Trong lúc nhân dân cả nước đang hướng tới kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam (22-12-1944 / 22-12-2022) và 33 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22-12-1989 / 22-12-2022) thì một số đối tượng thù địch, phản động lại hậm hực. Cũng như những năm trước, chúng ra sức bôi nhọ phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, xuyên tạc những chiến thắng vĩ đại của quân và dân ta, về mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Quân đội với nhân dân...

Năm nay, một số đối tượng lại tỏ vẻ “tân tiến”, “đổi mới” cách thức xuyên tạc, bằng cách tung ra những luận điệu mới, trong đó có luận điệu “ca ngợi” rằng: “QĐND Việt Nam trong gần 80 năm qua đã làm tốt chức năng của “đội quân chiến đấu”, “đội quân công tác” và “đội quân lao động sản xuất”.

Nay tiềm lực kinh tế đất nước đã có, tình hình quốc tế thay đổi, đã đến lúc QĐND Việt Nam từ bỏ chức năng của “đội quân lao động sản xuất”. Phụ họa với những luận điểm trên, một số đối tượng tung lên mạng xã hội, trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài cho rằng: “QĐND Việt Nam hiện nay chỉ nên thực hiện chức năng “đội quân chiến đấu”, không cần thực hiện và không nên có chức năng “đội quân công tác”, “đội quân lao động sản xuất”. Những đối tượng này “phân tích”: “QĐND Việt Nam hiện nay đã có ngân sách nhà nước cấp đủ kinh phí hoạt động nên không cần thiết phải lao động sản xuất. Trong nền kinh tế thị trường thì vũ khí, trang bị do ngân sách nhà nước cấp mua từ nước ngoài hoặc giao cho các nhà máy trong nước sản xuất theo cơ chế đấu thầu. Duy trì các nhà máy sản xuất hàng quốc phòng do Quân đội quản lý chẳng khác gì “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Hầu hết quân đội các nước trên thế giới chỉ làm nhiệm vụ duy nhất là huấn luyện chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ”. Thậm chí, còn phản đối cả việc tăng gia sản xuất trong các đơn vị làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu bởi đó là “nước sông công lính”. Có những đối tượng còn quy chụp, đánh đồng các sự việc đơn lẻ vi phạm pháp luật trong quản lý đất quốc phòng, sai phạm trong một số doanh nghiệp Quân đội... từ đó “kiến nghị”: “Quân đội không nên tổ chức lao động sản xuất, không nên kết hợp kinh tế với quốc phòng”. Bên cạnh đó, có phần tử phản động còn lợi dụng sự hiểu biết chưa đầy đủ của một số cán bộ, chiến sĩ và nhân dân về việc sử dụng thuật ngữ “Quân đội làm kinh tế” để nói xấu Quân đội. Họ cho rằng “Quân đội làm kinh tế để phục vụ lợi ích của một số người. Quân đội làm kinh tế để làm giàu cho một số người”...

leftcenterrightdel
Chấm điểm thực hành tại "Hội thi thợ giỏi khai thác mủ cao su lần thứ XV, năm 2022" của Binh đoàn 15. Ảnh: NGUYỄN ANH SƠN 

Mục đích sâu xa của các luận điệu xuyên tạc, sai trái trên là nhằm phủ nhận truyền thống vẻ vang của Quân đội ta trên mặt trận lao động sản xuất, làm suy yếu sức mạnh chiến đấu của Quân đội, qua đó làm suy yếu sức mạnh của quốc gia. Đằng sau những luận điệu xuyên tạc, sai trái đó là âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch nhằm hạ uy tín của QĐND Việt Nam, chia rẽ Quân đội với nhân dân, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội.

