Phan Đình Phùng sinh năm 1847 tại làng Đông Thái (nay thuộc xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ), tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1877, khi 30 tuổi, ông đã thi đỗ Đình nguyên Tiến sĩ. Sau khi đỗ đạt, Phan Đình Phùng được triều đình bổ giữ các chức vụ: Tri huyện Yên Khánh (Ninh Bình), Chưởng ấn Ngự sử ở Đô sát viện. Năm 1884, Phan Đình Phùng làm Tham biện Sơn phòng Hà Tĩnh.

Năm 1885, hưởng ứng Chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, Phan Đình Phùng phát động và lãnh đạo phong trào khởi nghĩa ở Hương Khê (Hà Tĩnh). Cũng năm này, Phan Đình Phùng được vua Hàm Nghi tấn phong làm Tán lý Quân vụ, thống lĩnh toàn bộ nghĩa binh, đồng thời giao cho ông lãnh đạo phong trào kháng chiến chống Pháp trong vùng.

Với một nhãn quan nhìn xa trông rộng, tư duy quân sự sắc sảo, Phan Đình Phùng nhận thấy phong trào ở Hương Khê muốn tồn tại và đứng vững trước một kẻ thù quân đông, trang bị vũ khí hiện đại như thực dân Pháp nhất thiết phải có sự liên kết với các phong trào yêu nước khác ở Bắc Kỳ, hợp sức với nhau để đánh Pháp. Năm 1887, Phan Đình Phùng giao toàn quyền thống lĩnh lại cho Cao Thắng rồi ra Bắc tìm gặp các sĩ phu yêu nước bàn về việc liên kết lực lượng, phối hợp đánh Pháp. Sau đó, ông trở về Hà Tĩnh trực tiếp lãnh đạo cuộc Khởi nghĩa Hương Khê. Ngày 28-12-1895, Phan Đình Phùng từ trần do di chứng vết thương trong chiến đấu và bệnh tật.

Là một vị quan thanh liêm, chính trực, có lòng yêu nước nồng nàn, một vị thủ lĩnh có uy tín và tài ba, Phan Đình Phùng đã dồn hết tâm huyết và đem hết tài năng phụng sự ủy thác của vua Hàm Nghi để rồi trở thành linh hồn của phong trào chống Pháp ở Nghệ Tĩnh trong suốt 10 năm. So với các vị thủ lĩnh đương thời, tài năng của Phan Đình Phùng thực sự nổi trội.

leftcenterrightdel

Đài tưởng niệm chí sĩ yêu nước Phan Đình Phùng và nghĩa quân tham gia Khởi nghĩa Hương Khê tại thị trấn Vũ Quang, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: HÒA THƯƠNG

Trước hết, đó là tư tưởng lấy dân làm gốc, phát huy sức mạnh của nhân dân, lấy đó làm nền tảng cho phong trào kháng chiến. Ngay từ khi phất cờ dấy nghĩa, Phan Đình Phùng đã nhận thấy chỉ có dựa vào dân, quy tụ được sức mạnh của toàn dân thì phong trào mới có thể trụ vững và phát triển trong bối cảnh phải đương đầu với một kẻ địch mạnh và vũ khí, trang bị hiện đại hơn nhiều lần. Ông luôn biểu lộ sự cương quyết và thái độ dứt khoát đứng về phía nhân dân để đấu tranh không khoan nhượng với quân giặc. Ông luôn truyền dạy cho các thủ lĩnh địa phương và nghĩa quân tư tưởng thân dân, dựa vào dân, đoàn kết toàn dân để đánh giặc. Chính vì vậy mà trong suốt 10 năm, nghĩa quân của cuộc Khởi nghĩa Hương Khê do Phan Đình Phùng lãnh đạo ở bất cứ thời điểm nào, hoàn cảnh nào hay đứng chân ở đâu cũng đều nhận được sự đùm bọc, ủng hộ hết lòng của nhân dân. Không chỉ cung cấp về quân lương, người dân còn bòn nhặt từng mẩu sắt vụn gom góp lại chuyển cho nghĩa quân để rèn đúc vũ khí.

