Chủ động trước mọi khó khăn
Đưa chúng tôi đi tham quan doanh trại khang trang của đơn vị, Đại tá Phạm Anh Tuấn, Chính ủy Sư đoàn 5 giới thiệu: “Thành lập ngày 23-11-1965, tại chân núi Mây Tàu, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, sư đoàn đã lần lượt giáp chiến với các đơn vị sừng sỏ, khét tiếng của Mỹ-ngụy trên chiến trường. Dấu chân lớp lớp cán bộ, chiến sĩ sư đoàn đã in đậm trên khắp chiến trường miền Đông Nam Bộ và nước bạn Campuchia. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, sư đoàn đã vượt hàng trăm cây số đầm lầy, kênh rạch tiến công giải phóng thị xã Tân An (Long An) và các huyện, thị xã liền kề; làm chủ Quốc lộ 4, tiến quân từ hướng Tây Nam về giải phóng Sài Gòn trong đội hình Đoàn 232 ngày 30-4-1975 lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”.
Trong những năm 1977-1978, sư đoàn đảm nhận chiến đấu trên hướng chủ yếu của quân khu, bảo vệ vững chắc vùng biên giới Tây Nam Tổ quốc. Sau đó, sư đoàn nhận nhiệm vụ sang nước bạn Campuchia làm nghĩa vụ quốc tế. “Hình ảnh cán bộ, chiến sĩ sư đoàn nhường cơm sẻ áo, san sẻ thuốc men, cùng ăn, cùng ở với dân, không tiếc máu xương giúp bạn bảo vệ và xây dựng đất nước đã trở thành ấn tượng không thể nào quên với nhân dân nước bạn. Còn bạn, cùng đào hầm hào, nhường từng cây tre nứa, vật chất để làm doanh trại hay vận chuyển lên chốt cho bộ đội ta từ viên đạn đến thùng nước, nắm xôi... Những câu chuyện về tình cảm quý báu, chia ngọt sẻ bùi giữa nhân dân nước bạn với bộ đội Việt Nam đã được các cựu chiến binh sư đoàn kể lại với các thế hệ cán bộ, chiến sĩ trong nhiều buổi sinh hoạt truyền thống”-Đại tá Phạm Anh Tuấn cho biết.
Tháng 12-1989, sau 10 năm làm nghĩa vụ quốc tế giúp bạn Campuchia, sư đoàn về nước, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Nhớ lại những năm tháng vừa trở về xây dựng đơn vị, Trung tướng Lưu Phước Lượng, nguyên Phó sư đoàn trưởng về chính trị, nguyên Phó trưởng ban Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cho biết: “Không thể kể hết những khó khăn, gian khổ khi đơn vị vừa đặt chân về nước. Căn cứ đóng quân là vùng đất khô cằn sỏi đá, doanh trại do bỏ hoang lâu ngày trở nên hoang phế, xuống cấp nghiêm trọng. Tình hình tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ cũng có những bất ổn do một số biểu hiện công thần, vi phạm kỷ luật...”. Được sự chỉ đạo trực tiếp của Thường vụ Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu, tập thể Đảng ủy, chỉ huy sư đoàn đã nhận thức rõ tình hình phức tạp, chủ động ra nghị quyết, kịp thời lãnh đạo và điều hành công tác tư tưởng. Đồng thời, phát huy truyền thống tự lực, tự cường, cùng sự giúp đỡ của địa phương, cán bộ, chiến sĩ sư đoàn đã cùng nhau khai thác gỗ, tranh tre nứa lá, từng bước giải quyết những khó khăn về nhà ở, bếp ăn, nguồn nước sinh hoạt... Sau gần hai năm chuyển nhiệm vụ, tập trung vào những vấn đề chuyên sâu từ công tác huấn luyện đến đẩy mạnh sản xuất, làm kinh tế, xây dựng cơ bản doanh trại, sư đoàn đã có những chuyển biến mạnh mẽ. Kết quả của các cuộc diễn tập chiến thuật ở các cấp sau đó được đánh giá cao đã khẳng định tính đúng đắn của các chủ trương ấy.
|
|
Thực hành diễn tập bắn đạn thật tại Trường bắn Quốc gia Khu vực 3. |
Sâu sát, gần gũi bộ đội
“Hiện nay, với nhiệm vụ chính trị trung tâm là huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, sư đoàn luôn quán triệt, thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết của các cấp. Đặc biệt, từ năm 2003, thực hiện chỉ thị của cấp trên về làm điểm cho toàn quân xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, toàn sư đoàn thường xuyên làm tốt công tác sẵn sàng chiến đấu, bảo đảm tốt “3 sẵn sàng” về người, vũ khí trang bị và phương án, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống”-Thượng tá Nguyễn Hải Nam, Phó sư đoàn trưởng, Tham mưu trưởng sư đoàn cho biết.
