“Địa chỉ đỏ” Nam Kỳ khởi nghĩa

Hằng năm, vào ngày 23-11, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện Hóc Môn lại về Di tích “Nơi họp hội nghị Xứ ủy Nam Kỳ tháng 9-1940” để làm lễ giỗ các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ. PGS, TS Phan Xuân Biên cho rằng, do những điều kiện khách quan và chủ quan, cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ thất bại và bị đàn áp tàn bạo, song Nam Kỳ khởi nghĩa đã để lại những bài học vô giá, có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc đối với lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những tấm gương anh hùng liệt sĩ từ Nam Kỳ khởi nghĩa mãi mãi là những ngọn đuốc sáng, truyền cho đời sau nguồn linh khí thiêng liêng. Chính vì vậy, lễ giỗ này là một hoạt động văn hóa truyền thống, mang ý nghĩa tín ngưỡng, tâm linh sâu sắc. Lễ giỗ được tổ chức tại Di tích “Nơi họp hội nghị Xứ ủy Nam Kỳ tháng 9-1940”, càng làm tăng thêm ý nghĩa thiêng liêng của hoạt động tri ân, ngưỡng vọng. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lễ giỗ dự kiến tổ chức gọn nhẹ, vừa bảo đảm tính trang nghiêm vừa đáp ứng yêu cầu an toàn trong phòng, chống dịch.

Các tài liệu tại di tích ghi rằng, trong thời kỳ kháng chiến, khu vực này cây cối rậm rạp, cách xa khu dân cư. Trên mảnh đất này có ngôi nhà lá của gia đình bà Nguyễn Thị Hương. Để bảo đảm bí mật, Xứ ủy Nam Kỳ đã chọn căn nhà bà Hương làm địa điểm tổ chức các cuộc họp vào tháng 9-1940 để bàn kế hoạch lãnh đạo, chuẩn bị cho Khởi nghĩa Nam Kỳ. Đây là địa điểm lý tưởng “đánh có đường tiến, thoát có đường lui”. Nhằm bảo đảm an toàn và bí mật tuyệt đối cho Xứ ủy, xung quanh căn nhà của bà Hương đã được đào các căn hầm bí mật, có lối dẫn thoát ra các dòng kênh, rạch... trong trường hợp khẩn cấp. Bà con trong khu vực một lòng trung thành với Đảng, đã chủ động xây dựng các căn hầm nuôi giấu, che chở cán bộ của Đảng. Dưới sự chủ trì của đồng chí Tạ Uyên, Bí thư Xứ ủy, Hội nghị Xứ ủy mở rộng được tổ chức tại nhà bà Nguyễn Thị Hương từ ngày 21 đến 23-9-1940. Tại hội nghị quan trọng này, Xứ ủy đã xác định rõ phương hướng, kế hoạch khởi nghĩa. Sau đó hai tháng, vào đêm 22, rạng ngày 23-11-1940, Khởi nghĩa Nam Kỳ chính thức nổ ra. Sài Gòn-Chợ Lớn được chọn làm trọng điểm phát lệnh khởi nghĩa chung cho toàn khu vực Nam Kỳ.

leftcenterrightdel
 Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang huyện Hóc Môn tham quan khu trưng bày

Nam Kỳ khởi nghĩa trong Khu tưởng niệm liệt sĩ Ngã ba Giồng, tháng 3-2021. Ảnh: NGUYỄN TRUNG TRỰC

Hơn 30 năm trước, từ nguyện vọng của nhân dân, chính quyền địa phương và bà con xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn đã chung sức, tự nguyện đóng góp kinh phí xây dựng ngôi nhà ngói ba gian kiên cố, dài gần 15m, ngang 6m trên chính nền đất có căn nhà lá của bà Hương năm xưa. Công trình được xây dựng bằng bê tông, khung sắt, được thiết kế theo kiểu dáng nhà gỗ ngày xưa. Nơi trang trọng nhất của ngôi nhà là tượng Bác Hồ, hai bên là tượng chân dung các đồng chí Trung ương Đảng, Xứ ủy, Thành ủy, tham gia lãnh đạo Nam Kỳ khởi nghĩa và kháng chiến chống thực dân Pháp, như: Võ Văn Tần, Tạ Uyên, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thị Lựu, Phan Đăng Lưu, Lê Văn Khương, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Mốt, Trần Văn Mười. Một số hiện vật lịch sử liên quan như trống, tù và, mõ, giáo, mác... cũng được trưng bày tại đây.

