Theo già làng Đinh Yom ở làng Stơr và tài liệu của Bảo tàng tỉnh Gia Lai, từ năm 1931, nhân dân làng Stơr và các làng lân cận đã nổi dậy, dùng tên nỏ giết 10 tên địch, mở đầu cho cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp. Đến tháng 5-1941, nghe tin địch cho lính người Ê Đê có quan Pháp chỉ huy càn vào làng Stơr, bok Núp đã quyết định ở lại chiến đấu. Mũi tên của bok Núp đã giết chết tên quan Pháp, củng cố thêm lòng tin của dân làng vào khả năng đánh thực dân Pháp bằng vũ khí thô sơ. Sau trận này, làng Stơr nhiều lần bị địch đánh phá, phải dời làng, nhưng bok Núp đã vận động người dân ở lại lập làng chiến đấu. Dân làng Stơr thành lập đội tự vệ đầu tiên với hơn 40 người, do bok Núp chỉ huy. Làng Stơr nằm trên sườn Kông Bok Bori, phía Tây và phía Nam được bao bọc bởi các vách núi gần như dựng đứng, phía Bắc nhìn xuống suối Tơ Tung. Vào làng chỉ có đường duy nhất là băng qua suối Ktơ Răk, xung quanh có bố phòng chông, mang cung, bẫy đá, hàng rào, vọng gác và đường rút lui vào rừng.
Làng chiến đấu Stơr là nỗi khiếp sợ của quân thù, được đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên noi theo, đứng lên chống giặc ngoại xâm, bảo vệ quê hương, đất nước. Lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai ghi: “Từ tháng 9-1950 đến tháng 2-1951, quân Pháp đã tổ chức 10 cuộc hành quân đánh lên làng Stơr, có lần (tháng 12-1950) chúng đã sử dụng tới 400 quân vây quét, suốt lúa, phá rẫy, đốt làng, quyết phá cho được dấu tích làng Stơr. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ đảng và Thôn trưởng Núp, dân làng Stơr đã dựa vào núi rừng hiểm trở, tổ chức đánh bại nhiều cuộc càn quét của địch”.
|
|
Làng Stơr mở hội. Ảnh: HUY TỊNH
|
Chúng tôi đến làng Stơr, được nghe cán bộ, đảng viên, người dân kể về làng kháng chiến và Anh hùng Núp với lòng kính trọng, niềm tự hào sâu sắc. Đáng mừng hơn là làng Stơr ngày càng khởi sắc, đời sống của đồng bào Ba Na nơi đây được nâng lên rõ rệt. Già làng Đinh Yom phấn khởi nói: “Làng Stơr giờ có 103 hộ dân với 467 nhân khẩu, con đường huyết mạch Đông Trường Sơn trải nhựa phẳng lì đi qua làng, kết nối hạ tầng giao thông, giúp bà con đi lại thuận tiện; dòng Ktơ Răk hiền hòa dẫn dòng nước mát về cho làng, tưới mát cho cánh đồng hơn 150ha lúa nước, mía, đậu, bắp... cho bà con những vụ mùa bội thu. Những năm gần đây, người dân khắp cả nước và bạn bè quốc tế đến tham quan làng Stơr, Nhà lưu niệm Anh hùng Núp, giúp đồng bào có thêm sinh kế từ phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn. Nếu như trước đây cả làng đói cơm, nhạt muối thì giờ chỉ còn 13 hộ nghèo”.
Đồng chí Hồ Xuân Dương, Chủ tịch UBND xã Tơ Tung chia sẻ: Anh hùng Núp và làng chiến đấu Stơr đã trở thành huyền thoại, biểu tượng trong lòng đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên; là nguồn lực văn hóa quan trọng để địa phương phát triển kinh tế-xã hội. Đặc biệt, năm 1993, làng Stơr được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) cấp bằng Di tích lịch sử-văn hóa. Ngày 19-5-2009, UBND tỉnh Gia Lai ban hành Quyết định số 246/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng Khu lưu niệm Anh hùng Núp với diện tích 5,25ha tại trung tâm làng Stơr. Công trình gồm hàng chục hạng mục, với tổng kinh phí xây dựng khoảng 19 tỷ đồng. Cùng với đó, các nghị quyết, kế hoạch, chương trình của Đảng, Nhà nước, tỉnh Gia Lai, huyện Kbang về thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, phát triển du lịch nông thôn, làng văn hóa-du lịch... đã tạo cơ hội phát triển cho làng Stơr.
Thực hiện kế hoạch triển khai mô hình du lịch nông thôn tại làng Stơr trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2023-2025 của UBND huyện Kbang, mới đây, UBND xã Tơ Tung đã phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện, các doanh nghiệp khảo sát, lựa chọn và hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp đặc trưng của địa phương như: Tham quan, trải nghiệm canh tác nương rẫy; thu hái, sơ chế măng le rừng, khai thác mật ong rừng; khôi phục các ngành nghề, lễ hội truyền thống của người Ba Na; xây dựng homestay phục vụ nhu cầu lưu trú của du khách; hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP của địa phương như: Măng le rừng Kbang, bí đao sấy khô Thanh Hương, tinh dầu xả Java nguyên chất... nhằm khai thác giá trị của Di tích lịch sử-văn hóa Làng kháng chiến Stơr và Nhà lưu niệm Anh hùng Núp.
NGUYỄN ANH SƠN