Phan Đình Phùng đã cho xây dựng nhiều cơ sở tin cậy ở trong dân; sử dụng các cơ sở đó làm nòng cốt trong việc huy động sức dân, dựa vào dân và phối hợp với nhân dân để đánh giặc. Lần đầu tiên, trên địa bàn Thanh Nghệ Tĩnh đã xuất hiện một hình thức kiểu “chính quyền hai mang”-ban ngày làm việc cho giặc, nhưng khi màn đêm buông xuống lại phục vụ, đáp ứng các nhu cầu về hậu cần, thuốc men cho nghĩa quân.

Ông là một vị thủ lĩnh biết quy tụ và trọng dụng nhân tài. Không chỉ quyết tâm chống giặc Pháp mà còn hội tụ cả sự tín tâm. Dưới trướng ông đã tập hợp được nhiều vị chỉ huy giàu lòng yêu nước và tài năng như: Hai anh em Nguyễn Trạch-Nguyễn Chanh, Lê Văn Tạc, Phan Đình Phong, Phan Đình Can, Cao Đạt, Nguyễn Mục... Đặc biệt là Cao Thắng, vị thủ lĩnh nông dân sau khi sáp nhập vào hàng ngũ nghĩa quân Hương Khê đã trở thành người trợ thủ đắc lực của Phan Đình Phùng. Chính Cao Thắng là người đã nghiên cứu và bắt chước kiểu súng trường 1874 của Pháp, chế tạo thành công một loại súng trường mang “thương hiệu Việt” để trang bị cho nghĩa quân.

Phan Đình Phùng là một vị thủ lĩnh luôn biết coi trọng nhân tố căn cứ địa-hậu phương trong khởi nghĩa và chiến tranh. Để có thể tồn tại và phát triển phong trào trước sự đàn áp, khủng bố ráo riết của kẻ địch, Phan Đình Phùng chủ trương xây dựng căn cứ trên một địa bàn rộng lớn, vừa có rừng núi, vừa có đồng bằng. Ông cho rằng ở núi rừng có cây cối rậm rạp che chở, ở đồng bằng thì lấy nhân dân bao bọc. Ở mỗi căn cứ chính, ông đều cho xây dựng các căn cứ dự phòng. Vì vậy cũng dễ hiểu khi cuộc Khởi nghĩa Hương Khê do Phan Đình Phùng và Cao Thắng lãnh đạo, ngoài căn cứ chính ở nơi dấy nghĩa (làng Đông Thái), còn có nhiều căn cứ khác. Trong số đó có thể kể đến những căn cứ tiêu biểu như: Thượng Bồng-Hạ Bồng; Trùng Khê-Trí Khê; Vũ Quang-Ngàn Trươi; Cồn Chùa... Các căn cứ đều có mối liên kết và hỗ trợ cho nhau, hình thành nên một hệ thống căn cứ liên hoàn trong vùng.

