ đầu kỳ thi Hội (Hội nguyên) và giành học vị tiến sĩ ở Huế. Ông sớm trở thành người nổi tiếng và được mọi người tôn là một trong “tứ hổ” của xứ Quảng lúc bấy giờ.

Mặc dù sớm đỗ đạt cao và nổi tiếng như vậy, nhưng Huỳnh Thúc Kháng vì thấy được những hạn chế và mục ruỗng của triều đình phong kiến nên không ra làm quan cho triều Nguyễn mà kết bạn tâm giao với những người đỗ đạt cao cùng chí hướng như: Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp để mong tìm đường cứu nước. Mặc dù vậy, Huỳnh Thúc Kháng không tán thành đường lối cứu nước của hai cụ Phan mà chọn một giải pháp “dung hòa”, cổ động cho phong trào tân học, đả phá lệ khoa cử phong kiến, kêu gọi các thân hào, thương gia ở miền Trung lập các hội thương, hội công, hội nông... nhằm góp phần canh tân đất nước.

Phong trào do Huỳnh Thúc Kháng đề xướng và phát động đã nhanh chóng lan rộng, gắn với phong trào chống sưu thuế và các cuộc bạo động của nông dân. Chính vì vậy mà ông bị thực dân Pháp bắt và khép tội “thông đồng với người bội quốc (ám chỉ Phan Bội Châu) xướng thuyết dân quyền cùng các cuộc khai thương lập học, kết án xử tử” và bị lưu đày ra Côn Đảo.

Năm 1921, Huỳnh Thúc Kháng được ra tù. Biết đây là một nhân sĩ tài năng, có uy tín và tầm ảnh hưởng sâu rộng, chính quyền thực dân dùng chính sách “ve vãn thuộc địa” mời Huỳnh Thúc Kháng ra cộng tác với chúng, song ông kiên quyết từ chối. Khi viên Khâm sứ Trung Kỳ đến trao thư mời, Huỳnh Thúc Kháng đã khảng khái nói: “Tôi chỉ có một cái tội là đậu tiến sĩ mà không đi làm quan cho nên mới bị tù. Trước đã thế huống chi bây giờ, xin ngài miễn nói đến việc ấy”.

Năm 1925, thực dân Pháp cải tổ “Hội đồng tư phỏng” thành “Viện nhân dân đại biểu”. Mặc dù biết đây cũng chỉ là cơ quan “bù nhìn” khoác áo dân chủ, song phần do nhiều nhân sĩ gợi ý, phần muốn sử dụng diễn đàn này để đấu tranh hợp pháp nhằm bảo vệ quyền lợi dân tộc nên Huỳnh Thúc Kháng đã ra ứng cử và được bầu làm Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau đó, do thất vọng bởi những ý kiến và đề nghị của mình đều không được chính quyền thực dân chấp thuận nên Huỳnh Thúc Kháng đâm đơn xin từ chức, thừa nhận sự bế tắc của con đường đấu tranh hợp pháp ở nghị trường và trở về với nghề làm báo.

leftcenterrightdel

Cụ Huỳnh Thúc Kháng (hàng đầu, thứ nhất, từ phải sang) trong Chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ảnh tư liệu

Ngày 15-8-1927, Báo Tiếng dân-tờ báo tiếng Việt đầu tiên của xứ Trung Kỳ-do Huỳnh Thúc Kháng làm chủ bút kiêm chủ nhiệm ra mắt độc giả số đầu tiên. Trong “Lời phi lộ” của Tiếng dân, Huỳnh Thúc Kháng nói rõ rằng nếu không có quyền nói tất cả những điều mình muốn nói, thì ít ra cũng giữ cái quyền không nói những điều người ta ép buộc nói. Một nguyên tắc làm báo thể hiện đúng tính cách Huỳnh Thúc Kháng.

Trong suốt 16 năm tồn tại của tờ Tiếng dân có sự đóng góp rất lớn của Huỳnh Thúc Kháng với vai trò chèo lái. Mặc dù vậy, với Tiếng dân, Huỳnh Thúc Kháng vẫn chưa thể thoát ra khỏi tư tưởng cải lương tư sản nửa vời. Tuy nhiên, lòng yêu nước nhiệt thành, lòng khát khao độc lập tự do dồn nén trong tâm can của một chí sĩ; đặc biệt là tác động của phong trào yêu nước và cách mạng những năm đầu thế kỷ 20 đã giúp Huỳnh Thúc Kháng dần nhận ra tính đúng đắn và tất yếu cho con đường giải phóng dân tộc.

Năm 1940, quân Nhật xâm lược Việt Nam. Với chủ trương quy tụ những người có uy tín và tầm ảnh hưởng để thiết lập một bộ máy chính quyền tay sai bản xứ, chúng đã nhiều lần cho người tìm gặp Huỳnh Thúc Kháng dụ dỗ, mua chuộc, mời ra cộng tác nhưng đều bị ông từ chối. Tháng 3-1945, Nhật đảo chính Pháp, Bảo Đại trở thành tay sai đắc lực cho Nhật đã phái Ngự tiền văn phòng tìm về tận quê mời Huỳnh Thúc Kháng ra tham gia nội các. Tuy nhiên ông đã thẳng thừng từ chối. Kể cả khi phát xít Nhật dựng lên chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim và trao trả cái gọi là “quyền độc lập”, Huỳnh Thúc Kháng vẫn tỏ thái độ không tin và khuyên mọi người đừng ảo tưởng mà tin vào phát xít Nhật.

