Những ngày cuối tháng 7-2022, Đại tá Phùng Bá Đam cùng đồng đội đang công tác tại Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin quận Tây Hồ đã tổ chức nhiều hoạt động tri ân thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, nạn nhân chất độc da cam... Gắn bó với hội hơn 10 năm, ông luôn dành thời gian thăm hỏi các gia đình nạn nhân chất độc da cam và công việc của hội. Tuy công việc bận rộn nhưng ông vui vì những việc làm có ích, góp phần giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.

leftcenterrightdel
 Đại tá Phùng Bá Đam (thứ ba, từ phải sang) cùng đồng đội chụp ảnh với Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, năm 2012. Ảnh: KHÁNH AN.

Năm 1967, đang là cán bộ ngân hàng, ông nhập ngũ và được biên chế vào Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 66, Sư đoàn 304. Sau thời gian huấn luyện, ông cùng đơn vị vào miền Nam, tham gia chiến đấu ở Khe Sanh, Hướng Hóa (Quảng Trị) năm 1968; Chiến dịch Đường 9-Nam Lào (năm 1971). Ông bị thương nặng khi tham gia Chiến dịch Thượng Đức năm 1974. “Khi ấy, tôi là Trung úy, Trưởng ban Cán bộ Trung đoàn 66. Nhận lệnh trực tiếp từ chỉ huy trung đoàn, tôi xuống Tiểu đoàn 9 động viên 13 chiến sĩ lên điểm cao 1062. Sáng hôm ấy, tôi cùng đồng chí Nguyễn Văn Du, Quyền Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 9 đang kiểm tra các chốt trên cao điểm thì bị pháo của địch bắn vào. Tôi ngất đi không biết gì nữa!”, Đại tá Phùng Bá Đam kể.

Với 3 mảnh đạn găm vào vùng cổ, Phùng Bá Đam được đưa về tuyến sau điều trị. Một tháng sau đó, ông xin trở lại đơn vị tiếp tục cùng đồng đội chiến đấu. Ông có mặt tại dinh Độc Lập vào những ngày tháng 4-1975 lịch sử, dù 3 mảnh đạn trên cổ vẫn chưa được lấy ra do điều kiện y tế thiếu thốn ở chiến trường.

leftcenterrightdel
 Đại tá Phùng Bá Đam. Ảnh: KHÁNH AN.

Sau này, khi đến khám tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, ông mới biết những mảnh đạn này nằm ở những vị trí hiểm yếu, nếu phẫu thuật sẽ có nguy cơ ảnh hưởng lớn tới sức khỏe và sinh hoạt. Bác sĩ khuyên ông không nên lấy chúng ra. Vậy là 3 mảnh đạn vẫn “chung sống” với ông mấy chục năm qua. Mỗi khi trái gió trở trời, nó lại như nhắc nhớ ông về một thời đạn bom khốc liệt. Nhưng nó cũng là nguồn động lực để ông gắn bó với

Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin quận Tây Hồ, TP Hà Nội ngay từ khi hội mới thành lập năm 2011.

Đại tá Phùng Bá Đam kể: “Khi được đề nghị tham gia hội, làm Phó chủ tịch rồi sau này là Chủ tịch hội, tôi cứ nghĩ, tuy rằng mình cũng là nạn nhân chất độc da cam, là thương binh nhưng so với một số đồng đội thì còn có điều kiện hơn nhiều. Nếu có thể đem công sức giúp đỡ được mọi người thì nhất định sẽ không từ chối trước bất cứ khó khăn gì”. Ông nắm rõ hoàn cảnh của hội viên, ai bị phơi nhiễm, ai có con bị ảnh hưởng do chất độc da cam/dioxin gây ra. Điển hình như gia đình ông Hà Văn Kiến ở phường Quảng An. 3 bố con đều là nạn nhân chất độc da cam. Ông Kiến sức khỏe suy kiệt, đã từ trần mấy năm nay, để lại người vợ đau yếu 80 tuổi với hai người con 30-40 tuổi mà như những đứa trẻ, một người thường xuyên la hét, đập phá, còn một người trầm cảm, cả ngày không nói năng gì. Trước những hoàn cảnh như thế, ông thường xuyên thăm hỏi, vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ, giúp đỡ họ.

Với cương vị Chủ tịch hội, ông cùng Ban chấp hành hội xây dựng, kiện toàn Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin của 8 phường thuộc quận Tây Hồ. Ông đề xuất và được sự chấp thuận của trên về việc xây dựng quỹ xã hội hóa vì nạn nhân da cam. Từ đó, ông cùng các cấp hội vận động doanh nghiệp, tổ chức chính trị-xã hội, cá nhân hảo tâm, cùng các hộ trong quận chung tay xây dựng quỹ. Có thời điểm gây quỹ được 200 triệu đồng, tạo điều kiện để hội giúp đỡ các nạn nhân da cam thường xuyên, kịp thời. Ông còn kết nối với nhiều nhà trường, đưa các em học sinh đến thăm, tặng quà các gia đình có hoàn cảnh khó khăn hay những tấm gương nạn nhân da cam vượt khó, vươn lên như một cách giáo dục truyền thống, tình yêu thương, đồng cảm cho thế hệ trẻ...

NGUYỄN NGỌC TUÂN