Đinh Công Tráng sinh ngày 14-1-1842, tại làng Nham Chàng (còn có tên làng Trinh Xá, thuộc xã Nham Kênh, tổng Cẩm Bối (nay là xã Thanh Tân, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam), là con một danh y nổi tiếng nhân từ. Là một người yêu nước nên khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, đang làm chánh tổng, Đinh Công Tráng đã rời quê tham gia trận đánh ở Cầu Giấy năm 1883. Nổi tiếng về tài thao lược, nhiều mưu cơ, từng chỉ huy nghĩa quân đánh Pháp ở Hà Nam, Nam Định, đầu năm 1886, Đinh Công Tráng được Tả dực Trần Xuân Soạn (đang chỉ đạo phong trào chống Pháp ở Thanh Hóa) mời vào cùng một số văn thân, sĩ phu yêu nước hưởng ứng Phong trào Cần Vương, lãnh đạo nhân dân kháng chiến.
Nhằm đẩy mạnh phong trào chống Pháp, giữa năm 1886, Đinh Công Tráng cùng các lãnh tụ của Phong trào Cần Vương ở Thanh Hóa họp tại Bồng Trung, huyện Vĩnh Lộc. Dựa vào địa thế hiểm yếu của Ba Đình (thuộc huyện Nga Sơn, cách tỉnh lỵ Thanh Hóa 40km về phía đông bắc), hội nghị quyết định xây dựng nơi đây thành căn cứ quân sự có khả năng bảo vệ cho các tỉnh miền Trung và làm bàn đạp tỏa ra đánh địch ở vùng đồng bằng; đồng thời giao nhiệm vụ cho Lãnh binh Đinh Công Tráng cùng Tán lý Phạm Bành, Tham tán Hoàng Bật Đạt lãnh đạo xây dựng và bảo vệ căn cứ trọng yếu này.
Đinh Công Tráng từng tham gia xây dựng căn cứ chống giặc ở vùng đất trũng Hà Nam, nay là trụ cột phụ trách việc xây dựng căn cứ Ba Đình. Căn cứ này nằm trên địa phận 3 làng: Thượng Thọ, Mậu Thịnh và Mỹ Khê liền kề nhau. Mỗi làng có một ngôi đình, đứng ở ngôi đình làng này nhìn thấy đình của hai làng kia nên gọi là “căn cứ Ba Đình”. Lập căn cứ ở Ba Đình, Đinh Công Tráng chỉ huy nghĩa quân kiểm soát trục đường giao thông chiến lược từ Ninh Bình vào Thanh Hóa, tỏa ra đánh địch ở vùng đồng bằng và có thể rút lui nhanh chóng lên thượng du khi lâm vào tình thế bất lợi.
Dựa vào địa thế Ba Đình nằm ở vùng đồng chiêm, Đinh Công Tráng trực tiếp chỉ huy và phát huy kinh nghiệm xây đắp, củng cố thành lũy, cải tạo một số vị trí trọng yếu nhằm tăng thêm thế phòng thủ. Các cổng thuộc 3 làng đều được xây dựng thành những chốt canh gác. Nối liền các chốt là một thành đất cao 3m, chân rộng 8-10m, nằm bên trong lũy tre, bao quanh 3 làng đó. Trên mặt thành, Đinh Công Tráng chỉ đạo xếp nhiều vật chắn đạn bằng rọ tre, đựng đầy bùn trộn rơm rạ xen kẽ nhau, tạo nên thành lũy độc đáo với những kẽ hở, nghĩa quân đứng trong công sự vẫn có thể quan sát ra bên ngoài. Kẻ địch ở bên ngoài không thể thấy được trong căn cứ. Ba ngôi đình của 3 làng được sử dụng làm các trung tâm chỉ huy và tập trung nghĩa quân, có các đường hào rộng đủ hai người đi ngược chiều khi cơ động chiến đấu, hoặc tiếp tế từ làng này sang làng khác. Ở những nơi xung yếu đều có công sự vững chắc. Các hầm chiến đấu được xây dựng theo hình chữ “chi”, nhằm hạn chế thương vong.
Bên ngoài chân thành giáp lũy tre, Đinh Công Tráng chỉ đạo nghĩa quân đào một hào nữa, dưới cắm nhiều cọc tre nhọn, ngập nước. Phía ngoài là lũy tre dày đặc, nguyên cành lá tươi xanh bao quanh 3 làng, ngụy trang rất kín đáo cho hệ thống công sự trong khu căn cứ. Bên ngoài lũy tre, nơi tiếp giáp khu đồng chiêm, nghĩa quân cắm một lớp chông dày đặc bao quanh 3 làng, rộng 50m, dài 3km, có thể ngăn kẻ thù ở ngoài khu đồng lầy khi chúng tiếp cận căn cứ.
Sau hơn một tháng lao động khẩn trương, Đinh Công Tráng đã chỉ đạo nghĩa quân xây dựng xong căn cứ Ba Đình. Đây là một căn cứ phòng ngự quy mô nhất trong thời kỳ Cần Vương chống Pháp. Trong căn cứ có 3 đồn lớn là đồn Thượng ở Thượng Thọ, đồn Trung ở Mậu Thịnh và đồn Hạ ở Mỹ Khê, trong đó đồn Trung-trung tâm căn cứ do Đinh Công Tráng trực tiếp chỉ huy. Với 3 đồn được bố trí liên hoàn, có hệ thống giao thông hào nối liền nhau, Đinh Công Tráng có thể chỉ huy nghĩa quân vận động nhanh đến các công sự đánh địch khi chúng tiến công vào làng.