Xác định nhiệm vụ trọng tâm, sư đoàn đã tập trung đột phá nâng cao chất lượng huấn luyện theo phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, vận dụng tốt “3 quan điểm, 8 nguyên tắc, 6 mối kết hợp” trong huấn luyện. Các cơ quan, đơn vị trong sư đoàn đã tích cực, chủ động làm tốt công tác chuẩn bị mọi mặt cho huấn luyện, từ khâu xây dựng triển khai kế hoạch, chuẩn bị vật chất, thao trường, học cụ, giáo án... đến xây dựng ý chí quyết tâm cho chiến sĩ. Hằng năm, sư đoàn đều có các đơn vị được công nhận “đơn vị vững mạnh toàn diện”, “đơn vị huấn luyện giỏi’ và “đơn vị huấn luyện thể lực giỏi”; trong diễn tập có bắn đạn thật hằng năm đơn vị luôn đạt kết quả giỏi, an toàn tuyệt đối.
“Lấy nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của đơn vị là nội dung tập trung, nâng cao trình độ, năng lực chỉ huy, điều hành huấn luyện làm then chốt, coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, lấy thực hành làm chính, làm chủ vũ khí trang bị, tăng cường huấn luyện thể lực, huấn luyện đêm, huấn luyện theo tình huống, sát thực tế chiến đấu và đối tượng tác chiến là các kinh nghiệm của chúng tôi. Đặc biệt, sư đoàn luôn coi trọng vai trò của người cán bộ chỉ huy trực tiếp trong huấn luyện, bởi họ mới là người gần gũi, sát sao nhất với chiến sĩ”-Đại tá Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.
Tìm hiểu thực tế tại Tiểu đoàn 3 (Trung đoàn 4) làm nhiệm vụ huấn luyện chiến sĩ mới, chúng tôi hiểu thêm những điều anh Tuấn chia sẻ. Thiếu tá Mai Văn Chuyên, Chính trị viên phó tiểu đoàn cho biết: “Chiến sĩ mới đến từ 6 tỉnh, thành phố trong khu vực, trong đó khoảng 15% là người dân tộc thiểu số, để tạo sự thống nhất, có kết quả đồng đều trong huấn luyện là việc rất khó. Đảng ủy, chỉ huy tiểu đoàn đã duy trì sự đoàn kết, thống nhất cao từ khâu ra nghị quyết chuyên đề đến phát huy tinh thần dân chủ trong giáo dục bộ đội. Từ đó xây dựng các mô hình, sáng kiến trong giáo dục rèn luyện chiến sĩ mới”.
Sát cánh cùng chỉ huy trung đội, cán bộ tiểu đoàn đã trực tiếp ra thao trường cùng hướng dẫn, rèn luyện bộ đội. Chính từ những giờ thực tế ấy, các anh đã xây dựng các chương trình, giáo án huấn luyện phù hợp với từng đối tượng chiến sĩ với phương châm, đồng chí nào yếu ở đâu thì huấn luyện “bù” ở đấy, trong đó không ngại huấn luyện riêng, kèm cặp thêm vào giờ thứ tám theo từng nhóm hoặc “một-một”...
“Giáo án là vậy, nhưng thực tế không dễ dàng, tùy vào điều kiện, trường hợp cụ thể, chúng tôi lại có cách tiếp cận riêng. Đặc biệt, người chỉ huy trực tiếp phải luôn gần gũi để nắm bắt tư tưởng chiến sĩ”-tiếp lời anh Chuyên, Trung úy Nguyễn Xuân Bình, Trung đội trưởng Trung đội 2, Đại đội 9, Tiểu đoàn 3 chia sẻ với chúng tôi bí quyết để huấn luyện được nhiều chiến sĩ giỏi. Rồi anh kể về trường hợp chiến sĩ mới Bơ Yu Ya Khuyết, người dân tộc Chu Ru (ở xã Tà Năng, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng). Tình cờ một buổi trưa, đi kiểm tra đơn vị, thấy Ya Khuyết ngồi khóc một mình, Bình đã chủ động trò chuyện và được biết rõ hơn về hoàn cảnh khó khăn của gia đình em: Bố mất sớm, mẹ đau ốm liên miên, gần đây còn phát hiện có khối u trong tai. Khi biết gia đình Ya Khuyết định bán đi con bò là tài sản duy nhất để chữa bệnh cho mẹ, Bình đã báo lên chỉ huy đại đội xin ý kiến. Với tinh thần “tương thân tương ái”, đại đội đã cùng nhau đóng góp ủng hộ gia đình Ya Khuyết. Bản thân Trung đội trưởng Nguyễn Xuân Bình thì thường xuyên bên cạnh gần gũi, động viên em. “Vừa qua, Ya Khuyết đã đạt kết quả ném lựu đạn loại giỏi trong đợt kiểm tra “3 tiếng nổ”. Sự tiến bộ từng ngày của em là động lực lớn với chúng tôi!”-Trung đội trưởng Nguyễn Xuân Bình vui vẻ nói.
Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến tranh giải phóng, bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế, Sư đoàn 5 vinh dự được Đảng, Nhà nước hai lần phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân và nhiều phần thưởng cao quý khác; được Nhà nước Campuchia tặng thưởng Huân chương Angkor... Năm 2021, gần 4.000 lượt cán bộ, chiến sĩ sư đoàn không quản ngại khó khăn, nguy hiểm vào tâm dịch hỗ trợ các địa phương trên địa bàn quân khu. Ghi nhận những thành tích trên, sư đoàn đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì. |
KHÁNH AN