1. “Hành quân xa” - quyết tâm đuổi giặc

Hầu hết người lính hôm nay, hôm qua đều thuộc nằm lòng câu hát “Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi...” mà có khi không biết câu hát ấy trong bài “Hành quân xa” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Rất dễ hát, rất phổ thông, ca từ giản dị, mộc mạc như lời nói thường ngày, nhưng có hình thức nhịp điệu, nội dung hình tượng thể hiện đúng tâm trạng, hoàn cảnh nên người lính nào cũng có thể hát: “Hành quân xa dẫu qua nhiều gian khổ/ Vai vác nặng ta đã đổ mồ hôi/ Mắt ta sáng, chí căm thù bảo vệ đồng quê ta tiến bước/ Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi...”. 3 âm tiết của tên bài hát và mở đầu (hành quân xa) toàn thanh bằng ngân dài như mở ra cả một không gian mênh mông phía trước để toàn bài đi theo thể hành khúc mô phỏng bước hành quân nhanh, gọn, mạnh mẽ. Được sáng tác vào năm 1953-giai đoạn đầu của Chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 lịch sử, hôm ấy, cùng đơn vị hành quân từ Đại Từ (Thái Nguyên) qua đèo Khế đến Thượng Bằng La (Yên Bái), lúc giải lao, nhạc sĩ bỗng nghe được câu nói quý hơn vàng của một anh bộ đội: “Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi”. Rất nhanh, câu nói ấy trở thành điểm tựa thẩm mỹ để “Hành quân xa” ra đời, rồi theo lẽ tự nhiên đi vào đời sống bộ đội như một món ăn tinh thần không thể thiếu và trở thành bài ca đi cùng năm tháng. Riêng câu “Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi” trở thành khẩu hiệu, phương châm, mục đích sống, thành lý tưởng của Bộ đội Cụ Hồ. Hơn thế, nó trở thành chân lý bằng vàng đi vào lịch sử dân tộc, khắc ghi công lao người lính cống hiến một cách tuyệt đối vì đất nước.

2. “Qua miền Tây Bắc” - nồng nàn tình yêu thiên nhiên, con người

Tôi có tròn 10 năm công tác trong lực lượng Bộ đội Biên phòng ở Tây Bắc và nhận thấy một điều đặc biệt là tại hầu hết cuộc giao lưu, hội họp có chương trình văn nghệ đều thấy bài hát này vang lên: “Qua miền Tây Bắc núi vút ngàn trùng xa/ Suối sâu, đèo cao bao khó khăn vượt qua/ Bộ đội ta vâng lệnh Cha già, về đây giải phóng quê nhà...”. Nếu nghệ thuật là sự đồng cảm thì bài hát này rất tiêu biểu, vì trong lời hát có nhịp nhanh, mạnh mẽ ấy lại có cả cái trữ tình mênh mang, lắng đọng; có cả cái vời vợi ngút ngàn, hùng vĩ của núi non được gửi vào, in hình bóng trong đó. Nhất là với những người lính biên phòng chúng tôi, dù bài hát có ra đời cách đây cả nửa thế kỷ thì vẫn như hát cho hôm nay. 

Nhạc sĩ Nguyễn Thành viết “Qua miền Tây Bắc” khi hành quân cùng đơn vị đi Chiến dịch Tây Bắc, lúc đó quân Pháp đang thua đau nên cố gắng đánh trả. Lời hát khích lệ, giục giã: “Đất nước miền Tây Bắc, đau thương từ bao lâu dưới ách loài giặc tàn ác/ Quân với dân một lòng, không phân biệt xuôi ngược/ Cùng đồng tâm tiêu diệt hết quân thù”. Giai điệu vang xa ở khúc mở đầu nhờ cách dùng nguyên âm “a” mở đặt cuối câu: “Xa”, “qua”, “già”, “nhà”, tiếp sau một quãng cao được trở lại ở giữa bài: “Đây miền Tây Bắc ta phá đồn giặc tan/ Nương lúa xanh về ta, vui sống trong tự do/ Miền rừng núi hướng về Cha già, từ đây đời sống chan hòa”. Tiết tấu nhanh, hùng tráng gợi ra hình ảnh những bước hành quân. Giai điệu trầm bổng, cao thấp xen kẽ như đưa người nghe về với những con đường trập trùng, uốn lượn “rất Tây Bắc”.

leftcenterrightdel

Thiếu nữa Tây Bắc bên hoa ban rừng. Ảnh: HẢI BIÊN

3. “Hò kéo pháo” - lòng quyết tâm cao hơn núi

Chắc anh lính nào ở Binh chủng Pháo binh cũng đều thuộc “Binh chủng ca” này. Bài hát xứng đáng được như vậy không chỉ nhờ ra đời trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt mà còn ở cả nội dung, hình thức của nhạc phẩm: “Hò dô ta nào/ Kéo pháo ta vượt qua đèo/ Hò dô ta nào/ Kéo pháo ta vượt qua núi/ Dốc núi cao cao nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi/ Vực sâu thăm thẳm, vực nào sâu bằng chí căm thù...”. Phải được trực tiếp chứng kiến cảnh kéo những cỗ pháo nặng hàng tấn vượt núi cao chiếm lĩnh trận địa, phải được biết đến những tấm gương hy sinh anh dũng, lấy thân mình cứu pháo... nhạc sĩ Hoàng Vân mới có thể viết đúng, viết hay, lột tả được cái thần thái của đội quân hừng hực khí thế quyết tâm như vậy. Mở ra âm điệu trầm hùng rồi đi nhịp mạnh, chậm, chắc, bài hát diễn tả rất đạt hình ảnh nặng nề nhích dần của khẩu trọng pháo. Khai thác diễn xướng hò dân gian với hai lớp xướng xô kết nối ăn khớp nhau, không chỉ là động viên, bài hát vươn tới tầm phổ quát ca ngợi sức lao động sẽ tạo ra điều diệu kỳ trong cuộc đời: “Vai ướt đẫm sương đêm cùng mồ hôi/ Tới đích rồi đồng chí pháo binh ơi/ Mai đây nghe pháo gầm vang dậy/ Cùng bộ binh đánh tan đồn thù/ Lòng quyết tâm sắt gang nào bằng”.