Về danh nghĩa lãnh tụ tối cao của căn cứ Ba Đình là Tán lý Phạm Bành, nhưng trong thực tế thì chỉ huy trực tiếp và linh hồn của căn cứ là Lãnh binh Đinh Công Tráng. Ở căn cứ Ba Đình có khoảng 300 nghĩa quân, được chia thành 10 toán, mỗi toán có một hiệp quản chỉ huy. Để tăng cường lực lượng chiến đấu lâu dài, Đinh Công Tráng tuyển mộ thêm những trai tráng khỏe mạnh từ các huyện về căn cứ huấn luyện và học cách sử dụng vũ khí.
Nhằm hỗ trợ căn cứ Ba Đình, Đinh Công Tráng và các lãnh tụ nghĩa quân còn chỉ đạo xây dựng một số căn cứ và đồn tiền tiêu ở phía ngoài, trong đó căn cứ Mã Cao, cách Ba Đình 50km về phía tây, có tác dụng hỗ trợ đắc lực cho Ba Đình chiến đấu. Dựa vào căn cứ đã xây dựng xong, Đinh Công Tráng cùng các lãnh tụ nghĩa quân tổ chức tập kích bất ngờ vào một số đồn lẻ ở các huyện Hà Trung, Hậu Lộc, chặn đánh các toán quân tuần tiễu và phục kích nhiều đoàn quân vận tải, làm gián đoạn giao thông của địch, gây cho chúng nhiều tổn thất và hoang mang.
Sự tồn tại của căn cứ Ba Đình do Đinh Công Tráng và các lãnh tụ nghĩa quân lãnh đạo là nỗi lo và mối nguy hiểm lớn đối với việc bình định Thanh Hóa của thực dân Pháp. Vì vậy, khi phát hiện căn cứ Ba Đình, chúng lập tức tập trung binh lực và các phương tiện chiến tranh, quyết triệt hạ bằng được. Ngày 18-12-1886, quân Pháp và quân ngụy gồm 517 tên, do trung tá Metzinger và trung tá Dodds chỉ huy, có pháo binh hỗ trợ, mở cuộc tiến công từ hai hướng tây nam và đông bắc vào Ba Đình. Tiếp đó, ngày 6-1-1887, đại tá Brissaud chỉ huy 2.500 quân (cả Pháp và ngụy) mở cuộc tiến công mới, quyết triệt hạ bằng được căn cứ Ba Đình.
Nghĩa quân do Đinh Công Tráng, Phạm Bành chỉ huy, dựa vào công sự kiên cố và tinh thần quyết tử chiến đấu suốt 32 ngày đêm (trong tháng 12-1886 và tháng 1-1887), bẻ gãy nhiều đợt tiến công của 3.530 lính (1.580 lính Pháp), 78 sĩ quan, có 25 khẩu đại bác và 4 pháo hạm hỗ trợ phối hợp tác chiến. Nghĩa quân đã tiêu diệt và làm bị thương hàng trăm tên địch, khiến quân Pháp hoang mang, dao động(2). Giới cầm quyền bên Pháp phải thừa nhận: “Trong chiến dịch Thu Đông 1886-1887, cuộc vây hãm Ba Đình là cuộc chiến đấu nghiêm trọng nhất. Cuộc chiến đấu này thu hút nhiều quân nhất và làm cấp chỉ huy lo ngại nhất”(3).
Về phía nghĩa quân đã chiến đấu rất dũng cảm, đánh lui nhiều đợt tiến công của địch, nhưng gặp khó khăn và tổn thất. Nhận thấy không thể giữ được căn cứ Ba Đình, đêm 20-1-1887 (tức 27 tháng Chạp năm Bính Tuất), Đinh Công Tráng và các thủ lĩnh nghĩa quân quyết định rút lực lượng về căn cứ Mã Cao tiếp tục chiến đấu. Thế nhưng, nghĩa quân chưa kịp củng cố lực lượng thì bị quân Pháp tiến công. Do tương quan lực lượng quá chênh lệch, Đinh Công Tráng không thể chỉ huy nghĩa quân chống cự, phải rút lên Thọ Xuân, Ngọc Lặc lánh sang Lào, rồi về Nông Cống. Sau đó, Đinh Công Tráng vào Nghệ An liên hệ với nghĩa quân Phan Đình Phùng đánh Pháp lâu dài, nhưng bị địch đánh úp bất ngờ nên đã anh dũng hy sinh ngày 6-10-1887 tại làng Tang Yên, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An(4).
Đinh Công Tráng đã có những cống hiến lớn lao trong phong trào chống thực dân Pháp cuối thế kỷ 19, trong đó nổi bật là gắn liền với việc xây dựng căn cứ địa, tổ chức lực lượng và cách đánh địch ở căn cứ Ba Đình. Ghi nhớ, tri ân công lao to lớn của vị anh hùng quê hương, năm 1992, nhân dân làng Nham Chàng đã đóng góp, xây dựng ngôi đền thờ Đinh Công Tráng ngay bên dòng sông Đáy. Hằng năm, Huyện ủy, UBND huyện Thanh Liêm (Hà Nam) thường tổ chức rước đuốc từ đền thờ Đinh Công Tráng về thắp sáng Đài lửa truyền thống trong lễ giao quân nhằm động viên, khích lệ thanh niên nhập ngũ giữ gìn và tiếp tục phát huy niềm tự hào của quê hương, góp phần cùng quân và dân cả nước quyết tâm bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đại tá, TS DƯƠNG ĐÌNH LẬP
(1) - Danh nhân quân sự Việt Nam, tập 3, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, năm 2008, tr.24
(2) - Căn cứ địa trong Phong trào Cần Vương chống Pháp (1885-1896), NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, năm 2004, tr.165.
(3) - Từ Ba Đình đến Hùng Lĩnh, NXB Thanh Hóa, năm 1992, tr.52.
(4) - Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, năm 2004, tr.357.