Di tích “Nơi họp hội nghị Xứ ủy Nam Kỳ tháng 9-1940” là một trong những dấu son của truyền thống lịch sử quê hương 18 thôn vườn trầu (Hóc Môn-Bà Điểm). Chị Lê Thị Ngọc Ly, Bí thư Đoàn cơ sở xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn, tâm sự: Được sinh ra, lớn lên trên mảnh đất hội tụ nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể liên quan đến lịch sử kháng chiến của dân tộc thực sự là niềm tự hào to lớn của thế hệ trẻ Hóc Môn. Đây cũng chính là lợi thế đặc biệt để đoàn thanh niên các cấp làm tốt hơn công tác giáo dục truyền thống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ.  

Vùng đất ghi nhiều dấu ấn kháng chiến

Hóc Môn là địa bàn được coi là vùng đất thiêng, bởi nơi đây hội tụ nhiều địa danh, công trình, di tích lịch sử kháng chiến. Các tài liệu lịch sử ở địa phương ghi rõ, ngay từ những ngày đầu thành lập Đảng cho đến suốt thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, sau này là kháng chiến chống đế quốc Mỹ, vùng đất này đã được Trung ương Đảng lựa chọn xây dựng căn cứ, pháo đài kháng chiến. Rất đáng mừng là đa số công trình đến nay đều được địa phương bảo tồn, phát huy tốt giá trị. Đó đều là những địa chỉ đỏ của hoạt động du lịch về nguồn. Di tích dinh quận Hóc Môn cũng là một trong những địa chỉ ghi dấu ấn Nam Kỳ khởi nghĩa. Đêm 22-11-1940, lực lượng khởi nghĩa ở Hóc Môn đã chọn dinh quận là một trong những mục tiêu tấn công chủ yếu. Nhiều cán bộ và người dân đã anh dũng ngã xuống trong cuộc khởi nghĩa tại đây. Dinh quận Hóc Môn được Bộ trưởng Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ký Quyết định số 2015/QĐ-BT ngày 16-12-1993, công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, lưu niệm sự kiện Nam Kỳ khởi nghĩa. Ngày nay, khuôn viên di tích đã có thêm các công trình tượng đài và quần thể văn hóa phục vụ khách tham quan.

 

Cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ đã để lại những bài học vô giá, có ý nghĩa      thực tiễn sâu sắc đối với lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những tấm gương anh hùng liệt sĩ từ Nam Kỳ         khởi nghĩa mãi mãi là những ngọn đuốc soi sáng chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, truyền cho đời sau nguồn linh khí thiêng liêng.

Nổi bật nhất trong các di tích, công trình tưởng niệm lịch sử kháng chiến trên vùng đất Hóc Môn chính là Khu tưởng niệm liệt sĩ Ngã ba Giồng. Năm 2002, Di tích Ngã ba Giồng được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Đây là một trong những công trình lịch sử-văn hóa trọng điểm của TP Hồ Chí Minh, gồm nhiều hạng mục như: Đền tưởng niệm, nhà trưng bày, quảng trường với 3 cụm tượng đài, vườn trầu cau... Đây không chỉ là điểm đến chủ yếu trong các tour du lịch về nguồn dành cho du khách mà còn là địa điểm giáo dục, tiếp lửa truyền thống cho thế hệ trẻ. Tổ chức đoàn thanh niên các cấp đã chọn nơi đây để tổ chức các hoạt động dâng hoa, dâng hương, kết nạp đảng, đoàn, đội; sinh hoạt dã ngoại, cắm trại...

TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đang từng bước thích ứng, chung sống an toàn với dịch Covid-19, phục hồi các hoạt động kinh tế-xã hội, trong đó có hoạt động du lịch. Sau thời gian dài “ngủ đông” do phải phong tỏa, đóng cửa để phòng, chống dịch, các địa điểm du lịch truyền thống ở Hóc Môn đã và đang khôi phục, mở cửa trở lại. Theo PGS, TS Phan Xuân Biên, với lợi thế của vùng đất, những địa chỉ đỏ của du lịch truyền thống ở Hóc Môn sẽ có sức hút mạnh mẽ đối với du khách, nhất là vào dịp lễ, tết...

NGUYỄN THẾ TRUNG