Thuở nhỏ, Ngô Dụng nổi tiếng thông minh, hiếu học, lớn lên được gửi theo học Tiến sĩ Trịnh Đức Liên ở làng Đại Mão, tổng Siêu Loại, phủ Thuận An, xứ Kinh Bắc (nay thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Năm Tân Sửu, niên hiệu Bảo Thái thứ 2 (1721) đời vua Lê Dụ Tông, triều đình mở khoa thi thường kỳ để kén chọn người hiền tài ra làm quan giúp nước, Ngô Dụng tham gia ứng thí khi đã 37 tuổi. Ở kỳ thi Hội, Ngô Dụng đỗ hàng thứ 7. Khi dự kỳ thi Đình để phân hạng tiến sĩ, ông được ban danh Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Đỗ đại khoa, ông được hưởng ân lệ vinh quy bái tổ.
Ông trải qua rất nhiều chức quan trong triều đình. Là đại thần nhà Lê Trung hưng, có nhiều công lao dẹp loạn, yên dân nên Ngô Dụng được chúa thượng ban cho họ Trịnh, từ đó ông mang danh Trịnh Ngô Dụng. Năm 1746, Tiến sĩ Trịnh Ngô Dụng phụng mệnh đi sứ nhà Thanh (Trung Quốc), trên đường đi không may bị bệnh hiểm nghèo phải về quê dưỡng bệnh rồi mất tại quê nhà. Nghe tin ông sắp mất, triều đình đã gửi về gia đình ông 500 lạng bạc, 10 tấm gấm hoa vàng để lo việc tang.
Cuộc đời và sự nghiệp của Tiến sĩ Trịnh Ngô Dụng đã được ghi trong Văn bia tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Hà Nội), Văn Miếu Bắc Ninh và nhiều sách sử như “Đại Việt sử ký toàn thư”, “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, “Lịch triều hiến chương loại chí”, “Đại Việt sử ký tục biên”...
Gần 300 năm sau ngày mất của Tiến sĩ Trịnh Ngô Dụng, những câu chuyện về ông vẫn được lưu truyền trong nhân dân vùng Hiệp Hòa. Chuyện rằng, lúc hấp hối, ông dặn cháu con không được xây lăng mộ mà dùng tiền vua ban (500 lạng bạc) để làm đường cho dân đi. Vì thế, mộ của ông chỉ được đắp đất như những ngôi mộ của người dân trong vùng. Mãi đến năm 2012, gia tộc họ Ngô ở Hiệp Hòa mới tổ chức tôn tạo, đắp thêm đất, trồng cỏ và xây tường đá ong bao quanh.
|
|
Nhà thờ Tiến sĩ Trịnh Ngô Dụng tại Hiệp Hòa (Bắc Giang). |
Đặc biệt là chuyện Trịnh Ngô Dụng đã dám trái lệnh vua, cứu cả làng Chèo ở tổng Quế Trạo (nay thuộc xã Thái Sơn, huyện Hiệp Hòa) khỏi họa diệt vong. Chuyện xảy ra vào năm 1740, khi Tổng thái giám Đề quận công Hoàng Công Phụ do có nhiều tội lỗi bị xử chết. Để “nhổ cỏ tận gốc”, triều đình sai Trịnh Ngô Dụng cầm quân về tàn sát làng Chèo, nơi có hành cung Quế Trạo, quê hương của Hoàng Công Phụ.
Quê của Trịnh Ngô Dụng chỉ cách quê của Tổng thái giám Đề quận công Hoàng Công Phụ vài cây số dọc theo dòng sông Cầu. “Tru di tam tộc nhà hoạn quan Hoàng Công Phụ thì có thể chứ nỡ nào lại tàn sát người dân vô tội chỉ vì họ ở cùng quê hoạn quan?”. Trịnh Ngô Dụng suy nghĩ như vậy và quyết định trái lệnh vua. Ông cử người tâm phúc bí mật phi ngựa về làng Chèo báo cho người dân lánh sang tổng Hoàng Vân, quê hương của mình trốn. Ngày hôm sau, Thượng tướng quân Trịnh Ngô Dụng cầm quân về làng Chèo thì không còn ai. Một số trâu, bò, gà, lợn còn sót lại bị giết. Ông lệnh cho đắp hàng trăm ngôi mộ và rải vôi bột khắp nơi. Giám quan về thấy như vậy không kiểm tra kỹ, báo lại chúa thượng rằng: “Làng Chèo đã bị xóa sổ”.
Sau khi Trịnh Sâm lên ngôi Chúa liền đại xá thiên hạ. Người dân làng Chèo từ tổng Hoàng Vân lại về bản quán làm ăn. Tưởng nhớ công ơn của Tiến sĩ Trịnh Ngô Dụng, hằng năm, vào ngày giỗ của ông (ngày 3-7 âm lịch), dân làng Chèo đều mang lễ vật dâng tạ ơn.
Hậu duệ của Tiến sĩ Trịnh Ngô Dụng sau này có Ngô Văn Thấu (cụ Đồ Ba) kết hôn cùng Nguyễn Thị Uyên (cụ Uyên là cô của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ). Người chiến sĩ cộng sản Nguyễn Văn Cừ đã giác ngộ cụ Đồ Ba và các con của cụ là Ngô Văn Đán, Ngô Văn Hiệp (tức Ngô Tuấn Tùng) và Ngô Văn Thạnh (tức Ngô Duy Phương) trở thành những người cộng sản đầu tiên của huyện Hiệp Hòa. Năm 1945, họ đã lãnh đạo nhân dân giành chính quyền cấp huyện sớm nhất cả nước.
Nhà thờ Tiến sĩ Trịnh Ngô Dụng ở làng Vân Xuyên hiện nay còn lưu giữ một số hiện vật từ thời ông làm quan như: Ngai thờ, bát hương, cây đèn, lọ hoa, câu đối chữ Hán ca ngợi công lao to lớn của ông, gia phả họ Ngô. Đặc biệt còn có chiếc kiệu võng bằng gỗ khi ông đỗ tiến sĩ vinh quy bái tổ.
Với những giá trị về lịch sử, ngày 21-5-2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành quyết định xếp hạng mộ và nhà thờ Tiến sĩ Trịnh Ngô Dụng là Di tích lịch sử.
Bài và ảnh: ĐỖ PHÚ THỌ