Trên quãng đường bộ hơn 400km đưa chúng tôi từ thủ đô Vientiane đi cố đô Luang Prabang, ông Vanpenh Phayamat, Chánh văn phòng Đài Truyền hình Quốc gia Lào (năm 2015), từng có nhiều năm học ở Việt Nam và nói tiếng Việt như tiếng mẹ đẻ, say sưa kể về cuộc dời đô lịch sử từ Luang Prabang về Vientiane.

Luang Prabang là vùng đất ở phía Bắc Lào, gần các tỉnh Tây Bắc Việt Nam, là nơi các vương triều của đất nước Triệu voi định đô lâu đời nhất. Luang Prabang được chọn để định đô đầu tiên của vương triều Lan Xang. Vương triều Lan Xang do Fa Ngum, một thủ lĩnh lập nên. Fa Ngum giỏi việc binh nên bình định được các vùng năm 1354, thống nhất xứ Lào, xưng quốc hiệu là Lan Xang. Kinh đô đặt ở Luang Prabang. Thời kỳ cực thịnh, biên cương nước Lan Xang rộng lớn nhất nhì Đông Nam Á lúc bấy giờ. Nhưng rồi Lan Xang dần suy yếu, bước vào thời kỳ nhiễu loạn, đứng trước nguy cơ bị thôn tính đã buộc vua Setthathirath phải dời đô. Năm 1707, vương triều Lan Xang tan rã, Luang Prabang trở thành thủ đô của Vương quốc Luang Prabang độc lập, tồn tại song song với vương triều mới ở Vientiane. Khi Pháp sáp nhập các bộ tộc Lào, Pháp công nhận Luang Prabang là nơi cư trú của Hoàng gia Lào. Năm 1945, Lào tuyên bố độc lập và chọn Luang Prabang là thủ đô cho đến năm 1975.

leftcenterrightdel

Chùa Xieng Thong, ngôi chùa nổi tiếng ở Luang Prabang. 

Cố đô Luang Prabang của đất nước triệu voi ngày nay vẫn giữ gần như nguyên vẹn những nét cổ kính của một cố đô nghìn năm tuổi. Nó xứng đáng là di sản văn hóa thế giới mà Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) trao tặng cho thành phố này năm 1995. Điểm đặc biệt, dù trải qua thời gian, qua chiến tranh, nhưng Luang Prabang vẫn còn nguyên các di tích cổ, đặc biệt là hệ thống cung điện, chùa tháp. Đây cũng là thành phố lâu đời nhất ở Lào với 40 ngôi chùa cổ, trong đó hầu hết được xây dựng từ thế kỷ 14 và nhiều cung điện tráng lệ của các thời phong kiến thịnh trị được thành lập cách nay khoảng 1.200 năm. Lào là đất nước mà đa số người dân theo đạo Phật, trong đó Luang Prabang được coi là thủ phủ của đất Phật. Ở Luang Prabang có một ngôi chùa cổ nổi tiếng là Xieng Thong. Chùa này được in hình trên tờ tiền 2.000 kip Lào. Cũng giống như người theo đạo Hồi phải cố gắng đến được thánh địa Mecca một lần trong đời thì với người dân Lào, đến được chùa Xieng Thong một lần trong đời là điều thiêng liêng.

Có một điều khá thú vị, ở Luang Prabang, người dân bình thường cũng rất biết cách làm du lịch, đó là sự chân thành, giản dị. Luang Prabang rất phù hợp với những người muốn thoát khỏi sự ồn ào, tấp nập của nhịp sống công nghiệp. Người dân Luang Prabang hiếu khách. Ngay cả những người đang phục vụ ở các nhà hàng cũng sẵn sàng dừng công việc để múa lăm vông với du khách. Những việc làm bình thường của họ cũng mang đến cho du khách sự tò mò, lạ lẫm.

Tôi dành cả giờ đồng hồ để đứng bên dòng sông Nam Khan xem những người dân đánh lưới bắt cá. Hai con sông Mekong và Nam Khan cùng hai dãy núi Thao và Nang bạt ngàn các thảm rừng xanh ôm trọn Luang Prabang như một lũy thành che chở cho cố đô. Đây cũng là hai con sông bồi đắp phù sa, dẫn nước cho những cánh đồng, cung cấp thủy sản cho thành phố. Một mẻ lưới kéo lên, người đánh cá chỉ chọn những con cá to để bắt lên bờ. Cá nhỏ họ thả trở lại dòng sông. Họ nói, làm như vậy để chờ cá nhỏ lớn lên mùa sau lại có cá. Chỉ một việc đó cũng đủ làm say lòng du khách. Những cách làm du lịch tự nhiên như vậy đã đủ sức nặng giải thích vì sao, thời điểm trước dịch Covid-19, Luang Prabang luôn đón lượng du khách lớn hơn nhiều số dân của thành phố...

Bài và ảnh: NGUYỄN ANH TUẤN