Anh Lê Tôn An, giảng vên Trường Đại học Nông nghiệp I (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam)-con trai liệt sĩ Lê Tôn Hy, kể rằng: “Cha tôi hy sinh ngày 26-7-1947 tại Công Luận (Văn Giang, Hưng Yên), trong một trận chống quân Pháp vào làng càn quét. Tháng 10-1998, trong một lần tôi đến thăm vợ chồng ông Phan Thái ở phường Quốc Tử Giám (Đống Đa, Hà Nội), quê gốc ở làng An Trạch, xã Nhật Tân (Tiên Lữ, Hưng Yên) và vợ ông, bà Ngô Kim Chi, quê ở Mỹ Hào, Hưng Yên, khi biết tôi là con trai liệt sĩ Lê Tôn Hy, bà Chi cho biết: “Anh trai tôi là Ngô Huy Biên và ông Nguyễn Ngọc Tâm đã cùng sáng tác một ca khúc ca ngợi liệt sĩ Lê Tôn Hy”. Rồi bà cất giọng hát: “Lê Tôn Hy-người anh hùng muôn thuở/ Lê Tôn Hy-người đã thác oai hùng/ Anh thác đi trong mùa thu tháng tám...”.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, Lê Tôn Hy sinh năm 1914 tại phố Hàng Đồng, thị xã Hải Dương (nay là phố Đồng Xuân, TP Hải Dương). Thân phụ là ông Lê Đình Trân (từng là Tổng đốc thời Pháp thuộc) là nhân sĩ yêu nước; có 6 người con đều gia nhập bộ đội ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công. Ngày 23-9-1945, quân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai. Ngày 19-12-1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, gia đình ông Trân tản cư lên Bắc Giang. Ông làm Chủ tịch Mặt trận Việt Minh tỉnh. Bà là Trần Thị Thọ (vợ ông) làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tỉnh. Sau này, ông Trân được Chính phủ tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì.

Lê Tôn Hy là con thứ hai của ông Trân và bà Thọ, được cha mẹ cho ăn học đến nơi đến chốn và đỗ tú tài Tây học năm 1940. Do có trình độ học vấn, có kiến thức quân sự, chính trị nên được giao chỉ huy Tiểu đoàn 56 thuộc Trung đoàn 41 (Chiến khu 3), phụ trách Mặt trận bắc Hưng Yên-Hải Dương (gồm các huyện: Văn Lâm, Văn Giang, Mỹ Hào, Khoái Châu, Cẩm Giàng, Bình Giang). Theo cụ Nguyễn Dư Chấn, nguyên Trưởng Công an huyện Văn Giang, người cùng thời với ông Hy, kể: “Đồng chí Hy là người chỉ huy quyết đoán, nghiêm khắc; sống rất chan hòa, được anh em trong đơn vị, cán bộ, nhân dân địa phương kính trọng”...

leftcenterrightdel
 Một phần danh sách liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ xã Long Hưng (Văn Giang, Hưng Yên). Ảnh: YÊN HƯNG

Theo lịch sử Đảng bộ huyện Văn Giang, ngày 25-7-1947, ta nhận được tin báo địch về đóng đồn tại Công Luận (nay là thị trấn Văn Giang, huyện Văn Giang). Tiểu đoàn 56 do đồng chí Lê Tôn Hy chỉ huy đang đánh địch tại tỉnh Hải Dương, nhận lệnh dẫn một đại đội về Văn Giang chặn địch. Lê Tôn Hy bố trí trận địa mai phục tại khu vực cống Xuân Quan và đánh địch thắng lợi. Bị thua đau, địch tập trung lực lượng, quân số đông, hỏa lực mạnh, quyết tiêu diệt quân ta. Trước sự chênh lệch lực lượng, ngày 26-7-1947, Tiểu đoàn trưởng Lê Tôn Hy quyết định chọn một tiểu đội chốt lại do mình chỉ huy, số còn lại rút lui bảo toàn lực lượng. Tiểu đội do Lê Tôn Hy phụ trách đã kiên cường đánh địch đến viên đạn cuối cùng. 14 đồng chí, trong đó có Lê Tôn Hy đều hy sinh. Thi hài của đồng chí Lê Tôn Hy được đưa về quê vợ tại xã Nhật Tân (huyện Tiên Lữ) an táng. 12 đồng chí người dân không biết tên tuổi, quê quán nên chỉ ghi chung là Lê Tôn Hy và hy sinh trong trận Lê Tôn Hy. Đồng chí Văn Đính là liên lạc viên, nhưng người dân không rõ quê quán nên cũng ghi là “Trận Lê Tôn Hy”.

Sau khi đồng chí Lê Tôn Hy hy sinh hơn một năm, ngày 4-10-1948, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ký Quyết định số 383/TCH truy thưởng đồng chí Lê Tôn Hy Huân chương Quân công hạng Ba. Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký Quyết định cấp Bằng Tổ quốc ghi công liệt sĩ Lê Tôn Hy ngày 25-1-1957; tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất (1957), Huân chương Chiến thắng hạng Nhì (1958)...  

LÊ HOÀI THAO