Trong khi nhiều nhân vật lịch sử vì còn có điểm mờ nên vẫn gây tranh luận thì đây là trường hợp hiếm hoi có sự thống nhất cao trên những nét chung về cuộc đời và sự nghiệp. Do vậy, truyền thuyết về Hai Bà Trưng cũng được dân gian kiến tạo, điêu khắc những vẻ đẹp huyền thoại mang tính anh hùng ca từ chính sử. Hình như với những nhân vật kỳ vĩ, lớn lao khi bước vào huyền thoại sẽ không cần đến sự hư cấu, thêu dệt thêm những vòng hào quang. Họ cứ thế tỏa sáng, cứ thế vĩ đại để hậu thế chiêm ngưỡng, bái vọng. Sự kiện Hai Bà Trưng khởi nghĩa như ngọn núi sừng sững, như thác nước thượng nguồn chảy ra. Từ đó tạo dòng mạch của lòng yêu nước, bản lĩnh tự quyết, tự cường, của ý chí không chịu khuất phục ngoại bang.

Vì thế, các thời đại sau đều tôn trọng, đề cao, coi đó là điểm tựa của tinh thần quật khởi, lòng quả cảm, của lòng tự tôn dân tộc. Ngày nay, hầu hết các địa phương trên dải đất Việt đều có tên địa danh, đường phố... mang tên Hai Bà Trưng như là một cách nhớ ơn, tôn vinh, học tập. Các lễ hội về Hai Bà Trưng cũng rất phong phú. Ngay ở Hà Nội (ngày nay) cũng có 3 lễ hội diễn ra ở 3 không gian, thời gian khác nhau: Hội đền Đồng Nhân (quận Hai Bà Trưng) mở từ ngày 3 đến 6-2 âm lịch; hội đền Mê Linh (thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh) mở ngày 6-1 âm lịch; hội đền Hát Môn (huyện Phúc Thọ) mở một năm 3 lần (6-3, 4-9, 24-12 âm lịch). Dịp kỷ niệm cuộc Khởi nghĩa Hai Bà Trưng tập trung vào những tháng âm lịch đầu năm. Tháng 3 dương lịch lại có Ngày Quốc tế Phụ nữ đã tạo ra một sự trùng hợp thú vị. Tấm gương Hai Bà Trưng càng được nhân lên, lan tỏa, soi chiếu mạnh mẽ hơn trong đời sống xã hội.

Các cứ liệu sử học cho biết, Hai Bà Trưng xuất thân từ làng dệt lụa truyền thống. Nghề nghiệp in dấu trong cái tên Trứng Chắc (tổ kén có trứng chắc), Trứng Nhì (tổ kén có trứng thứ nhì). Danh từ Trưng Trắc, Trưng Nhị có thể được gọi phiên theo tiếng Hán. Chính sử (cả ta và Trung Quốc) ghi ngày 30-1-41 (Tân Sửu), Trưng Trắc xưng vương dấy quân khởi nghĩa chiếm đánh các thành quách của quân Hán. Về sự kiện này, “Đại Nam quốc sử diễn ca” kể với thái độ rất mực thành kính: Bà Trưng quê ở Châu Phong/ Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên/

Chị em nặng một lời nguyền/ Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân/ Ngàn Tây nổi áng phong trần/ Ầm ầm binh mã xuống gần Long Biên/ Hồng quần nhẹ bước chinh yên/ Đuổi ngay Tô Định, dẹp yên biên thành... Những ngôn từ, hình ảnh ca ngợi sự quật khởi, hùng mạnh của quân khởi nghĩa “áng phong trần”, “ầm ầm binh mã”. Hai chữ “nhẹ bước” vừa diễn tả tâm thế thoải mái đầy khí phách, lại nói được cái tự tin của hai vị chủ tướng. Các cụm động từ “đuổi ngay”, “dẹp yên” ca ngợi sức mạnh của đội quân làm những việc to lớn nhất một cách nhanh gọn, dễ dàng. Hai câu tiếp: Đô kỳ đóng cõi Mê Linh/ Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta đầy tự hào, khẳng định sự vĩ đại của Hai Bà Trưng đã làm nên kỳ tích lịch sử: Lập ra một chính thể, nhà nước riêng.

leftcenterrightdel

Đền thờ Hai Bà Trưng ở thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh, huyện Mê Linh, TP Hà Nội). Ảnh: PHẠM THU

“Thiên Nam ngữ lục” tôn xưng Hai Bà Trưng là anh hùng có dòng dõi và ngoại hình thật đặc biệt: Đồn rằng trên quận Mê Linh/ Họ Trưng dòng dõi trổ sinh đôi nàng/ Phong tư khác thái tầm thường/ Tóc mây, lưng tuyết, hơi hương, da ngà... Cách miêu tả thông qua lăng kính vũ trụ (tóc mây), tự nhiên (lưng tuyết...) đã nâng nhân vật ngang với tầm tạo hóa. Thế nên tác phẩm không thừa nhận việc Hai Bà Trưng chết vì thua trận mà chết do “tiên về thiên gia”: Ai ngờ tạo hóa đến kỳ/ Tiên hồn lại nhớ tiên về thiên gia/ Chị em nhiễm bệnh yên hà/ Nửa đêm bỏ đất ruổi ra lên trời. Cũng là một cách làm vơi bớt chất bi kịch về sự thất bại của cuộc khởi nghĩa anh hùng.