Tại các căn cứ địa, cùng với việc chăm lo xây dựng “thế trận lòng dân”, Phan Đình Phùng và Cao Thắng còn đặc biệt chú trọng đến công tác bảo đảm hậu cần và vũ khí cho nghĩa quân. Mỗi làng đều lập các đội phụ nghĩa để lo việc vận chuyển lương thực từ vùng đồng bằng lên căn cứ, mỗi quân thứ đều có các đội y sư chuyên chăm lo sức khỏe, chữa bệnh cho nghĩa quân. Trong căn cứ đều có các căn hầm cất giấu quân lương, vũ khí nằm sâu trong lòng đất. Phan Đình Phùng và Cao Thắng chủ trương xây dựng các cơ sở sản xuất vũ khí tại chỗ. Hơn 300 thợ rèn, thợ mộc giỏi trong vùng đã được hai ông chiêu mộ về làm nòng cốt xây dựng các cơ sở sản xuất vũ khí cho nghĩa quân. Căn cứ địa trong con mắt của thủ lĩnh Phan Đình Phùng không chỉ là nơi trú chân, tránh địch, bảo tồn lực lượng, nơi tích trữ quân lương, cất giấu vũ khí... mà còn là trường huấn luyện và nơi xây dựng, phát triển lực lượng nghĩa quân; nơi chăm lo và tổ chức cuộc sống cho nhân dân trong vùng. Đích thân Phan Đình Phùng và Cao Thắng rèn giũa binh sĩ, ban thảo các điều kỷ luật và dân vận cho binh sĩ. Dưới trướng hai ông, từ thủ lĩnh cho đến binh sĩ đều tự giác chấp hành. Chính vì vậy, nghĩa quân Hương Khê là một đạo nghĩa binh có kỷ luật và tính tự giác cao. Với Phan Đình Phùng, căn cứ địa không chỉ là nơi thủ hiểm mà còn là địa bàn xuất phát để nghĩa quân mở các cuộc công đồn, phục kích giao thông.

Ông là một “kiến trúc sư” về tổ chức lực lượng kháng chiến. Ông nhận thấy việc xuất hiện nhiều đội nghĩa binh chống Pháp hưởng ứng Chiếu Cần Vương là một tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, nếu các đội nghĩa quân đó không có sự liên kết, thống nhất, đặt dưới sự chỉ huy chung thì sẽ bị quân Pháp tiêu diệt một cách dễ dàng. Ngay trong buổi đầu dựng cờ khởi nghĩa, với tài năng và uy tín của mình, Phan Đình Phùng đã thu phục được các đội nghĩa quân nhỏ lẻ ở nhiều địa phương lân cận, như: Đội nghĩa quân Cao Thắng

ở Hương Sơn, các đội nghĩa quân Nguyễn Trạch, Nguyễn Chanh ở Can Lộc, các đội nghĩa quân của Ngô Quảng, Hà Văn Mỹ ở Nghi Xuân, đội nghĩa quân Nguyễn Huy Thuận ở Thạch Hà... về cùng đội nghĩa quân của ông ở Đức Thọ.

Nét sáng tạo, độc đáo trong tư duy tổ chức quân sự của Phan Đình Phùng chính là mô hình quân thứ-một mô hình vừa mang tính chất tổ chức hành chính quân sự, đồng thời cũng là một mô hình tổ chức tác chiến. Phan Đình Phùng chia địa bàn hoạt động của nghĩa quân thành 15 quân thứ, tùy quy mô lớn, bé, ước độ có từ 100 đến 500 nghĩa quân. Để cho mọi người dễ nhớ, dễ liên lạc với nhau, quân thứ ở địa phương nào thì đặt tên theo địa phương đó. Mỗi quân thứ có một vị thủ lĩnh trực tiếp chỉ huy. Với cách tổ chức này, mỗi quân thứ được xem như một pháo đài, một khu vực phòng thủ độc lập, mà ở trong đó, lực lượng nghĩa binh sẽ làm nòng cốt cho nhân dân đánh giặc mỗi khi quân Pháp tấn công vào; đồng thời phát động nhân dân duy trì, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.

Cách tổ chức quân sự này là bước tiến bộ đáng kể so với tổ chức lực lượng của các cuộc khởi nghĩa đương thời. Trong khi nhiều cuộc khởi nghĩa của Phong trào Cần Vương bị đàn áp và nhanh chóng bị dập tắt thì cuộc Khởi nghĩa Hương Khê tồn tại tới 10 năm và phải tới khi hai vị thủ lĩnh là Phan Đình Phùng và Cao Thắng hy sinh thì mới lụi tàn.

TRẦN VĨNH THÀNH