Sau hành trình gần 100 cây số từ Trung đoàn 246, chúng tôi đến xã Na Mao (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) thì đã chiều muộn. Trên đường đi, Thượng tá Nguyễn Ngọc Tuân, Phó chính ủy Trung đoàn 246 giới thiệu: Tiền thân của Trung đoàn 246 là Trung đoàn 15, thành lập ngày 30-6-1948 tại xóm Văn Minh (nay là xóm Đoàn Kết), xã Na Mao. Trung đoàn có nhiệm vụ bảo vệ Trung ương Đảng, Bác Hồ, Bộ Tổng tư lệnh và các cơ quan của Chính phủ tại Chiến khu Việt Bắc. Tháng 8-1950, trung đoàn cơ động lên xã Vinh Quang (nay là xã Kim Bình), huyện Chiêm Hóa, tỉnh Thái Nguyên, làm nhiệm vụ mở đường, làm hội trường và các hạng mục chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ hai (tháng 2-1951), đồng thời tham gia bảo vệ an toàn Đại hội Đảng. Do lập công xuất sắc, trung đoàn được Trung ương Đảng trao tặng thanh kiếm khắc dòng chữ “Ban Chấp hành Trung ương Đảng” và được Bác Hồ đặt tên là “Đoàn Tân Trào”.
Một năm sau, thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Chính trị về xây dựng điểm tổ chức Đoàn Thanh niên cứu quốc (nay là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh) trong quân đội, ngày 8-2-1952, trung đoàn vinh dự được chọn thành lập Chi đoàn Thanh niên cứu quốc đầu tiên trong quân đội tại Đại đội 9, Tiểu đoàn 183 (nay là Đại đội 9, Tiểu đoàn 3), cũng tại xóm Văn Minh. Để giáo dục truyền thống, niềm tự hào cho cán bộ, chiến sĩ và thế hệ trẻ, ngày 4-1-2002, Trung đoàn 246 đã khởi công xây dựng Khu di tích và Nhà bia lưu niệm nơi ghi dấu hai sự kiện ra đời trung đoàn và Chi đoàn Thanh niên cứu quốc đầu tiên trong quân đội. Ngày 31-1-2002, khu di tích và nhà bia lưu niệm được khánh thành, đến ngày 20-1-2014 thì được UBND tỉnh Thái Nguyên ra quyết định xếp hạng di tích cấp tỉnh.
    |
 |
Ông Âu Ngọc Hòa (thứ hai, từ phải sang) và ông Nguyễn Công Nhàn (thứ hai, từ trái sang) kể về những ngày hoạt động của Trung đoàn 246 tại địa phương. |
Hơn 20 năm qua, khu di tích và nhà bia lưu niệm của trung đoàn trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống và đón hàng chục nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ, tuổi trẻ và nhân dân cả nước đến tham quan, nghiên cứu sử liệu. Tháng 10-2021, Ban Thanh niên Quân đội chủ trì, phối hợp với Cục Chính trị, Sư đoàn 346 (Quân khu 1) và địa phương tiến hành khởi công tôn tạo, nâng cấp khu di tích và nhà bia lưu niệm thêm khang trang và đẹp hơn.
Trong niềm tự hào được “về nguồn”, Thiếu tá Lương Quốc Khánh, Phó chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 246 cho biết, trung đoàn hằng năm đều tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ đến nơi đây tham quan, học tập, qua đó khơi dậy truyền thống, góp phần tạo động lực để bộ đội thêm quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Ông Nguyễn Công Nhàn, Trưởng xóm Đoàn Kết nhận được thông tin nên đã đến Khu di tích và Nhà bia lưu niệm của Trung đoàn 246 từ rất sớm. Đi cùng với ông Nhàn còn có cựu chiến binh Âu Ngọc Hòa, sinh năm 1933, người sinh ra và lớn lên tại địa phương, đã chứng kiến những ngày đầu trung đoàn đóng quân ở đây. Theo ông Nhàn kể, từ khi Đoàn cơ sở trung đoàn kết nghĩa với Đoàn cơ sở xã Na Mao, tuổi trẻ đơn vị và địa phương tổ chức nhiều hoạt động rất ý nghĩa và thiết thực, như giao lưu văn hóa-văn nghệ, tu sửa đường giao thông, vệ sinh môi trường, thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, người có công, nhất là các cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học giỏi. Những ngày lễ, tết, tuổi trẻ của xã, của xóm Đoàn Kết đến dâng hương tại khu di tích và nhà bia lưu niệm. Đây cũng là nơi để các chi đoàn tổ chức kết nạp Đoàn, Đội. Dịp Quốc tế Thiếu nhi, Tết Trung thu, các anh chị đoàn viên, thanh niên đưa các em nhỏ đến tham quan, tổ chức các hoạt động vui chơi, tặng quà; mời các bác cựu chiến binh đến kể chuyện chiến đấu, chuyện về tình quân dân cá nước...
