Những năm gần đây, khi có việc đến cơ quan cũ, tôi hay ghé vào thăm ông ở phố Tôn Thất Thiệp (Ba Đình, Hà Nội). Giờ ông già nhiều, đi lại đã chậm. Có lần tôi gợi một kỷ niệm vào năm 1994, đích thân ông gọi điện đến Báo Quân đội nhân dân, mời tôi là phóng viên vào Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng làm việc, trao đổi viết bài về sự cần thiết Quân đội phải có một công ty chuyên cung ứng vật tư thiết bị nổ. Sau khi bài báo đăng, mọi chuyện diễn ra đúng với ý định. Và dẫu đã nhiều năm trôi qua, kỷ niệm làm báo ấy tôi vẫn không quên.

Nhưng khi tôi nhắc lại chuyện này, hình như ông không còn nhớ rõ nữa. Cũng phải thôi, trong đời binh nghiệp phong phú, lâu dài của ông có bao điều quan trọng, cần nhớ hơn. Vả lại, ông sinh năm 1931, tuổi đã ngoài cửu thập rồi còn gì!

Thế mà sau lần gặp ấy không lâu, khi tôi nói với ông là “bác Nguyễn Đăng Cung hàng xóm với em, hiện ở khu tập thể Nhà máy Cơ khí Hà Nội, biết em lên thăm bác có gửi lời hỏi thăm, chúc sức khỏe bác đấy”, đôi mắt ông chợt sáng lên, nói ngay: “Cung cùng Đội nhiễu với mình đầu năm 1967...”. Chuyện thành lập Đội nhiễu của Quân chủng Phòng không-Không quân, chuyện phá nhiễu của máy bay B-52 thì ông không quên!

Từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, công nghệ radar được ứng dụng rộng rãi trong quân sự nhằm giúp lực lượng phòng không phát hiện, cảnh báo và đánh trả các cuộc tập kích đường không một cách hiệu quả. Radar rà quét xa hàng chục, hàng trăm ki-lô-mét, báo sớm các cuộc tấn công và chỉ rõ mục tiêu để hỏa lực phòng không tiêu diệt. Và radar được ví là “mắt thần”, là trang bị không thể thiếu ở thời hiện đại. Cũng từ đây, trong chiến lược phòng không của mỗi nước phải “làm mù” được “mắt thần” của đối phương. Một trong những biện pháp đó là gây nhiễu sóng radar. Trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam, đế quốc Mỹ rất coi trọng thủ đoạn gây nhiễu radar của ta. Đặc biệt, từ năm 1965, khi lực lượng phòng không Việt Nam được trang bị tên lửa SAM-2, địch thực hiện các thủ đoạn gây nhiễu một cách quyết liệt, tinh vi hơn.

leftcenterrightdel
 Đội trưởng Phan Thu (ngoài cùng, bên phải) và một số thành viên Đội nhiễu tại Quảng Bình (năm 1967-1968). Ảnh do nhân vật cung cấp

Tất cả các loại radar của ta đều bị gây nhiễu bằng máy gây nhiễu tích cực và máy gây nhiễu tiêu cực lắp trên các máy bay chiến thuật, máy bay ném bom chiến lược của không quân Mỹ. Khi bị gây nhiễu, màn hiện sóng radar sẽ bị trắng, không thể xác định được mục tiêu. Trước tình hình đó đòi hỏi Quân chủng Phòng không-Không quân phải thành lập đơn vị trinh sát nhiễu làm nhiệm vụ tìm hiểu tính năng kỹ thuật và thủ đoạn gây nhiễu của địch. Từ năm 1967, Liên Xô đưa sang ta một số thiết bị trinh sát điện tử và một đoàn chuyên gia thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến tranh điện tử làm nhiệm vụ tìm hiểu phương tiện tác chiến điện tử của Mỹ. Ngày 10-1-1967, Bộ tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân ký quyết định thành lập Đội nhiễu (còn gọi là Đội Trinh sát nhiễu), thuộc Bộ Tham mưu Quân chủng.