“Đại Việt sử ký toàn thư” ca ngợi: “Trưng Trắc, Trưng Nhị là đàn bà, hô một tiếng mà các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố cùng 65 thành ở Lĩnh Ngoại đều hưởng ứng, việc dựng nước xưng vương dễ như trở bàn tay”. Ý kiến này thống nhất với sự đánh giá của các sử gia thời Lê Trung Hưng. Cho đến thời nhà Nguyễn (thế kỷ 18), trong bộ chính sử “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, vua Tự Đức hết lời khẳng định tài năng, công lao của Hai Bà Trưng: “Hai Bà Trưng thuộc phái quần thoa, thế mà hăng hái quyết tâm khởi nghĩa, làm chấn động cả triều đình Hán. Dẫu rằng thế lực cô đơn, không gặp thời thế nhưng cũng đủ làm phấn khởi lòng người, lưu danh sử sách. Kìa những bọn nam tử râu mày mà chịu khép nép làm tôi tớ người khác, chẳng những mặt dày thẹn chết lắm!”.

Ở thời hiện đại, không phải là nhà sử học nhưng lãnh tụ Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc đến với những nhận định thỏa đáng, coi Hai Bà Trưng là tấm gương yêu nước sớm nhất, tiêu biểu cho ý chí quật cường của dân tộc. Tác phẩm “Lịch sử nước ta” (1942) có mục đích giáo dục lòng yêu nước “diễn ca” 33 nhân vật lịch sử theo nguyên tắc không miêu tả diện mạo mà chú trọng vào phương diện phẩm chất. Về Hai Bà Trưng, tác giả ca ngợi: Hai Bà Trưng có đại tài/ Phất cờ khởi nghĩa giết người tà gian/ Ra tay khôi phục giang san/ Tiếng thơm dài tạc đá vàng nước ta. Các ngôn từ khẳng định “đại tài”, “ra tay”, “tiếng thơm dài”, “tạc đá vàng” hoàn toàn xứng đáng với tầm cỡ đối tượng. Ngày 19-10-1966, phát biểu tại lễ kỷ niệm lần thứ 20 Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20-10-1946 / 20-10-1966), Bác Hồ khẳng định: “Từ đầu thế kỷ thứ nhất, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, đánh giặc, cứu dân cho đến ngày nay mỗi khi nước nhà gặp nguy nan, thì phụ nữ ta đều hăng hái đứng lên, góp phần xứng đáng của mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Do đó, ta có câu tục ngữ rất hùng hồn: “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”.

Một số chính khách, nhà khoa học trên thế giới đã có công trình nghiên cứu hoặc thăm viếng đền thờ Hai Bà Trưng. Gần đây nhất, phát biểu tại Hội nghị cấp cao APEC 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đề cao Hai Bà Trưng: Đã đứng lên khởi nghĩa chống ngoại xâm, thức tỉnh tinh thần độc lập. “Đó là lần đầu tiên người dân Việt Nam đứng lên đấu tranh cho sự độc lập và niềm tự hào của mình”.

Hiện nay, phong trào bình đẳng giới ngày một lên cao, thế giới càng chú ý đến sự kiện Khởi nghĩa Hai Bà Trưng ở ta. Vì cuộc khởi nghĩa còn có hàng chục nữ tướng tham gia nên càng được quan tâm, được coi là một trong những tấm gương sớm nhất, tiêu biểu cho việc cổ vũ phụ nữ thời hiện đại đứng lên đòi quyền làm chủ, quyền sống, tự mình giải phóng mình khỏi những tín điều, những thế lực cả hữu hình và vô hình đè nén. Một số nhà nghiên cứu lịch sử-văn hóa nhiều nước lại tìm hiểu về “nguyên lý mẹ”, về chế độ mẫu quyền cổ đại cùng những nhận định mới, cho rằng bản thân sự kiện Hai Bà Trưng khởi nghĩa đã cho thấy sự tiến bộ hơn hẳn thời trung đại (phương Đông) nhốt người phụ nữ trong căn buồng Nho giáo ngột ngạt, không có cả cửa sổ tư tưởng. Thậm chí cũng tiến bộ hơn cả phương Tây cùng thời...   

PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