Trước hết, cần phải khẳng định: Kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế và tổ chức Quân đội làm kinh tế trong thời bình là một trong những kế sách quan trọng của ông cha ta trong tiến trình dựng nước, giữ nước. Chính sách “ngụ binh ư nông”, “động vi binh, tĩnh vi dân” đã được các triều đại phong kiến Việt Nam thực hiện khá hiệu quả. Nội dung căn bản, cốt lõi của chính sách này là gửi quân dự bị ở trong dân, lao động, sản xuất tại địa phương, khi đất nước cần thì huy động họ trở thành binh lính thường trực bảo vệ Tổ quốc. Chính sách “ngụ binh ư nông” bảo đảm cho triều đình luôn duy trì một lực lượng cân đối giữa xây dựng kinh tế với thực hiện nhiệm vụ quốc phòng; giữa sản xuất và chiến đấu, hậu phương và tiền tuyến, bảo đảm quân thường trực có số lượng đủ mức cần thiết, sẵn sàng chiến đấu cao và quân dự bị đông đảo, dễ dàng huy động khi có chiến tranh.  

QĐND Việt Nam ngay từ khi mới ra đời, bên cạnh nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu vẫn luôn chủ động tăng gia sản xuất để cải thiện đời sống và giúp đỡ nhân dân nơi đóng quân.   

Sau Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, gần 8 vạn cán bộ, chiến sĩ Quân đội được điều chuyển sang làm nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế, trực tiếp tham gia xây dựng những công trình trọng điểm của đất nước, như: Khu công nghiệp Việt Trì, Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, công trình đại thủy nông Bắc Hưng Hải...

leftcenterrightdel

Công nhân Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thông tin M1 (Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội) sản xuất thiết bị viễn thông. Ảnh: XUÂN GIANG 

Khi đất nước hoàn toàn thống nhất, các đơn vị Quân đội lại tiên phong trên mặt trận xây dựng kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh. Rất nhiều công trình trọng điểm quốc gia thời đó đã được xây dựng bởi bàn tay và khối óc của Bộ đội Cụ Hồ, như: Khôi phục tuyến đường sắt Thống Nhất, xây dựng thủy điện Hòa Bình, nhiệt điện Phả Lại, đường dây tải điện 500kV Bắc-Nam...

Với nguồn nhân lực trẻ, khỏe, được tổ chức chặt chẽ, kỷ luật nghiêm minh, Quân đội thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội có những thế mạnh đặc thù mà các doanh nghiệp ngoài Quân đội không thể có được. Đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn. 

Hiệu quả rõ nét nhất của thực hiện chức năng “đội quân lao động sản xuất” của Quân đội là tại các khu kinh tế-quốc phòng. Từ năm 2010 đến nay, các khu kinh tế-quốc phòng do Quân đội quản lý đã xây dựng mới 1.300 điểm dân cư tập trung với hơn 98.000 hộ dân; khắc phục cơ bản tình trạng một số xã “trắng dân”, thưa dân, chưa thành lập được đơn vị hành chính.

Hiện nay, các đơn vị trong toàn quân đã tích cực, chủ động tăng gia sản xuất, tự túc được 80%-90% định lượng rau, củ, quả; 35%-70% định lượng thịt, cá các loại... góp phần nâng cao đời sống bộ đội, giáo dục, rèn luyện cán bộ, chiến sĩ luôn giản dị, gần gũi với cuộc sống lao động vất vả của nhân dân, góp phần bình ổn giá cả thị trường, phát triển kinh tế địa bàn đóng quân.

Các doanh nghiệp Quân đội trong những năm gần đây đã nỗ lực, chủ động khắc phục khó khăn, trở thành con chim đầu đàn trong khối doanh nghiệp nhà nước, điển hình như Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) là doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất cả nước trong 6 năm liên tiếp (2015-2021) và cũng là nơi giữ gìn tiềm lực quốc phòng.        

Dự báo thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực sẽ tiếp tục diễn biến rất phức tạp, khó lường, thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Trước tình hình đó, Quân đội cần phải tiếp tục thực hiện tốt chức năng “đội quân lao động sản xuất”, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

ĐỖ PHÚ THỌ