Qua nghiên cứu tình hình địch đánh phá các sân bay của ta, Bộ tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân nhận thấy, sau khi cho máy bay đánh liên tục sân bay Yên Bái bằng F-111 (từ ngày 22 đến 26-12), địch cho rằng với tình trạng hư hỏng nặng của sân bay, ta có tổ chức sửa chữa cũng không thể xong nhanh được nên đã giảm tần suất đánh phá. Song trên thực tế, nhân dân địa phương và bộ đội công binh ta đã tập trung sửa gấp. Đến sáng 26-12, địch vừa dứt đánh phá, một phần sân bay Yên Bái đã được sửa chữa tạm thời, có thể sử dụng cho máy bay cất, hạ cánh được. Vì vậy, Quân chủng quyết định đưa MiG-21 từ Nội Bài chuyển sân lên trực ở sân bay Yên Bái.
Chiều 27-12, tôi-phi công lái máy bay MiG-21 thuộc đại đội bay đêm của Trung đoàn Không quân 921, Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không-Không quân được lệnh cất cánh từ Nội Bài. Được dẫn dắt, chỉ huy phối hợp của Sở chỉ huy Trung tâm, Sở chỉ huy Trung đoàn 921, Sở chỉ huy Mộc Châu và Sở chỉ huy Sơn La, tôi đã hạ cánh an toàn ở sân bay Yên Bái và vào trực sẵn sàng chiến đấu luôn. Lúc 22 giờ 20 phút, tôi được lệnh cất cánh chặn đánh máy bay địch đang tiến vào Hà Nội. Dưới sự dẫn dắt chính xác từ các sở chỉ huy, tôi phát hiện đội hình B-52 của địch. Vượt qua “hàng rào” F-4 hộ tống, khi bay ngang qua chiếc B-52 bay sau cùng trong tốp, tôi phóng liền hai quả tên lửa vào chiếc B-52 bay ở giữa rồi lao xuống dưới mây, thoát ly về sân bay Yên Bái an toàn.
    |
 |
Trung tướng, Anh hùng phi công Phạm Tuân và học sinh Trường Trung học Phổ thông Ứng Hòa 1, Hà Nội. Ảnh: TUẤN TÚ
|
Thế nhưng để có trận đánh thành công, tiêu diệt được một “pháo đài bay” B-52 hôm ấy, tôi đã trải qua một lần “hút chết” sau khi thực hiện nhiệm vụ trước đó mấy hôm. Đêm 18-12-1972, tôi cất cánh từ sân bay Nội Bài bay về hướng Đông. Hoàn thành nhiệm vụ quay trở về, tôi được thông báo sân bay bị đánh bom, đường băng không bảo đảm cho máy bay cất, hạ cánh. Toàn bộ hệ thống điện của sân bay bị mất, đèn chiếu trên đường băng dẫn cho phi công hạ cánh không có. Lúc này, máy bay đã cạn dầu, không thể tiếp tục cơ động đến sân bay dự bị. Không còn phương án nào khác, tôi đành phải dựa vào đèn máy bay và tận dụng ánh sáng không ổn định của pháo sáng trên bầu trời để hạ cánh. Khi đó theo quán tính, máy bay còn chạy đà hàng trăm mét, va vào đất đá trên đường băng hỏng cho đến khi chệch khỏi đường băng lao vào mép một hố bom mới dừng lại. Đồng đội ở dưới mặt đất lo lắng thót tim. Còn tôi sau phút căng thẳng dần lấy lại bình tĩnh, tắt máy rồi mới bật nắp buồng lái ra ngoài. Tất nhiên do tình huống bất khả kháng ấy, máy bay bị hỏng nặng. Tôi may mắn an toàn, sức khỏe vẫn tốt, hôm sau vào trực ban tác chiến được ngay.
Trung tướng PHẠM TUÂN