Ngày ấy, trên cương vị Trưởng phòng Tham mưu-Tác chiến của Mặt trận B3-Tây Nguyên, ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ do Bộ tư lệnh chiến dịch giao là xây dựng kế hoạch nghi binh chiến lược, làm kẻ địch lạc hướng chiến dịch. Bị rơi vào “ma trận” thật giả lẫn lộn, tướng ngụy Phạm Văn Phú-Tư lệnh Quân đoàn 2 kiêm Tư lệnh Quân khu 2 liên tục đưa ra các quyết định sai lầm, tạo điều kiện thuận lợi cho ta thực hiện thành công các phương án tác chiến đã được vạch ra.

“Giữa lúc địch đang lưỡng lự, để củng cố niềm tin của chúng, Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên Hoàng Minh Thảo lệnh cho phát một bức điện giả có nội dung: “Địch đã bị lừa, cho rằng ta sẽ đánh Buôn Ma Thuột, nên đã đưa Trung đoàn 45 xuống phía Nam”. Và đúng như mong muốn của ta, Phạm Văn Phú đã ăn cú lừa to. Hắn lệnh cho Trung đoàn 45-đơn vị mạnh của Sư đoàn 23 ngụy-bỏ Buôn Ma Thuột lên Pleiku, để sơ hở hướng Nam Tây Nguyên và Buôn Ma Thuột. Đòn nghi binh ở Pleiku chính là yếu tố then chốt giúp ta giành thắng lợi”-Trung tướng Khuất Duy Tiến kể.

leftcenterrightdel
Bộ đội tiến công giải phóng Buôn Ma Thuột, tháng 3-1975.

16 giờ ngày 9-3-1975, từ những vị trí tập kết cách thị xã Buôn Ma Thuột khoảng 20km, quân ta đã hình thành 5 mũi tiến công cùng tiến về thị xã. Trên tất cả các hướng, bộ đội chiến đấu ngoan cường, đánh thọc sâu, nhanh chóng làm chủ phần lớn các mục tiêu quan trọng. Qua nhiều ngày chiến đấu, tương quan lực lượng trên chiến trường về mặt chiến lược lúc này nghiêng hẳn về phía cách mạng. 11 giờ ngày 11-3-1975, lá cờ giải phóng được cắm lên Sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy ở thị xã Buôn Ma Thuột.

Thất bại này khiến quân ngụy suy yếu nghiêm trọng, đột biến và đang tan rã. Ngày 21-3, tại Sở chỉ huy tiền phương Bộ Tổng Tư lệnh, Đại tướng Văn Tiến Dũng truyền đạt nhiệm vụ của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh lệnh cho Bộ tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên tiếp tục phát triển chiến đấu trên trục đường 19, 7, 21, giải phóng Phú Yên, Khánh Hòa, phối hợp với Sư đoàn 3 (Quân khu 5) giải phóng Bình Định. Mục tiêu chủ yếu là diệt Lữ đoàn dù số 3 ngụy ở đèo Phượng Hoàng-M’Drắk và tiến xuống giải phóng Nha Trang, Cam Ranh.

Nguyên Trưởng phòng Tham mưu-Tác chiến Mặt trận B3 nhớ lại: “Tại Sở chỉ huy tiền phương, anh Vũ Lăng trực tiếp duyệt kế hoạch tác chiến và chỉ huy trận đánh mở đầu tiến về duyên hải. Chúng tôi thống nhất phương án tiêu diệt Lữ đoàn dù số 3 như sau: Tiêu diệt gọn từng tiểu đoàn địch, thực hiện cài thế bằng lực lượng vây ở phía Đông đèo Phượng Hoàng, kết hợp chặt chẽ đột phá chính diện với bao vây chia cắt đánh hai bên sườn. Các đơn vị phát huy sức mạnh tổng hợp hiệp đồng binh chủng, giành cho được thế chủ động, bất ngờ. Quyết tâm của chúng tôi là cố gắng đánh nhanh diệt gọn lữ đoàn này, đồng thời hạn chế tối đa thương vong để có lực lượng phát triển ngay xuống đồng bằng”.

Sáng 29-3, trận đấu ác liệt giữa pháo binh hai bên làm rung chuyển một vùng đường đèo dài hơn 40km. Những khẩu pháo mà ta vừa thu được của địch ở Buôn Ma Thuột và những xe đạn pháo từ kho Mai Hắc Đế được chuyển đến đã giáng xuống các trận địa pháo của địch. Sức chi viện hỏa lực của quân ngụy bị giảm đi một nửa. Bộ binh địch bắt đầu co cụm. Tận dụng thời cơ địch đang điều chỉnh đội hình, Bộ tư lệnh Sư đoàn 10 lệnh cho các trung đoàn bộ binh và xe tăng phối thuộc của ta đột phá vào đội hình phòng ngự của địch. Quân dù ngụy không được hỏa lực pháo binh chi viện, lại bị quân ta tiến công diệt từng đơn vị, ngày một áp sát vòng vây, chúng tìm cách co cụm chống đỡ yếu ớt. Tinh thần sĩ quan, binh lính dao động, hoảng loạn.