Cách mạng Tháng Tám thành công, nhà chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng vỡ òa trong niềm vui và giải tỏa tâm trạng chờ đợi dồn nén bấy lâu. Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc “Tuyên ngôn Độc lập”, trịnh trọng tuyên bố khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nền độc lập vừa giành được chưa bao lâu thì vận mệnh đất nước lại đứng trước thử thách “ngàn cân treo sợi tóc”.

Để đoàn kết toàn dân tộc bảo vệ nền độc lập non trẻ, Chính phủ Liên hiệp kháng chiến được thành lập. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời cụ Huỳnh Thúc Kháng ra tham gia Chính phủ. Cụ Huỳnh vui vẻ nhận lời. Ở tuổi 70, trước ngày lên đường ra Thủ đô, cụ Huỳnh đã tâm sự với mọi người: “Tôi chỉ muốn ra gặp cụ Hồ để bày tỏ một vài ý kiến. Còn việc khác thì tôi không thể nhận”. Tuy nhiên, chỉ sau cuộc gặp đầu tiên với Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Huỳnh đã bị thuyết phục hoàn toàn và nguyện đem hết sức mình phục vụ chính quyền cách mạng.

Ngày 2-3-1946, tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng giới thiệu cụ Huỳnh Thúc Kháng là “một người đạo đức danh vọng mà toàn thể quốc dân ai cũng biết” giữ trọng trách đứng đầu Bộ Nội vụ. Trên cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã đem hết tài năng và nghị lực phụng sự Tổ quốc.

Ngày 31-5-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường thăm chính thức nước Pháp theo lời mời của Chính phủ Pháp. Dự đoán đây sẽ là một chuyến xa Tổ quốc dài ngày, trong bối cảnh tình hình trong nước cực kỳ phức tạp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tin tưởng giao cho cụ Huỳnh Thúc Kháng làm quyền Chủ tịch nước trong thời gian Người đi vắng. Trước lúc chia tay, Người chỉ căn dặn cụ Huỳnh mấy câu ngắn gọn: “Dĩ nhu xử cương; dĩ bất biến ứng vạn biến”.

Trong thời gian giữ quyền Chủ tịch nước, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã dốc hết tâm trí và nghị lực của mình để điều hành bộ máy chính quyền, xử lý linh hoạt mọi vấn đề nội trị, ngoại giao, đập tan mọi mưu đồ và hành động phá hoại của các thế lực phản động và quan thầy của chúng, bảo vệ thành quả cách mạng, từng bước đưa đất nước vượt qua những thử thách cam go. Tuyên bố trước quốc dân sau khi từ Pháp trở về, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Trong lúc tôi đi vắng, nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của cụ Huỳnh-quyền Chủ tịch, sự săn sóc giúp đỡ của Quốc hội, sự ra sức gánh vác của Chính phủ, sự đồng tâm hiệp lực của quốc dân mà giải quyết được nhiều việc khó khăn, công việc kiến thiết cũng tiến bộ”.

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, cụ Huỳnh Thúc Kháng được cử thay mặt Chính phủ Trung ương đi kinh lý miền Trung nhằm truyền đạt đường lối kháng chiến cứu nước đến toàn thể đồng bào. Khi vào đến Quảng Ngãi, cụ Huỳnh không may lâm bệnh nặng. Trước khi lâm chung, cụ đã nhắn gửi những lời cuối cùng hết sức cảm động tới Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tôi nay bệnh nặng chắc không qua khỏi. 40 năm ôm ấp độc lập và dân chủ, nay nước đã được độc lập, chế độ dân chủ đã thực hiện, thế là tôi chết hả”; đồng thời cụ cũng gửi điện chào từ biệt anh em binh sĩ và anh em các đảng phái, tôn giáo.

Cụ Huỳnh Thúc Kháng trút hơi thở cuối cùng vào ngày 21-4-1947 tại Quảng Ngãi.

Sau khi được tin cụ Huỳnh qua đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ghi nhận những đóng góp của nhân sĩ Huỳnh Thúc Kháng trong Thư gửi đồng bào toàn quốc ngày 29-4-1947: “Cụ Huỳnh là một người học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao”, “giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khổ không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan”; “cả đời cụ Huỳnh không cầu danh vị, không cầu lợi lộc, không thèm làm giàu”; “chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập”.

Để tỏ lòng thương tiếc một chí sĩ suốt đời tận tâm với nước, tận hiếu với dân, cả nước đã để tang và treo cờ rủ; lễ truy điệu cụ Huỳnh Thúc Kháng cũng được cử hành ở nhiều địa phương trong cả nước.

Đại tá, PGS, TS TRẦN NGỌC LONG