Nhắc đến Đội nhiễu là chạm đến ký ức không thể nào quên của vị tướng già, đồng thời là một nhà khoa học kỳ cựu của Việt Nam về radar (Trung tướng Phan Thu là kỹ sư vô tuyến điện, có học hàm Phó giáo sư). Vì vậy, ông vui vẻ chia sẻ về những ngày đáng nhớ đó với một trí nhớ mẫn tiệp đến không ngờ. Ông kể: “Tháng 5-1950, tôi nhập ngũ, được cử đi học lục quân khóa 6. Tôi có duyên nợ với bộ đội phòng không từ ngày hòa bình lập lại trên miền Bắc. Tôi được học pháo cao xạ trung cao 88mm (khí tài do Liên Xô viện trợ), sau chuyển sang làm trợ lý radar Sư đoàn Phòng không 367. Trong giai đoạn này, ngoài công tác huấn luyện cho bộ đội sẵn sàng chiến đấu, tôi đã có những đề tài nghiên cứu cải tiến radar SON-9A bắt mục tiêu bay thấp...

leftcenterrightdel
 Trung tướng Phan Thu

Năm 1967, khi Quân chủng Phòng không-Không quân có quyết định thành lập Đội nhiễu, tôi được chỉ định làm Đội trưởng. Đội nhiễu ban đầu có 34 anh em, đa số là trắc thủ giỏi ở các đơn vị phòng không về, trong đó có anh Cung. Trang bị của đội tôi có nhiều loại, như: Máy thu sóng mét, đề-xi-mét và xen-ti-mét; máy thu tín hiệu radar; máy phân tích phổ, máy ghi âm, quay phim, chụp ảnh... Giai đoạn 1967-1968, để đối phó với đạn tên lửa ta, máy bay Mỹ sử dụng thiết bị gây nhiễu ALQ-71 mở rộng tần số gây nhiễu sóng 10cm trùm qua rãnh đạn tên lửa, làm cho đạn tên lửa mất điều khiển theo 3 trường hợp: Đạn được phóng lên nhưng rơi tại chỗ; đạn không có điều khiển bay vọt lên cao tự nổ; đạn không thể rời bệ phóng vì không bắt được tín hiệu điều khiển. Một yêu cầu cấp thiết lúc đó được đặt ra là cần phải nghiên cứu tỉ mỉ đặc điểm từng loại nhiễu để đề xuất các phương án cải tiến kỹ thuật, chống được nhiễu của địch. Đội khẩn trương vào cuộc ngay.

Thật may, tháng 5-1967, bộ đội phòng không ta đã bắn rơi 1 chiếc F-4C và chúng tôi thu được 1 máy gây nhiễu ALQ-71 khá nguyên vẹn. Đây là một chiến lợi phẩm rất quý, có thể giải đáp được nhiều vấn đề về chống nhiễu đối với các loại máy bay chiến thuật của địch. Chúng tôi đã mổ xẻ ALQ-71 để nghiên cứu, phân tích tỉ mỉ. Chúng tôi đo được dải tần số phát ổn định của nó rất rộng, có thể trùm hết cả rãnh mục tiêu và rãnh đạn của đài điều khiển tên lửa của ta. Những thông tin quý giá do Đội nhiễu tìm ra được chuyển lên Bộ tư lệnh Quân chủng và đoàn chuyên gia bạn. Từ đây, bạn đã có bước cải tiến bộ điều khiển tên lửa một cách thích hợp, vừa điều chỉnh lệch tần số vừa nâng công suất đèn phát tín hiệu trả lời của đạn về đài điều khiển. Nhờ vậy, tín hiệu trả lời của đạn vượt hơn hẳn tín hiệu nhiễu khiến máy gây nhiễu của địch không thể rượt đuổi theo được do bị hạn chế về công suất phát. Từ đó, tất cả quả đạn tên lửa của ta đều được thay máy phát tín hiệu trả lời có công suất lớn hơn trước và hiện tượng bị nhiễu rãnh đạn từ đây được khắc phục một cách triệt để.

Có thể nói, việc cải tiến chống nhiễu rãnh đạn cho tên lửa SAM-2 là một trong những bước cải tiến quan trọng. Việc khắc chế hoàn toàn nhiễu rãnh đạn giúp SAM-2 tiếp tục phát huy hiệu quả bắn rơi nhiều máy bay tiêm kích và cường kích của địch, trong đó có cả việc tiêu diệt “pháo đài bay” B-52 trong Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972 sau này...”.

Trung tướng Phan Thu vui vẻ nói chuyện với tôi dễ đến hàng giờ, dường như không biết mệt. Đó thực sự là một ký ức không thể phai mờ trong tâm trí vị tướng già khả kính. Song có một điều cụ “quên” không nhắc lại, đó là nhờ chiến công đặc biệt xuất sắc kể trên mà ngày 25-8-1970, Trung tướng Phan Thu, khi đó là Phó trưởng phòng Quân báo kiêm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Trinh sát nhiễu, Bộ Tham mưu Quân chủng Phòng không-Không quân, được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

PHẠM QUANG ĐẨU