Đặng Thị Nhu sinh năm 1876 trong một gia đình nghèo ở Yên Viên (tức Vạn Vân), tổng Tiên Lát-Việt Yên (nay thuộc xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang)(2). Năm 1894, Hoàng Hoa Thám (tức Đề Thám), lãnh tụ tối cao của nghĩa quân Yên Thế rút quân đến làng Vạn Vân thì gặp Đặng Thị Nhu. Nhận thấy cô Nhu là người tâm đầu ý hợp, cha cô lại là cha nuôi của Thống Luận, một cộng sự của Đề Thám, ông quyết định cưới cô làm vợ. Trở thành vợ ba của Đề Thám, với tên mới là bà Ba Cẩn, Đặng Thị Nhu luôn sát cánh bên chồng bàn định kế hoạch, tham gia nhiều trận đánh giặc, đồng thời giữ vai trò tổ chức và phụ trách đội nữ binh gồm hầu hết là vợ con các chỉ huy và nghĩa quân.
Bà Ba Cẩn là một nữ tướng có tài võ nghệ. Mỗi lần bà hóa trang thành cô thôn nữ đi gặt thuê đến gần nơi địch thám thính thường mang theo đôi đũa cả làm bằng gộc tre để làm vũ khí. Một lần, bà cùng một số nữ nghĩa quân vừa ra khỏi rừng thì gặp quân Pháp sai binh lính vây bắt. Do không ngờ cô thôn nữ ấy là nữ tướng nghĩa quân Yên Thế, binh lính địch liền trêu ghẹo. Bất ngờ, bà vung đôi đũa cả lên cùng dây xích sắt của những nữ nghĩa quân đi cùng khiến bọn địch chạy tán loạn. Chỉ đến khi Pháp đưa quân đến cứu viện, bà mới chịu rút quân về căn cứ.
Bên cạnh việc đánh giặc, bà Ba Cẩn đóng góp nhiều ý kiến sáng suốt, giúp chồng đưa ra những quyết sách phù hợp cho nghĩa quân. Điển hình là đề xuất mưu kế cho người trá hàng, bắt cóc người Pháp để đòi tiền chuộc, được Đề Thám và các thủ lĩnh nghĩa quân chấp thuận. Ngày 17-9-1894, nghĩa quân bắt được Chesnay, một chủ đồn điền Pháp, chủ nhiệm tờ báo “Tương lai Bắc Kỳ” và Logue ở Suối Ghềnh, buộc Pháp phải giảng hòa để xin chuộc Chesnay và Logue. Tranh thủ thời gian hòa hoãn, bà Ba Cẩn cùng chồng chỉ đạo quân lính xây dựng một hệ thống đồn lũy mới ở Am Động, Trại Cọ và củng cố đồn Bãi Mét. Thế nhưng, công cuộc xây dựng căn cứ của nghĩa quân đang khẩn trương thì cuối tháng 10-1895, Pháp bội ước, đưa hàng nghìn quân đến Yên Thế chiếm đình, chùa làm nơi đóng quân và yêu cầu Đề Thám đầu hàng. Tiếp đó, Pháp gửi tối hậu thư đòi Đề Thám giao toàn bộ đồn lũy ở Yên Thế và nộp vũ khí cho chúng... Trước sự hống hách của quân giặc, với tư cách là vợ, đồng thời là một thủ lĩnh của nghĩa quân, bà Ba Cẩn động viên, ủng hộ Đề Thám quyết không đầu hàng giặc và chuyển đại bộ phận nghĩa quân từ đồn Phồn Xương sang đồn Hom, tiếp tục củng cố đồn lũy, sẵn sàng đối phó với những hành động quân sự mới của địch.
Sau khi gửi tối hậu thư không nhận được hồi âm, cuối tháng 11-1895, Pháp pháo kích vào đồn Hom, rồi cho binh lính tiến công đồn. Quân Pháp bị nghĩa quân đánh chặn quyết liệt. Sau một thời gian chiến đấu, bà Ba Cẩn cùng chồng và nghĩa quân rút khỏi đồn Hom sang vùng Tam Đảo. Đầu năm 1896, nghĩa quân gặp khó khăn, nhiều tướng sĩ và quân lính ra hàng giặc hoặc bị chúng giết hại trong các trận đánh. Trước tình hình đó, Đề Thám quyết định tạm dừng đánh địch, tập trung xây dựng và bổ sung đội ngũ chỉ huy mới cho nghĩa quân.
Sang năm 1897, nghĩa quân trở lại Yên Thế tiếp tục xây dựng đồn lũy và đánh địch. Do còn nhiều khó khăn nên bà Ba Cẩn hết sức đồng tình với kế hoạch của chồng là tiếp tục củng cố và xây dựng lực lượng. Theo đó, tháng 11-1897, cuộc hòa hoãn lần thứ hai giữa nghĩa quân Yên Thế và thực dân Pháp kéo dài hơn 10 năm (1897-1908). Tranh thủ thời gian hòa hoãn, bà Ba Cẩn lại cùng chồng củng cố lực lượng và chủ trương đẩy mạnh sản xuất. Nghĩa quân tập trung khai hoang xung quanh khu vực Phồn Xương thành ruộng đất để cày cấy. Đến vụ thu hoạch, do số lượng người tham gia gặt không đủ, bà Ba Cẩn ra chợ Nhã Nam thuê thợ và trả tiền công theo thời giá, có lúc còn hậu hơn, làm cho nhân dân trong vùng tin yêu, nể phục.
