Ở xã Đắk Ngo có hai dòng suối là Đắk Ngo và Đắk Sin nước trong vắt. Các cụm dân cư mọc lên dọc theo các bờ suối và các triền đồi. Những lần lên đây, tôi hay xuống các bản người Mông nghe bà con kể chuyện và ngất ngây với các già làng bởi những bát rượu ngô thơm phức. Tôi nhớ nhất là già làng Hạng Seo Vảng ở Đội 8. Ông hay dạy cô cháu nội Hạng Thị Dóa những câu ca dao. Ngày đó, Dóa mới học lớp 8. Nghe nói giờ cô đã là mẹ của 2 con và là giáo viên dạy mẫu giáo được gần 10 năm. Điều mà già làng Hạng Seo Vảng vui nhất là ở Bắc Hà (Lào Cai), Dóa mù chữ và phải đi làm giúp mẹ từ lúc 5 tuổi, được về Khu KT-QP Đắk Ngo, Dóa không lấy chồng sớm mà chịu khó học chữ. Thế là cô biết đọc, biết viết và trở thành cô giáo.

Còn nhớ khi bộ đội Trung đoàn 720 về Đắk Ngo, ông Hạng Seo Vảng cùng hàng trăm hộ dân người Mông mới di cư từ các tỉnh Tây Bắc vào Tây Nguyên, đã nghe theo lời bộ đội vào Khu KT-QP Đắk Ngo. Những ngày đầu, nhiều gia đình người Mông chán nản vì ở đây hoang vu, đi lại còn khó khăn. Vợ ông Thào A Sáng vừa khóc vừa nói với chồng: “Người Mông ta vẫn khổ rồi”. Một vài nhà còn bàn nhau trốn đi chỗ khác, nhưng gia đình ông Hạng Seo Vảng, ông Giàng A Chung, bà Mùa Thị Vải và nhiều hộ khác vẫn ở lại. Bà con được bộ đội đưa vào sống tạm trong các nhà lán, được phát gạo, muối, phát chăn màn, đồ dùng gia đình. Ít ngày sau, nhà nào cũng được cấp từ 400 đến 700m2 đất để dựng nhà và được giao từ 0,5 đến 1ha đất (tùy theo số lượng nhân khẩu) để trồng điều, cà phê, hồ tiêu. Lúc dựng nhà, ai cũng vui cái bụng. Bộ đội chở tôn, chở gỗ đến cấp cho cả bản và cử chiến sĩ dựng nhà giúp dân. Những bản mới của người Mông hình thành bên dòng Đắk Ngo như thế...

leftcenterrightdel

Bộ đội Trung đoàn 720 giúp bà con người Mông ở Đắk Ngo chăm sóc cao su. Ảnh: LÊ QUANG SÁNG

Trong những lần tôi đến Đắk Ngo, người cán bộ mà bà con dân tộc Mông nhắc đến nhiều nhất là Đại tá Vũ Văn Mài, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 720 (anh Mài đã nghỉ công tác từ năm 2014). Bà con đặt cho anh cái tên của đồng bào là Giàng Seo Mài. Tuy không nói được tiếng Mông nhưng anh được đồng bào quý mến như người nhà. Chả thế mà già làng Hạng Seo Vảng, ông Dương Văn Phông, hay ông Giàng A Lừ đều nói: “Cán bộ Mài, nó là em trai của mình đấy”. Những ngày đầu đến Đắk Ngo, hơn 300 hộ người Mông chưa thu hoạch được vụ cà phê, vụ sắn, vụ điều nào, mà nhà nào cũng có gạo, có muối để ăn. Đấy là do bộ đội của cán bộ Giàng Seo Mài đến giúp. “Bộ đội thương người Mông thật rồi!”, mọi người rỉ tai nhau.

Rồi bộ đội, công nhân của Trung đoàn 720 hướng dẫn người Mông cách trồng và chăm sóc cây. Những bản làng sau này mọc ra nhiều con đường mới. Ông Phạm Văn Sở (sau là Phó trung đoàn trưởng Trung đoàn 720, đã nghỉ hưu) là người chỉ huy bộ đội mở đường. Từ Quốc lộ 14, con đường ôm theo các sườn núi, rồi chạy thẳng vào khu trung tâm của Trung đoàn 720 và tỏa xuống các đội của người Kinh, người Mông. Cũng từ đó, hàng hóa trong khu dự án đã được giao lưu với thị trường và những mặt hàng thiết yếu phục vụ cuộc sống cũng “chảy” từ ngoài Gia Nghĩa, Kiến Đức (Đắk Nông) và cả Đồng Xoài (Bình Phước) đến cụm dân cư Đắk Ngo. Tiếp đó, một số trường học cũng mọc lên ở các bản người Mông và đội sản xuất của người Kinh. Nhiều nhất là các lớp mẫu giáo. Khi người lớn lên nương rẫy cũng là lúc đám trẻ con hát vang ở lớp. Ngay cô gái Mùa Thị Rợ biết tiếng phổ thông cũng được cán bộ cho làm trợ giảng. Thế là người Mông đã có người trở thành cô giáo.

Những mùa rẫy bội thu, thóc gạo, khoai sắn “chạy” vào nhà người Mông ngày càng nhiều. Nhà già làng Hạng Seo Vảng, nhà anh Sùng A Páo và nhiều gia đình khác có nguồn thu lãi gần 70 triệu đồng từ lúa và cà phê mỗi năm. Có tiền, bà con làm nhiều nhà mới to đẹp, rồi mua ti vi, tủ lạnh, điện thoại di động, xe máy. Vài năm sau, không ít nhà còn mua được cả ô tô, máy kéo nữa.

Giờ đây, bộ đội Trung đoàn 720 và các đơn vị của Binh đoàn 16 vẫn ngày đêm dồn trí lực chăm lo cho cuộc sống của người dân. Có dịp về Khu KT-QP Đắk Ngo, chúng ta còn được dòng Đắk Ngo kể nhiều câu chuyện hay về mảnh đất này. Mà câu chuyện hay nhất đó là: Bộ đội vì dân, dân tin yêu bộ đội.

HƯNG PHÚ