“Ngày 1-4, giữa lúc Sư đoàn 320 giải phóng thị xã Tuy Hòa, thì tại khu vực đèo Phượng Hoàng, các chiến sĩ Sư đoàn 10, Trung đoàn 25 và xe tăng ta mở đợt tiến công vào toàn bộ các cụm quân của Lữ đoàn dù số 3. Sau hai giờ đồng hồ chiến đấu, chúng hoàn toàn bị tiêu diệt. Phòng tuyến phía Tây Ninh Hòa bị đập tan. Bộ đội ta tràn xuống giải phóng Ninh Hòa. Đơn vị nào có xe thì hành quân xe, không có xe thì hành quân bộ. Khó có thể nói hết niềm vui sướng của cán bộ, chiến sĩ chiến đấu ở núi rừng Tây Nguyên khi hành quân đến đỉnh đèo Phượng Hoàng. Phía trước, chúng tôi đã nhìn thấy Biển Đông. Để lại phía sau là cả một vùng cao nguyên bao la vừa được giải phóng, trên vai nặng trĩu trang bị, chân phồng rộp sau nhiều ngày hành quân đuổi đánh địch, nhưng ai nấy đều hăng hái, đi nhanh như chạy”-trong niềm xúc động, tự hào, Trung tướng Khuất Duy Tiến kể.

leftcenterrightdel

Cắt Đường 19, nghi binh đánh Kon Tum. Ảnh tư liệu 

Cho đến tận bây giờ, vị tướng đã ở tuổi 90 vẫn không quên hình ảnh xe tăng, pháo binh của Mặt trận Tây Nguyên tiến vào Ninh Hòa cùng lực lượng vũ trang địa phương và nhân dân nổi dậy giành chính quyền, khắp nơi rợp bóng cờ sao. Không biết bắt đầu từ khi nào, nhân dân đã ra đứng chật hai bên đường vẫy cờ hoa, reo mừng đón Quân Giải phóng.

Trong khi đó, tại Nha Trang, được tin Lữ đoàn dù số 3 thua trận, tuyến phòng thủ đèo Phượng Hoàng-M’Drắk bị phá vỡ, Phạm Văn Phú vội vã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp, tìm cách “tử thủ” Nha Trang. Ông ta quyết định thành lập mặt trận Nha Trang và cử Phạm Quốc Thuần làm Tư lệnh, còn mình cùng một số sĩ quan tùy tùng dùng máy bay lên thẳng thị sát chiến trường... Tuy nhiên, bất chấp lệnh giới nghiêm, nhân viên hành chính ngụy quyền bỏ nhiệm sở, quân lính ngụy bỏ đội ngũ về nhà lo di tản vợ con, gia đình. Lính dù, lính biệt động thua trận ùn ùn đổ về Nha Trang cùng hơn 1.000 tên quân phạm vừa phá ngục ra tranh giành xe cộ, cướp giật của dân làm cho thành phố trở nên hỗn loạn.

Cho đến chiều tối 2-4, các ổ đề kháng cuối cùng của Quân đoàn 2 ngụy đã bị tiêu diệt. Thừa thắng, lực lượng đột kích của ta theo Đường số 1 tiến về phía Nam. Những ổ đề kháng ở hai bên đường liên tiếp đánh vào đội hình quân ta. Địch còn cho máy bay ném bom, bắn phá ác liệt chặn đường, nhưng bộ đội ta vẫn kiên cường chiến đấu. Trong dòng hồi tưởng, Trung tướng Khuất Duy Tiến nhớ tới gương chiến đấu của Tiểu đội trưởng Nguyễn Văn Mịch và Tiểu đội phó Đỗ Văn Lỳ ở Đại đội A72 của Trung đoàn 234, mỗi người bắn 1 quả đạn A72 đã bắn rơi tại chỗ 2 máy bay A-37 của địch. Vượt qua gian khổ, hy sinh, lực lượng đột kích của ta vẫn nhằm hướng quân cảng Cam Ranh xốc tới...

leftcenterrightdel

Trung tướng Anh hùng LLVTND Khuất Duy Tiến. Ảnh: TRẦN HOÀNG 

14 giờ ngày 3-4-1975, Cam Ranh-quân cảng lớn, có vị trí chiến lược quan trọng bậc nhất của Tổ quốc ta đã hoàn toàn được giải phóng. “Trận quyết chiến của Mặt trận B3 chúng tôi đã toàn thắng, cả vùng Tây Nguyên rộng lớn được giải phóng. Hơn 28 nghìn quân địch bị loại khỏi vòng chiến đấu, hơn 60 vạn nhân dân các dân tộc giành lại quyền làm chủ. Chúng tôi-những chiến sĩ Binh đoàn Tây Nguyên-đã thực hiện lời thề sắt son giải phóng nhân dân các dân tộc trên vùng đất cao nguyên khỏi ách nô lệ, thực hiện “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” như lời Bác Hồ căn dặn”-Trung tướng Khuất Duy Tiến tự hào nói.

SONG THANH