Cựu chiến binh Âu Ngọc Hòa, nguyên chiến sĩ của Trung đoàn 246 tiếp lời: “Tôi là người dân tộc Sán Chí, nhập ngũ năm 1958, ở Tiểu đoàn 1, Trung đội 2, Đại đội 13, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 246. Hồi đó, chúng tôi đóng quân ở Lào Cai, làm nhiệm vụ tiễu phỉ. Vừa thực hiện nhiệm vụ, đơn vị chúng tôi vừa tham gia giúp dân sản xuất, như làm cỏ, bón phân, thu hoạch lúa, hoa màu; tuyên truyền cho dân về đường lối của Đảng, vận động dân không nghe kẻ xấu xúi giục, không theo phỉ... Hoàn thành nhiệm vụ, ngày 2-9-1959, đơn vị tôi rời Lào Cai, về lại Đại Từ xây dựng doanh trại và huấn luyện sẵn sàng chiến đấu. Trong thời gian làm chiến sĩ của trung đoàn, tôi nỗ lực phấn đấu, được kết nạp Đảng tháng 9-1961. Đến cuối năm 1961, tôi xuất ngũ, về địa phương công tác. Từ năm 1963, tôi tham gia cấp ủy và giữ các chức vụ: Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp, Chủ tịch UBND xã và Bí thư Đảng ủy xã hai khóa, đến năm 1997 nghỉ hưu”.
“Những năm Trung đoàn 246 đóng quân ở xã Na Mao, ông có tham gia hoạt động với tuổi trẻ đơn vị không?”, tôi hỏi ông Hòa. Như chạm vào mạch ký ức, ông Hòa sôi nổi: “Hoạt động nhiều lắm, gian khổ nhưng rất vui. Năm 1948, tôi mới 15 tuổi, tham gia hoạt động thiếu niên. Năm 1949, tôi gia nhập đội du kích của xã. Nhà tôi khá rộng nên bố mẹ tôi dành chỗ cho bộ đội đến ở. Các anh bộ đội sinh hoạt nền nếp. Các anh giúp gia đình tôi và bà con tăng gia sản xuất, vệ sinh xóm làng, vận động bà con nộp thuế, hoàn thành nghĩa vụ với kháng chiến. Nhớ nhất là bộ đội cùng với thanh niên trong xóm cùng lao động, cùng tham gia luyện tập để biểu diễn văn nghệ. Rồi các anh bộ đội rời xóm tôi lên đường, chỉ nói là đi làm nhiệm vụ. Sau này tôi mới biết là các anh đi lên Tuyên Quang, bảo vệ Trung ương Đảng, Bác Hồ, chuẩn bị cho Đại hội Đảng... Gần một năm sau, các anh lại về xã tôi, xóm tôi, ở nhà tôi. Từ năm 1949, tôi được kết nạp vào Đoàn Thanh niên cứu quốc của xã, tham gia du kích. Năm 1952, các anh bộ đội Đoàn Tân Trào về, đoàn viên, thanh niên chúng tôi cùng với bộ đội tham gia nhiều hoạt động, canh gác, phòng gian, bảo vệ an ninh, an toàn địa bàn. Tình quân dân cá nước rất khăng khít, khi các anh bộ đội luyện tập, bà con xóm tôi mang nước uống cho bộ đội. Dù còn nghèo nhưng bà con sẵn lòng mang hoa màu như rau, chuối, khoai, sắn tặng bộ đội. Năm 1953, tôi cùng với một số đoàn viên đi dân công, làm đường sắt Hà Nội-Thái Nguyên. Ấn tượng trước những hình ảnh đẹp, cảm mến Bộ đội Cụ Hồ của Đoàn Tân Trào, 5 năm sau, năm 1958, nhập ngũ, được biên chế về Trung đoàn 246, tôi rất vui mừng vì được đứng trong hàng ngũ của đơn vị. Tôi càng tự hào, nỗ lực phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đến bây giờ, tình cảm với Bộ đội Cụ Hồ, với Đoàn Tân Trào-Trung đoàn 246 còn nguyên vẹn trong tôi với bao ký ức không thể nào quên”...
HƯƠNG NGÂN