Sau một thời gian dài củng cố, xây dựng lực lượng và chuẩn bị nhiều mặt, bà cùng chồng quyết định: Tiến hành khởi nghĩa ở Hà Nội, Hải Phòng và một số nơi có các cứ điểm quân sự quan trọng của địch ở Đáp Cầu, Bắc Ninh, Phả Lại, Nam Định; đồng thời phát động nhân dân nổi dậy đồng loạt ở các địa phương đó. Thế nhưng, muốn giành thắng lợi, bà Ba Cẩn chủ trương phải lôi kéo binh lính người Việt trong hàng ngũ địch về phía nghĩa quân, phải tranh thủ các sĩ phu có uy tín trong dân chúng và tập hợp được đông đảo viên chức, người làm thuê cùng nhân dân ở các thành phố, thị xã; đồng thời thành lập phường hội ở các địa phương để thu hút các lực lượng tham gia hỗ trợ nổi dậy ở thành phố, thị xã và làm hậu cứ an toàn khi nghĩa quân gặp khó khăn. Thực hiện chủ trương đó, tại Hà Nội, bà Ba Cẩn cùng Điền Ân, Hai Cán bí mật tuyên truyền, thu nạp các thành viên thành lập Đảng Nghĩa Hưng, thu hút nhiều người tham gia, trong đó có cả binh lính người Việt trong hàng ngũ địch được giác ngộ, công nhân nhà máy đèn, bồi bếp, lính thợ, viên chức, cai thợ nề và cả một số yếu nhân trong Phong trào Đông Kinh nghĩa thục. Những thành viên của Đảng Nghĩa Hưng giả làm thầy bói, thầy xem tướng, đến các đền Kiếp Bạc, Phủ Giầy, đền Gióng dưới hình thức bói toán để tuyên truyền, nhằm khơi dậy lòng yêu nước trong dân chúng để tiến hành khởi nghĩa.
Theo kế hoạch, ngày 27-6-1908, tại Hà Nội, binh lính trong thành sẽ làm nội ứng, tổ chức đầu độc binh lính Pháp và bắn pháo hiệu để nghĩa quân bên ngoài tiến công địch. Thế nhưng, do chất độc quá nhẹ, 150 tên địch bị trúng độc chỉ bị choáng váng, sau đó được giải cứu. Quân Pháp phát hiện, bắt toàn bộ binh lính làm nội ứng khi họ chưa kịp bắn pháo hiệu theo kế hoạch đề ra. Cuộc đánh chiếm thành Hà Nội của nghĩa quân không thành. Bà Ba Cẩn cùng chồng và nghĩa quân trở lại Yên Thế, tiếp tục hoạt động. Ngày 29-1-1909, lợi dụng nghĩa quân đang phân tán do phong tục ngày tết cổ truyền, Pháp tập trung quân tấn công đồn Phồn Xương. Sau một thời gian chiến đấu quyết liệt, bà Ba Cẩn cùng chồng và nghĩa quân rút khỏi Phồn Xương, trong đó bà Ba Cẩn, Cả Trọng và một số nghĩa quân chuyển đến Đồng Đảng. Ngày 11-2-1909, địch chia quân làm nhiều mũi tiến công vào Đồng Đảng. Nghĩa quân do bà và Cả Trọng chỉ huy đánh trả quyết liệt, diệt nhiều địch, buộc chúng phải rút lui.
Tháng 4-1909, bộ phận nghĩa quân do bà Ba Cẩn chỉ huy chuyển sang vùng Phúc Yên, củng cố lực lượng tiếp tục hoạt động. Tháng 6-1909, tại núi Vệ, cách Phủ Lỗ 7km, bà họp các chỉ huy và nghĩa quân, quyết định giao cho Cả Dinh chỉ huy quân đánh một số trận nghi binh để Đề Thám và một bộ phận nghĩa quân có điều kiện chuyển vào Hiệp Hòa rồi sang Phúc Yên. Do lực lượng chỉ còn hơn 50 người, bà Ba Cẩn tán thành chủ trương của chồng rút toàn bộ nghĩa quân lên căn cứ Tam Đảo. Tại đây, nghĩa quân tiếp tục đánh các trận: Làng Lầy, Vệ Linh, Lập Chi-Xuân Lai, Ninh Bắc, núi Sáng, gây cho địch một số thiệt hại. Sau trận Bách Bung (ngày 6-10-1909), diệt 32 tên địch, nghĩa quân bị suy giảm, phải phân tán lực lượng, trong đó bà Ba Cẩn cùng Đề Thám và một số nghĩa quân rút sang Đại Từ (Thái Nguyên), sau đó trở về Yên Thế. Ngày 1-12-1909, bà Ba Cẩn bị giặc bắt tại chợ Gồ (Yên Thế), đưa về giam ở Hỏa Lò (Hà Nội), sau đó bà bị đày sang đảo Guyane (Nam Mỹ). Ngày 25-11-1910, trên đường bị đưa sang đảo Guyane, bà Ba Cẩn đã nhảy xuống biển tự vẫn để bảo toàn danh dự.
Từ một người yêu nước sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn, bà Ba Cẩn đã trở thành một trong những thủ lĩnh của nghĩa quân Yên Thế. Cống hiến nổi bật của bà là “từng xông pha trận mạc, giúp chồng đắc lực trong cuộc kháng Pháp”(3). Bà Ba Cẩn là tấm gương về lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm, góp phần làm rạng ngời truyền thống anh hùng, bất khuất của phụ nữ Việt Nam. Ghi nhớ và tôn vinh chiến công của bà Ba Cẩn, năm 1995, nhân dân địa phương xây dựng đền thờ bà tại đồn Phồn Xương, thuộc thị trấn Cầu Gồ (nay là thị trấn Phồn Xương), huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang.
Đại tá, TS DƯƠNG ĐÌNH LẬP
(1) Danh nhân quân sự Việt Nam, tập 3, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2008, tr.73
(2) Danh nhân quân sự Việt Nam, tập 4, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2008, tr.71
(3) Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1999, tr.146