4. “Trên đồi Him Lam” - niềm tin chiến thắng

Ngày 13-3-1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn bằng chiến thắng cứ điểm Him Lam. Ca khúc “Trên đồi Him Lam” được nhạc sĩ Đỗ Nhuận sáng tác ngay giữa trận địa vẫn còn vương khói súng, khét mùi pháo đạn nên âm hưởng bài hát mở ra khí thế hừng hực của mũi đột phá: “Hôm qua đánh trận Điện Biên/ Chiến hào xuất kích đồi Him Lam ta tiến vào/ Đột phá, tiêm đao tiến đánh vào/ Đi mở đường thắng lợi, 3 tháng đổ mồ hôi ta tới đây/ Quyết diệt cho hết quân thù...”. Là niềm tự hào xen lẫn những hồi tưởng xúc động, vì thế, lời hát dài ngắn không đều, khi đanh, ngắn, mạnh; khi ngân dài như vượt ra khỏi khuông nhạc: “Hôm nay thắng trận đầu tiên/ Xác thù ngã xuống, đồi Him Lam, ta cắm cờ/ Đường mới chúng ta kéo pháo vào/ Qua nhọc nhằn gian khổ ta thấu tỏ lòng dân ta tới đây/ Góp lực để thắng trận này”. Qua sự tái hiện bối cảnh hào hùng, quyết liệt của trận mở màn chiến dịch cùng âm hưởng phấn khởi, vui tươi, bài hát như một dự báo ngày chiến thắng đang đến rất gần.

5. “Chiến thắng Điện Biên” - niềm vui bất tận!

Nhạc sĩ Đỗ Nhuận ghi trong hồi ký “Âm thanh cuộc đời” rằng cả một đêm ông ngồi viết bài hát bên bếp nhà sàn đỏ lửa. Ra đời trong bối cảnh vui mừng tột độ ấy nên bài hát là khúc tráng ca hào hùng: “Giải phóng Điện Biên, bộ đội ta tiến quân trở về/ Giữa mùa hoa nở miền Tây Bắc tưng bừng vui”. Lời hát làm bừng lên cả không gian đất trời sáng ngời: “Núi sông bừng lên/ Đất nước ta sáng ngời/ Cánh đồng Điện Biên, cờ chiến thắng tưng bừng trên trời”. Âm hưởng điệu chèo ngọt ngào Bắc Bộ “Sắp qua cầu” cùng giai điệu tình tứ luyến láy “Ai xui lúa chín” của dân ca quan họ Bắc Ninh hòa vào nét rộn ràng của dân ca Thái Tây Bắc kết thành âm hưởng quấn quýt, vui nhộn như nâng hồn người bay vào miền đất trời chiến thắng tưng bừng. Là một mã văn hóa về ngày chiến thắng, chứa đựng các nét nghĩa niềm vui, tự hào, phấn khởi cùng những cung bậc tâm trạng phấn chấn, bài hát được chọn làm nhạc hiệu chính thức hằng ngày của Đài Tiếng nói Việt Nam như chúc thính giả có ngày mới đẹp nhất, phơi phới niềm vui.

leftcenterrightdel
Hoa ban trên đèo. Ảnh: VĂN THÀNH CHƯƠNG 

Bằng ngôn ngữ âm nhạc, 5 bài hát ấy đã cùng điêu khắc nên một tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ. Thời gian sẽ qua đi nhưng tượng đài ấy thì vĩnh cửu, sừng sững vươn vào bầu trời văn hóa hòa bình nhân loại, khẳng định lòng yêu nước, quyết tâm, tinh thần chính nghĩa, trí tuệ Việt Nam sẽ chiến thắng mọi thế lực xâm lược phi nghĩa. 5 tác phẩm xứng đáng 5 kiệt tác ấy sẽ sống mãi để làm thành một chìa khóa văn hóa cho hậu thế mở ra cánh cửa lịch sử lý giải vì sao dân tộc Việt Nam nhỏ bé vừa thoát khỏi thân phận nô lệ lại có thể vùng lên quật ngã một kẻ thù hùng mạnh. Bạn bè quốc tế muốn tìm hiểu căn cước văn hóa dân tộc Việt Nam cũng sẽ nghe 5 nhạc phẩm này để hiểu thêm tính cách, tâm hồn Việt. Còn là bài học về sáng tạo nghệ thuật chứng minh một quy luật: Người nghệ sĩ phải nhập thân, thao thức, trăn trở, bước cùng bước đi, đập cùng một nhịp với đời sống để gieo hạt giống hình tượng và chăm tưới bằng nguồn suối cảm xúc trong trẻo, nồng nàn mới có thể gặt hái những trái tác phẩm giàu ý nghĩa!

PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